Trong đó, phần lớn là công nhân (CN), người đi làm để kiếm ít vốn rồi về quê sinh sống hay với mong muốn thoát nghèo, lập nghiệp nơi đô thị. Tất cả đều có một điểm chung là ra đi mang theo hy vọng "đổi đời". Trực tiếp làm ra sản phẩm, tạo năng suất lao động, tạo ra của cải vật chất cho xã hội, giới CN luôn được nhắc đến hàng đầu nhưng vị trí trong đời sống và hưởng lợi từ thành quả lao động thì còn khiêm tốn. Tôi muốn nhắc đến những CN nhập cư theo dòng chảy việc làm, không qua chuyên môn trường lớp, chưa được đào tạo tay nghề bài bản.
Doanh nghiệp (DN) nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho CN thường ổn định nguồn nhân lực, người lao động (NLĐ) gắn bó lâu dài. Mỗi sáng dậy sớm tập thể dục trong khu chung cư Nhân Phú (quận 9, TP HCM), tôi thường trò chuyện với CN Tổng Công ty CP Phong Phú. Tôi khá bất ngờ khi biết có nhiều CN làm việc đến khi nghỉ hưu. Ở đây, lương CN khá ổn định, được bảo đảm các phúc lợi như: khám sức khỏe định kỳ, được tặng vé xe về quê ăn Tết, xe đưa đón đến nhà máy làm việc.
Hiện thực hóa giấc mơ an cư cho CN, Tổng Công ty CP Phong Phú đã xây chung cư Nhân Phú có 11 tầng, gần 200 căn hộ với 3 loại diện tích để họ dễ chọn lựa, bán với giá ưu đãi. Một CN bày tỏ: "Từ khi chuyển đến chỗ ở mới, tôi thấy rất tiện lợi, sinh hoạt an toàn sau giờ làm việc, có sẵn trường mầm non để gửi con, đi làm gần hơn, cuộc sống gia đình thay đổi hẳn".
Bên cạnh những DN nâng cao đời sống vật chất lẫn tinh thần cho CN, còn nhiều nơi mà CN phải chạy ăn từng bữa do thu nhập không đủ trang trải cuộc sống.
Để cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho CN, theo tôi vấn đề nhà nên là quan tâm hàng đầu. Với CN, mua được căn nhà, dù nhỏ, cũng đã là niềm mơ ước lớn để an cư, ổn định cuộc sống và yên tâm làm việc. Thế nhưng, sở hữu một căn nhà vẫn nằm ngoài tầm với của số đông CN.
TP HCM luôn trăn trở, tìm mọi cách hỗ trợ nhà ở cho CN. Có rất nhiều chủ trương tạo điều kiện cho CN có nhà ở từ các cấp lãnh đạo trung ương, thành phố, quận huyện, LĐLĐ TP. Rồi đến hàng loạt gói chính sách vay mua nhà ở xã hội, gói giải ngân 30.000 tỉ đồng đã hỗ trợ nhiều NLĐ thu nhập thấp cũng như CN nghèo có cơ hội sở hữu căn nhà nhưng dường như còn bỏ ngỏ, chưa thu hút nhiều sự chú ý từ DN phát triển nhà ở. Nguyên nhân có thể là lợi nhuận không cao nên nhiều DN bất động sản chưa chú ý đến phân khúc nhà ở cho CN, dù nhu cầu này là rất lớn. Nên chăng, nhà nước cần có chính sách khuyến khích các DN xây nhà cho thuê giá rẻ hoặc bán giá ưu đãi cho CN. Về phía nhà nước, có thể hỗ trợ DN bằng nhiều cách như bố trí sẵn quỹ đất, miễn thuế sử dụng đất, giảm thuế đầu vào, giảm thuế thu nhập, cho vay trong thời gian dài với lãi suất thấp.
Hơn nữa, phải từng bước hoàn thiện chính sách an sinh xã hội để CN nghèo không bị gạt ra bên lề sự phát triển. Việc này không chỉ đơn giản để phát triển kinh tế mà còn là tôn chỉ, mục đích của chính quyền - luôn đứng về phía công dân, bảo vệ các thành phần lao động yếu thế, dễ bị tổn thương trong quá trình hội nhập. Bên cạnh việc hoàn thiện chính sách tiền lương và BHXH, nhà nước cần có những chương trình hỗ trợ kịp thời, căn cơ đối với những hoàn cảnh cấp thiết, thất nghiệp không đủ khả năng trang trải cuộc sống, trong khi chờ chuyển đổi việc làm...
Bình luận (0)