Bên lề Hội thảo Lấy ý kiến tham gia dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và quy định về quấy rối tình dục tại nơi làm việc, ngày 15/5, TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã trao đổi với báo chí về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đang được Bộ LĐ-TB-XH lấy ý kiến góp ý.
TS. Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội
Xin ông cho biết vấn đề toàn dụng lao động sẽ được thực hiện như thế nào để phát triển kinh tế ra sao?
- Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) quy định tuổi nghỉ hưu 60 với nam 60 và 55 với nữ; những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm giảm tiếp 5 – 10 năm. Rõ ràng nguồn nhân lực của chúng ta đang giảm đi. Và theo xu hướng chung về già hóa dân số, đã đến lúc chúng ta thiếu nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Đánh giá thực trạng hiện nay, mặc dù quy định tuổi nghỉ hưu nam 60 và nữ 55 nhưng bình quân tuổi làm việc của cả hai giới đạt 54. Rõ ràng chúng ta đang về hưu không đúng với quy định hiện tại.
Thứ hai, theo khảo sát đánh giá của một cơ quan nghiên cứu khoa học, trong tổng toàn bộ lực lượng lao động đã nghỉ hưu, hưởng lương hưu vẫn có 42% đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân. 42% này mà tiếp tục làm việc, đóng vào quỹ BHXH, chắc chắn khi về hưu họ sẽ có mức lương hưu cao hơn. Cho nên, đánh giá thực trạng và tuổi nghỉ hưu hiện nay theo quy định của pháp luật, chúng ta đang lãng phí một lực lượng nguồn nhân lực rất quan trọng. Có thể nói, nguồn nhân lực này có chuyên môn, trình độ quản lý và tay nghề cao, rất quan trọng cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cần có những chính sách để động viên lực lượng này phát triển kinh tế đồng bộ sẽ tốt hơn?
- Chúng ta phải suy nghĩ đến điều đó. Nghị quyết 28 của Trung ương về cải cách chính sách BHXH đã đưa ra những giải pháp và các mục tiêu hết sức quan trọng, chính là huy động và phát huy nguồn lực lao động đã hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước, đã hưởng lương hưu tiếp tục tục đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Chính vì lẽ đó chúng ta điều chỉnh tuổi nghỉ hưu tăng lên để huy động nguồn nhân lực hiện tại của đất nước. Lực lượng nhân lực này chính là nguồn nhân lực chất lượng cao.
Nhưng NLĐ cho rằng họ lấy lương hưu và đi làm để có lợi nhuận cao hơn, như thế vẫn đóng góp cho xã hội?
- Điều đó rất đúng là họ vẫn lao động, vẫn đóng góp cho xã hội, không có gì trái luật. Thứ hai, họ vẫn được hưởng lương hưu, hưởng hai nguồn thu nhập, rất tốt cho đất nước. Nhưng phần nào đó, chúng ta sẽ không hạch toán được kinh tế, như Thủ tướng nói là kinh tế ngầm, không đánh giá được. Nếu họ tham gia trong nền kinh tế quốc dân ở các ngành nghề lĩnh vực thì chúng ta đánh giá đúng GDP, tốc độ tăng trưởng - điều này hết sức quan trọng.
Tôi cho rằng, chúng ta huy động được nguồn lực đã nghỉ hưu làm trong khu vực kinh tế nhà nước thì quản lý sẽ tốt hơn. Và điều quan trọng, chúng ta quản lý được thuế, tăng được thuế. Đó chính là tăng GDP, tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Điều này cực kỳ quan trọng.
Rất nhiều cơ hội việc làm dành cho người lao động đang ứng tuyển tại phiên giao dịch. Ảnh: Thủy Trúc |
Mọi người nên hiểu rằng, chúng ta phát triển gì thì phát triển nhưng phải đảm bảo lợi ích của ba bên: NLĐ – DN – Nhà nước. Nếu cứ tập trung vào lợi ích NLD và DN, bỏ trống Nhà nước, làm sao có nguồn thu để tái đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi mà khi anh về hưu họ vẫn sử dụng các dịch vụ xã hội, tham gia giao thông. Tại sao anh không góp phần thêm cho đất nước? Về cái này đó là quyền của người ta. Nhưng, anh muốn huy động thì phải khuyến khích và có chính sách.
Nhiều người nói tăng tuổi nghỉ hưu 60 với nữ và 62 với nam vẫn thấp hơn lộ trình tăng với các nước xung quanh, kể cả Lào và Campuchia?
- Điều đó rất đúng so với khu vực nhưng không đúng với Việt Nam. Chúng ta đừng vui mừng khi tuổi thọ của người Việt Nam là 76,6, bởi chất lượng cuộc sống của người về hưu rất thấp. Có nghĩa mỗi người cao tuổi chứa trong mình 3 loại bệnh tật, sức khỏe không tốt và nhiều khi đi viện, thuốc chữa bệnh rất khó khăn.
Trung ương đã có nghị quyết số 21 về phát triển dân số trong tình hình mới chính để nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo nguồn nhân lực bền vững hơn. Đến một lúc nào đó, tuổi làm việc đến 60 và 62 sẽ được xem xét điều chỉnh nhưng trong hiện tại chúng ta chưa đủ điều kiện để làm việc đó. Thứ hai nữa, quá trình già hóa dân số của chúng ta kéo dài trong nhiều năm, phải đến năm 2049 mới như Nhật Bản hiện nay. Như vậy chúng ta có chặng đường dài để điều chỉnh, mà pháp luật không thể cứng nhắc. Khi nào chúng ta thấy thuận lợi thì điều chỉnh, chúng ta phải đảm bảo nguyện vọng, lợi ích và mong mỏi của người dân. Việc sửa Bộ luật Lao động là để thỏa mãn những yêu cầu, nguyện vọng, cũng như đáp ứng thực thi của nhóm được điều chỉnh trong bộ luật này, tức là các đại diện trong quan hệ lao động, gồm có chủ sử dụng lao động và NLĐ. Điều đó rất là quan trọng.
Bình luận (0)