Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Những vướng mắc trong khởi kiện nợ, trốn đóng BHXH vẫn đang là bài toán đặt ra với nhiều đơn vị. Để tổ chức Công đoàn thực hiện quyền khởi kiện và tham gia tố tụng các vụ án lao động, trong đó có quyền khởi kiện đơn vị nợ BHXH, thực tế còn nhiều khó khăn, bất cập.
Ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đưa ra cái nhìn thẳng thắn xung quanh vấn đề này.
Nợ BHXH là một trong những nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động
Phóng viên: Tổ chức Công đoàn (CĐ) có quyền khởi kiện doanh nghiệp (DN) nợ, trốn đóng BHXH. Xin ông cho biết thông tin chung về việc thực hiện quyền này của các cấp CĐ?
Ông Mai Đức Chính: Để thực hiện các quy định của Luật BHXH, ngay từ giữa tháng 6 chúng tôi đã ban hành hướng dẫn về quy trình khởi kiện các đơn vị trốn đóng BHXH và cũng đã tổ chức phối hợp với BHXH Việt Nam tập huấn 3 khu vực cho cán bộ CĐ.
Tiếp nữa, chúng tôi đã ký kết một chương trình liên tịch giữa BHXH với Tổng LĐLĐ Việt Nam về chia sẻ thông tin cũng như cung cấp hồ sơ, ký kết chương trình phối hợp với Tòa án tối cao hỗ trợ cho công tác khởi kiện. Do chúng tôi khởi kiện nên nhiều DN đã tự mang tiền đến nộp cơ quan BHXH. Việc khởi kiện đạt được thì chúng tôi rút hồ sơ.
Được biết, LĐLĐ các tỉnh, thành phố nộp đơn khởi kiện ra tòa với 77 vụ DN nợ BHXH nhưng có tới 17/77 vụ bị toà án trả lại. Vậy, nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Tính đến hết tháng 1-2017, BHXH Việt Nam chuyển cho các cấp 1.177 hồ sơ, liên đoàn lao động các địa phương tiếp nhận 1.150 bộ hồ sơ và đến hết giữa tháng 2-2017 đã có 11 liên đoàn lao động cấp tỉnh, thành phố khởi kiện 77 DN nợ BHXH.
Hiện nay có 17 hồ sơ tòa án không thụ lý với lý do: không thuộc thẩm quyền giải quyết; đây là tranh chấp lao động tập thể chưa được giải quyết cấp Chủ tịch UBND cấp quận, huyện; không có giấy ủy quyền của tập thể ủy quyền cho tổ chức CĐ; quan điểm của Toà án tối cao cho rằng hành vi trốn đóng, nợ đóng BHXH là hành vi nghiêm cấm, khi đó chỉ xử phạt hành chính theo luật Hành chính. Như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về cơ quan BHXH mà luật BHXH khi thanh tra thu thì phải xử lý, tức là nếu có quyết định thanh tra mà doanh nghiệp tiếp tục chây ì sẽ đưa ra thẩm quyền cấp cao hơn để xử lý về hành chính. Cuối cùng, nếu DN tiếp tục chây ì sẽ khởi tố vụ án theo luật hình sự.
Bên cạnh đó, nhiều hồ sơ do CĐ khởi kiện đều bị tòa án trả lại do không đúng thủ tục. Ông có thể thông tin rõ hơn về việc này?
Thực ra, không phải hồ sơ không đúng mà tòa án cho rằng theo quy định của pháp luật, hành vi trốn nợ BHXH là hành vi bị nghiêm cấm mà nghiêm cấm thì phải xử theo luật Vi phạm hành chính chứ không phải con đường khởi kiện vì vậy phía tòa án không thụ lý.
Ông nhìn nhận thế nào về năng lực của đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở trong việc tham gia khởi kiện, tố tụng. Sắp tới đây, có giải pháp gì để khắc phục điều này, thưa ông?
Đội ngũ cán bộ CĐ cơ sở có 97% là cán bộ kiêm nhiệm. Bản thân những cán bộ CĐ muốn đi khởi kiện phải am hiểu về pháp luật, nắm rõ quy trình khởi kiện. Trong thực tiễn hiện nay, có thể có một số cán bộ CĐ chưa đáp ứng đủ về năng lực nhưng chúng tôi đã có các trung tâm tư vấn tổ chức công đoàn, các câu lạc bộ luật sư để hỗ trợ xử lý khởi kiện.
Theo ông, cần phải kiến nghị, đề xuất giải pháp gì để khởi kiện hiệu quả hơn, bảo đảm quyền, lợi ích của người lao động (NLĐ)?
Tôi nghĩ, trước hết phải sửa luật đã. Hiện nay, văn bản mới nhất của TAND Tối cao gửi Ban Bí thư Trung ương Đảng có yêu cầu nếu không tháo gỡ vướng mắc được thì BHXH Việt Nam và Bộ LĐ-TB-XH phải đề xuất sửa luật BHXH. Trong sửa lần này phải nói rõ CĐ cấp nào, chứ không nêu CĐ chung chung.
Theo chúng tôi, chỉ có CĐ cấp trên mới đủ khả năng để đứng ra khởi kiện. Lúc đó, CĐ cấp trên không cần phải theo ủy quyền của công đoàn cơ sở hoặc NLĐ. Tức là giống như hồi xưa BHXH khởi kiện như thế nào thì CĐ cấp trên làm như vậy, nhưng hồ sơ, thông tin thì BHXH chuẩn bị và cung cấp. CĐ cấp trên đứng ra ký đơn và cùng BHXH VN khởi kiện.
Bình luận (0)