xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Chật vật xoay xở trong "bão giá"

NHÓM PHÓNG VIÊN

Giá xăng tăng kéo theo chi phí sinh hoạt đội lên không ít khiến đời sống công nhân đã khó càng thêm khó

Việc giá xăng liên tục tăng trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống công nhân (CN), nhất là những gia đình có con nhỏ, vì chi phí sinh hoạt đội lên rất nhiều. Trong khi đó, hơn 2 năm qua, tiền lương tối thiểu vùng không tăng, thậm chí vì dịch, thu nhập của rất nhiều CN bị giảm sút trong thời gian dài khiến chất lượng sống ngày càng đi xuống.

Chật vật xoay xở trong bão giá - Ảnh 1.

Thu nhập bấp bênh khiến công nhân ngoại tỉnh phải “thắt lưng buộc bụng” trong chi tiêu. Ảnh: THẢO NGUYỄN

Chóng mặt với giá cả

Mấy ngày nay, mỗi lần đi chợ, chị Nguyễn Thị Ngọc Lan, CN Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), cảm thấy như bị ai "móc túi". Cũng cầm 500.000 đồng đi chợ như trước để mua thức ăn trong 3 ngày cho gia đình 4 người nhưng nay chỉ mua được phân nửa thứ cần thì đã cạn tiền.

Chị Lan than thở từ lúc giá xăng tăng, mỗi ngày đi chợ là thấy giá lại khác. Ví dụ: trứng gà giá 30.000 đồng/chục, nay 32.000-33.000 đồng/chục, chai nước mắm có giá 42.000 đồng/chai thì nay 47.000 đồng/chai, đường cát 18.000 - 19.000 đồng/kg lên 21.000-22.000 đồng/kg. Cùng với đó, giá các loại rau, củ, quả cũng tăng vọt. Vợ chồng chị Lan đều là lao động ngoại tỉnh, thu nhập mỗi tháng khoảng 13 triệu đồng. Các khoản thuê trọ, điện - nước và 4 triệu đồng gửi về quê phụ cha mẹ nuôi 2 con đã ngốn hết lương của 1 người. Phần còn lại chỉ đủ 2 vợ chồng chi tiêu cho các khoản ăn uống, xăng xe, ma chay, hiếu hỷ…, gần như không có tích lũy.

Tương tự, nhiều tháng qua, vợ chồng chị Từ Thị Hà (quê Quảng Bình), CN một doanh nghiệp tại quận Gò Vấp, cũng đau đầu với chuyện chi tiêu. Trước đây, cuối tuần chị Hà thường đưa con đi công viên nhưng 2 tuần nay chỉ dám cho con chơi loanh quanh trong xóm. Vừa nhặt rau làm cơm tối cho cả nhà, chị Hà than mấy tháng nay ghé chợ cái gì cũng lên giá nên chỉ mua được ít rau muống, 3 đầu cá lóc, tổng cộng 50.000 đồng.

Bữa tối của gia đình CN 4 người chỉ đơn giản như vậy trong căn phòng trọ khoảng 12 m2. Chị cho biết gia đình phải tiết kiệm hết mức để có tiền đưa 2 con về quê nghỉ hè. "Gần 1 năm thất nghiệp do dịch Covid-19, mới đi làm lại được gần nửa năm nay. Thu nhập cả hai vợ chồng khoảng 13 triệu đồng trong khi vật giá leo thang, con cái học hành, ốm đau coi như không biết kêu ai" - chị Hà ngấn lệ.

Một mình nuôi con nên chị Tăng Kim Thư, CN Công ty TNHH H.W (KCX Tân Thuận, quận 7), chi tiêu rất tiết kiệm. Ngoài các chi phí bắt buộc, chị không dám sắm sửa gì, nhất là sau thời gian dài dịch bệnh, thu nhập giảm sút. Nhà xa công ty, hằng ngày, chị thức dậy từ lúc 5 giờ, đi bộ hơn 1 km ra trạm xe buýt để đi làm. Bữa sáng của chị rất qua loa - bữa tối nhà còn gì thì sáng ăn nấy.

Thế nhưng, đến cuối tháng cũng chẳng dư được đồng nào vì thu nhập quá thấp (khoảng 5,4 triệu đồng/tháng). Vì vậy, ngày nào chị cũng cố tăng ca đến 20 giờ - vừa kiếm thêm thu nhập để lo cho con vừa tiết kiệm được bữa tối. "Tôi chịu khổ được nhưng xót con, so với bạn bè, cháu thiệt thòi hơn rất nhiều vì vừa không có cha bên cạnh, mẹ lại suốt ngày làm việc" - chị Thư xót xa.

Chật vật xoay xở trong bão giá - Ảnh 2.

Bữa cơm tối đạm bạc của một gia đình công nhân tại quận Bình Tân, TP HCM. Ảnh: HUỲNH NHƯ

Chồng chất nỗi lo

Mới tuần trước, tôi đến phòng trọ của người bạn tên Hoa, cùng quê, đang làm CN may ở KCN Sóng Thần 1 (TP Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Hôm đó là chủ nhật, Hoa bảo tôi ở lại ăn cơm với vợ chồng Hoa cho vui. Sau hơn 1 giờ chuẩn bị, Hoa khệ nệ bưng ra 1 mâm cơm khá thịnh soạn.

Tôi nói đùa rằng thế này thì mất toi ngày lương rồi nhỉ, chồng Hoa liền quay sang bảo: "Lâu lâu có bạn đến chơi nên được ăn sang, chứ bình thường 2 vợ chồng ăn uống đơn giản lắm, chủ yếu là đậu hũ chiên với rau muống luộc, hôm thì cá nục kho, dưa muối". Hoa lườm mắt với chồng, nói giờ lạm phát, giá cả tăng chóng mặt, muốn ăn sướng cũng khó lắm, vì còn phải để dành tiền gửi về quê cho ông bà ngoại chăm con, rồi đi đám, chưa kể đau ốm đột xuất.

Vợ chồng Hoa cũng giống như bao trường hợp CN khác, từ miền Trung vào đây lập nghiệp hơn 15 năm nay, cuộc sống lúc nào cũng thiếu trước hụt sau, vì thế con được 1 tuổi phải gửi về quê nhờ ông bà chăm. Không vướng bận con cái nên hai vợ chồng rất chịu khó tăng ca. Hoa nói vui với tôi, hiếm khi thấy mặt trời vì đi làm từ tờ mờ sáng, về nhà khi đèn đường đã sáng trưng. Nhưng cũng nhờ tăng ca mà vợ chồng Hoa đỡ được bữa cơm tối, về nhà chỉ cần tắm rửa, giặt giũ là đi ngủ. "Cày" hùng hục như trâu vậy mà cũng có dư dả gì đâu, đến nay vẫn còn phải đi thuê trọ" - Hoa thở dài.

Khi nghe giá xăng tăng, chị Huỳnh Kim Liên, CN dệt may tại KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), rất lo lắng. Vợ chồng Liên là CN tại Đà Nẵng, tổng thu nhập gần 12 triệu đồng/tháng. Trừ tiền trọ, tiền học của con rồi tiền gửi về ba mẹ ngoài quê…, chị nhẩm tính tiền sinh hoạt còn lại chỉ chưa đến 3 triệu đồng. Từ sau dịch, hai vợ chồng cắt luôn khoản ăn sáng, chủ yếu ăn cơm nguội rồi đi làm để tiết kiệm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. "Tiền lương có thêm 240.000 đồng/tháng nhưng giá xăng kéo theo giá cả ngoài chợ tăng vọt, còn hơn cả mức lương. Gia đình 3 người như tôi có tăng ca thêm nữa vẫn phải mượn nợ để mua cơm" - chị Liên than thở.

Xa xứ đến TP HCM lập nghiệp, chị Võ Thị Yến Nhi (quê Tiền Giang) cùng chồng xin vào làm CN tại một công ty trên địa bàn quận Bình Tân. Mỗi tháng, tổng thu nhập dao động 11 - 13 triệu đồng/tháng. Chị Nhi cho biết từ ngày vật giá tăng chóng mặt, hễ chi tiêu bất cứ việc gì đều khiến chị trăn trở. Để kịp giờ làm, trước đây, mỗi sáng vợ chồng chị thường ăn tạm bánh mì hoặc xôi. Gần 3 tháng nay, khi giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng, vợ chồng chị ăn mì gói qua loa để tiết kiệm chi tiêu, dành tiền lo cho con.

Cưới nhau được hơn 5 năm, vợ chồng chị Nhi có 1 con trai kháu khỉnh gần 4 tuổi. "Gần 30 tuổi mới kết hôn, vậy nên có được một mụn con thì thương lắm. Song chi phí tại TP HCM đắt đỏ quá, nên đành gửi về quê nhờ bà ngoại giữ. Thương đứt ruột nhưng tôi không còn cách nào khác, để con ở lại với mình thì con càng thiếu thốn" - chị Nhi bộc bạch.

Thu nhập không đủ trang trải

Mới đây, LĐLĐ tỉnh Bình Dương đã thực hiện cuộc khảo sát về tình hình đời sống và những khó khăn của 2.100 CN - lao động trên địa bàn. Việc khảo sát được thực hiện bằng cách thu thập thông tin dưới dạng phiếu khảo sát trực tuyến, sử dụng bảng câu hỏi mang tính định lượng, các thông tin được xử lý thành các biểu đồ mô tả và được tính theo tỉ lệ %. Trong số lao động được khảo sát, có tới 77,4% người lao động có thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, trong đó từ 5 - 7 triệu đồng/tháng là 40,5%. Từ 7 - 10 triệu đồng/tháng là 36,9%. Số còn lại có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng là 13,9%, chỉ số ít (8,7%) CN có thu nhập trên 10 triệu đồng/tháng.

Về khả năng tích lũy của người lao động, có đến 42,1% CN không đủ trang trải, 52,5% CN vừa đủ trang trải chi tiêu hằng tháng. Chỉ có 5% CN tích lũy được một phần và 0,4% CN có tích lũy. Có trên 90% CN cho biết khó khăn nhất hiện nay chủ yếu là thu nhập.

C.Loan

Kỳ tới: Cày cục làm thêm

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo