Khi chúng tôi đến thăm phòng trọ, đã gần trưa nhưng chị Nguyễn Thị Tuyên, 40 tuổi, công nhân (CN) Công ty TNHH Triumph International Việt Nam, KCX Linh Trung II, TP HCM, vẫn chăm chú thêu tranh. Bức tranh “Phúc - Lộc - Thọ” vừa hoàn tất, chị lại gấp rút hoàn thiện khung tranh có lời đề tặng “Vạn sự như ý” cho kịp Tết. “Món quà này vừa ý nghĩa vừa tiết kiệm chi phí” - chị Tuyên khoe.
Tiết kiệm tối đa
Chị Tuyên cho biết vào cuối năm, trong khi nhiều nơi tất bật tăng ca thì công ty của chị lại cho CN nghỉ thứ bảy, chủ nhật vì không có đơn hàng. Do vậy, chị tranh thủ tự thêu tranh làm quà Tết tặng người thân. Chồng chị bị bệnh nghề nghiệp nên đã cùng 2 con về quê ở tỉnh Thanh Hóa. Nếu chỉ trông chờ vào mấy thửa ruộng thì các con sẽ không có tiền đi học. Do đó, chị đành ở lại TP HCM một mình kiếm tiền lo cho gia đình. Nếu tăng ca đều đặn, chị lãnh 4 triệu đồng mỗi tháng. Số tiền này phải tằn tiện lắm mới đủ chi tiêu cho bản thân và gửi về giúp gia đình. Tết này công ty thưởng 1 tháng lương căn bản. “Tiền tàu xe đã ngốn hết thưởng nên tôi phải chi li để qua Tết không phải mượn tiền ăn” - chị chia sẻ. Ngoài tranh thêu, chị sẽ mua thêm vài hộp bánh, kẹo cho con chứ không sắm quần áo, nhu yếu phẩm như mọi năm.
Mới vào làm việc tại Công ty Freetrend A (KCX Linh Trung II, TP HCM) được mấy tháng nên chị Nguyễn Thị Mến không dám trông chờ vào tiền thưởng cuối năm. Để được về quê đón Tết bên gia đình, mỗi tháng chị Mến trích một khoản nhỏ tiền lương để dành. Chị Mến cho biết: “Chị tôi đang mang thai, không thể về quê được nên tôi cố gắng về với cha mẹ. Do tiền bạc eo hẹp nên tôi chọn mua quà ở quê thay vì mua ở TP HCM”.
Gồng mình
Trong khi rất nhiều người nôn nao đón Tết thì vợ chồng chị Nguyễn Thị Nguyệt, CN Công ty EINS Vina (100% vốn Hàn Quốc, KCN Sóng Thần, ở trọ tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM) lại thắc thỏm lo. Suốt mấy tháng nay, kể từ khi chồng chị phải nghỉ việc do mắc bệnh nghề nghiệp, mọi chi tiêu trong gia đình dồn hết lên vai chị. Với 4 triệu đồng tiền lương ít ỏi mỗi tháng, phải cố gắng hết mức mới đủ chi trả các khoản tiền phòng trọ, điện, nước và sinh hoạt phí. Lo ăn từng bữa đã khó nên Tết này, vợ chồng chị không dám nghĩ đến chuyện về Nghệ An sum họp với gia đình. “Biết vợ chồng tôi đang gặp khó khăn nên gia đình hai bên cũng không mong quà Tết. Dù vậy, đã không thể về quê gặp mặt, chúc Tết ông bà, chúng tôi cũng cố gắng tiết kiệm để gửi về làm quà” - chị tâm sự.
Tương tự, vợ chồng anh Phạm Văn Trường và chị Nguyễn Thị Mơ (ở trọ tại phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM) cũng rất lo lắng khi Tết đã cận kề. Chị Mơ bị mất việc đã hơn 6 tháng. Hiện cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng của anh Trường hiện làm việc tại Công ty Thương mại và Sản xuất Bình Lợi (KCN Bình Chiểu, TP HCM). “Lương thấp, lại phải nuôi con nhỏ, tiền đâu sắm Tết? Năm nay tiền gửi về biếu cha mẹ cũng không bằng những năm trước” - chị than thở.
Tết cũng đang là nỗi lo của chị Phạm Thị Quý, 43 tuổi, quê tỉnh Thanh Hóa bởi suốt 5 tháng qua, công ty không có hàng, tạm ngưng hoạt động nên CN phải nghỉ chờ việc. Trong thời gian chờ công ty sản xuất trở lại, chị làm thêm nhiều nơi để kiếm sống. Chị Quý rầu rĩ: “Một năm nay, tôi phải chắt bóp mới sống đủ. Tết nay chắc chắn không bằng mọi năm rồi!”.
Tập trung lo Tết cho công nhân khó khăn
Bà Nguyễn Thị Thu, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết năm nay, số CN không thể về quê sẽ đông nên việc trước mắt của tổ chức CĐ TP là tập trung lo Tết cho CN, đặc biệt là những CN có hoàn cảnh khó khăn, công nhân (CN) bị mất việc hoặc nghỉ chờ việc, không có điều kiện về quê ăn Tết. LĐLĐ TP đã chỉ đạo CĐ cấp trên phối hợp với CĐ cơ sở tổ chức các hoạt động chăm lo cho CN như tổ chức tất niên, thăm hỏi, tặng quà cho CN khó khăn.
Bình luận (0)