Với niềm đam mê về may mặc, sau khi tốt nghiệp PTTTH thay vì thi đại học, chị Trung lại chọn tham gia lớp học nghề may công nghiệp. Lý do thật đơn giản, là bước sang tuổi 16- 17 chị Trung đã nung nấu sẽ mở cho mình một xưởng may nho nhỏ.
Và niềm nung nấu càng trở thành hiện thực khi chính tại vùng quê chị sinh ra và lớn lên ngoài làm ruộng thì chưa hề có nghề phụ nào để tăng thu nhập cho bà con, trong khi chị em phụ nữ sau những ngày nông nhàn lại không có việc để làm, đời sống bấp bênh.
Thế là năm 2006, chị bắt tay vào mở xưởng may của chính mình. Với tuổi đời chưa nhiều, kinh nghiệm còn ít, thậm chí nghề may còn chưa phổ biến ở địa phương cho nên chị Trung vấp phải không ít trở ngại. Từ việc lấy đâu ra nguồn vốn, tìm đâu ra nhân lực đã khiến chị không ít phen đau đầu.
Tuy nhiên, sau bao biến cố, cùng với sự nỗ lực bản thân, giờ đây chị cũng đã gặt hái được không ít thành công từ đam mê mình theo đuổi. Nhờ tay nghề cao cùng với sự tỉ mỉ, xưởng may của chị dần chiếm được uy tín, sự tin tưởng của khách hàng, càng ngày chị càng nhận được nhiều hợp đồng sản xuất hơn. Giờ đây, không chỉ cung cấp cho địa phương, các huyện lân cận, sản phẩm may mặc từ xưởng của chị đã sang các tỉnh khác: Phú Thọ, Hòa Bình...
Thị trường ngày càng mở rộng, vì vậy, để thuận tiện cho các mối giao hàng và tạo công việc làm ăn thuận lợi cho lao động địa phương, ngoài xưởng may tại thôn, chị Trung đã mở thêm 5 cơ sở may khác tại các xã lân cận trong huyện và ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, Hòa Bình.
Mỗi ngày, các xưởng may của chị sản xuất ra từ 1.500 – 1.600 sản phẩm, trừ mọi chi phí, mỗi năm các xưởng cho thu lãi từ 300 – 500 triệu đồng. Giờ đây, không những thoát nghèo cho bản thân, chị còn tạo cơ hội việc làm cho gần 130 lao động, với mức thu nhập ổn định từ 5 – 7 triệu đồng.
Ngoài tạo công ăn việc làm cho công nhân, chị Trung còn luôn chia sẻ, cảm thông tới hoàn cảnh phụ nữ khó khăn. Thấy ai không có việc làm, còn khó khăn về kinh tế, chị lại mời họ về làm tại xưởng của gia đình mình, chị luôn mong muốn từ những cảm thông mọi người có thể “sát lại gần nhau”. Tính đến nay, chị đã giúp đỡ được một hội viên thuộc hộ cận nghèo và hộ nghèo của thôn thoát nghèo.
Trong thời gian tới, chị cũng đang tìm hiểu các thủ tục thành lập công ty, để có tư cách pháp nhân, đóng bảo hiểm và đảm bảo chế độ cho các chị em khi làm việc tại các xưởng may của gia đình chị.
Chị Nguyễn Thị Thêu – Chủ tịch Hội phụ nữ xã Đại Thành cho biết: “Chị Trung là một hội viên phụ nữ tiêu biểu của hội phụ nữ xã. Trước đây cũng là một hộ gia đình khó khăn, tuy nhiên, qua sự cố gắng, hiện chị đã là chủ cơ sở may, tạo việc làm cho nhiều chị em trong chi hội, trong xã. Ngoài làm kinh tế, chị Trung cũng rất tích cực với các phong trào của hội, địa phương”.
Với sự quyết tâm, chịu khó tự tìm hướng đi thích hợp để phát triển kinh tế gia đình, chị Trung đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm giàu chính đáng. Chị chia sẻ: “Tôi mong muốn, chị em phụ nữ ở địa phương có thể tìm được công ăn việc làm, thu nhập ổn định mà không phải đi đâu xa. Với tôi, làm kinh tế chỉ là một phần, cái quan trọng hơn cả là chị em có thể thấu hiểu và chia sẻ được với nhau, gần nhau để cùng vượt qua được những khó khăn của cuộc sống”.
Bình luận (0)