Mọi người không tin Bình làm được, nhưng sau một thời gian, trại nấm nơi góc núi đã cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Học trồng nấm qua internet
Nhà của Đàm Văn Bình nằm sâu dưới rặng Hoành Sơn, hỏi Bình trồng nấm là ai cũng biết. Giữa trưa, Bình cặm cụi tưới nước tạo ẩm cho 3 nhà nấm. Vừa nói chuyện, Bình vừa nghe điện thoại phân bổ đơn đặt hàng nấm cho những ngày tới. Bình cho biết, vì nhà nghèo không có điều kiện học tiếp nên học hết lớp 9 Bình theo bố vào Vũng Tàu đi biển cho chủ tàu cá. Dân miền núi đi biển không quen sóng gió. Từ đó, Bình lên Đồng Nai xin làm thuê cho một trang trại nấm. Thấy nghề nấm có thể giúp nhiều người như mình ở quê thoát nghèo, Đàm Văn Bình chí thú làm với tất cả niềm đam mê. Tiền công chi tiêu dè xẻn, sau đó Bình về quê làm nhà nấm đầu tiên.
Đàm Văn Bình đầu tư trồng nấm
Năm 2013 ở quê nhà, Bình trồng thử nấm sò nhưng thất bại. Không nản chí, Bình kiếm các tiệm internet tìm đọc những phương pháp trồng nấm. "Cuối cùng thì những bịch nấm cũng nở bung và cho thu hoạch", Bình kể, nhưng khi sản xuất được nấm thì đầu ra rất khó, làng của Bình chưa ai ăn nấm trồng. Bình chạy xe máy ra các chợ bán nấm, rồi tiếp thị ở những nhà hàng ven biển để gầy dựng đầu ra. Dần dần, nấm của Bình được nhiều địa chỉ đón nhận vì có chất lượng.
Thoát nghèo ngay tại quê hương
Thấy con vất vả, mẹ của Bình có ý định cầm sổ đỏ vay tiền để con đi xuất khẩu lao động tại lãnh thổ Đài Loan. Tuy nhiên, Bình thuyết phục bố mẹ cầm sổ đỏ vay tiền để trồng nấm cũng có thể thoát nghèo và làm giàu ngay trên quê hương, không nhất thiết phải tha phương cầu thực. Bố mẹ không đồng ý, Bình đánh liều giấu bố mẹ cầm sổ đỏ vay mượn đầu tư thêm hai nhà nấm đúng tiêu chuẩn.
Chàng trai trẻ cần mẫn, chăm chút 3 nhà nấm của mình bằng quy trình khắt khe. Nấm thường bị sâu ăn nhưng Bình kiên quyết không sử dụng thuốc trừ sâu mà lên rừng bắt các loài nhện về bỏ vào nhà nấm để trị sâu. Bà Nguyễn Thị Tùy, một khách hàng ở Hà Tĩnh nói: "Bình tuy trẻ nhưng suy nghĩ chín chắn, chịu khó làm ăn để thoát nghèo. Cậu trồng nấm sạch, làm ăn uy tín nên tui tin tưởng sản phẩm của cậu".
Kinh nghiệm của Bình là nhiệt độ nhà nấm phải đạt từ 19 - 270C, độ ẩm 90% sẽ cho nấm phát triển tốt. Trại nấm dưới núi Hoành Sơn khắc nghiệt, Bình lắp thêm hệ thống phun sương, thường xuyên tưới nước tạo mát vào mùa hè. Hiện nay, Bình thu hoạch 7 tấn/năm nấm các loại, giá bán hơn 200 triệu đồng, nếu 3 nhà nấm cho sản lượng đều, con số này sẽ lớn hơn. Thấy vườn đất còn trống, Bình nghiên cứu làm tiếp nấm linh chi.
Khách hàng mua nấm của Bình trải dài từ Quảng Bình ra Hà Tĩnh, Nghệ An, nhiều lúc cháy hàng vì lượng tiêu thụ lớn. Theo Bình, năm tới nếu ổn định thì thu nhập khoảng 400 triệu đồng là trong tầm tay. Mẹ của Bình nói: "Giờ nó tạo công ăn việc làm cho cả nhà, lại có thu nhập, tôi mừng lắm". Người làng xem Bình như một điển hình thoát nghèo ngay trên chính quê hương. Cách làm của cậu thanh niên này đã và đang truyền cảm hứng cho nhiều thanh niên dưới rặng Hoành Sơn.
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh văn phòng Hội Nông dân tỉnh Quảng Bình đánh giá: "Đàm Văn Bình là một thanh niên dám nghĩ, dám làm và làm thành công. Mong rằng sẽ có nhiều thanh niên như Bình vượt qua khó khăn làm giàu cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế của địa phương".
Bình luận (0)