Báo cáo tại buổi khảo sát về tình hình thực hiện Luật BHXH, việc quản lý sử dụng quỹ BHXH trên địa bàn TP năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 do Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM tổ chức sáng 5-10, đại diện BHXH TP HCM cho biết đến ngày 30-6-2018, toàn TP có 2.214.636 người tham gia BHXH bắt buộc (chiếm 92,2% tổng số người thuộc diện tham gia), tăng 2,87% so với cuối năm 2017. Tổng số thu BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2017 đạt 40.778 tỉ đồng, 6 tháng đầu năm 2018 đạt hơn 21.000 tỉ đồng, chiếm 20% tổng số thu cả nước.
BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn
Theo ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TP, tính đến tháng 9-2018, toàn TP chỉ có khoảng 5.500 người tham gia BHXH tự nguyện, trong đó chủ yếu là những người đã có quá trình tham gia BHXH bắt buộc trước đó, nay tiếp tục tham gia để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí. "So với chỉ tiêu được giao cũng như tổng số 237.000 người tham gia BHXH tự nguyện cả nước thì số lượng người tham gia BHXH ở TP rất thấp, chưa xứng tầm với một địa phương đông dân và phát triển như TP HCM" - ông Mến nhận định.
Theo ông Nguyễn Tất Năm, Trưởng Phòng Lao động - Tiền lương - BHXH Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP, nguyên nhân của tình trạng trên là do chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn. Cụ thể, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 2 chế độ là hưu trí, tử tuất, không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, trong khi tỉ lệ mức đóng BHXH tự nguyện còn khá cao (22%). Mặt khác, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn về việc hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện cho người tham gia, đồng thời quy định mức hỗ trợ đối tượng này trên cơ sở mức thu nhập chuẩn nghèo nông thôn chưa gắn với thực tế mức chuẩn nghèo ở mỗi địa phương cũng khiến chính sách kém hấp dẫn đối với người dân.
Công nhân Công ty TNHH May Thái Bình Dương viết đơn ủy quyền cho Công đoàn khởi kiện doanh nghiệp
Đáng lo hơn cả, theo BHXH TP, là tình trạng người nhận BHXH 1 lần đang có chiều hướng gia tăng, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, trong nửa đầu năm 2018 tại TP HCM có khoảng 49.000 lượt người đăng ký hưởng BHXH 1 lần. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp (DN) sau khi đầu tư thêm máy móc, thiết bị mới đã tiến hành cắt giảm lao động. Nhiều người lao động (NLĐ) phải nghỉ việc ở độ tuổi 35-40 nhưng do không có trình độ, điều kiện để chuyển đổi nghề và tiếp tục tham gia BHXH nên chọn hưởng BHXH 1 lần. Bên cạnh đó, những thay đổi trong chính sách BHXH như tăng thêm 5 năm đóng BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa; dự định nâng tuổi nghỉ hưu; điều kiện hưởng BHXH 1 lần quá dễ dàng cũng góp phần gia tăng lượng người hưởng BHXH 1 lần.
Bế tắc xử lý doanh nghiệp nợ BHXH
Hiện tình trạng DN vi phạm pháp luật diễn ra ngày càng phổ biến, tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp. Số DN nợ BHXH kéo dài nhiều năm với số tiền lớn gây ảnh hưởng đến quyền lợi NLĐ ngày càng nhiều.
Thời gian qua, mặc dù các cơ quan chức năng áp dụng nhiều biện pháp mạnh như thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính, chuyển hồ sơ DN vi phạm sang cơ quan công an đề nghị xử lý hình sự… nhưng tình trạng nợ đóng BHXH vẫn tiếp diễn. Năm 2017, tại TP có 8.884 đơn vị nợ BHXH của 302.643 lao động với tổng số tiền hơn 271 tỉ đồng; 6 tháng đầu năm 2018, có 30.440 đơn vị nợ BHXH (1.130.909 lao động) với tổng số tiền hơn 97,5 tỉ đồng, trong đó, số nợ từ DN giải thể, phá sản, bỏ trốn là 22,3 tỉ đồng. Lý giải tình trạng này, ông Nguyễn Tất Năm cho biết phần lớn DN nợ đọng kéo dài thường không có khả năng thanh toán hoặc cố tình chiếm dụng tiền đóng BHXH để làm việc khác. Khi bị xử phạt thì không có khả năng đóng hoặc cố tình làm ngơ do các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh. Khi xử lý DN vi phạm, Thanh tra Sở LĐ-TB-XH TP thường áp dụng biện pháp cưỡng chế qua tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, việc xác định DN có bao nhiêu tài khoản là vấn đề rất khó khăn, dẫn đến tình trạng nhiều DN dù hoạt động sản xuất bình thường nhưng kiểm tra tài khoản thì trống rỗng. "Để bảo đảm việc thực thi pháp luật, theo tôi cần có sự phối hợp của hệ thống ngân hàng trong việc xác định số tài khoản của DN. Bên cạnh đó, cần ban hành quy định về quản lý nợ và các giải pháp xử lý nợ BHXH, BHYT đối với DN nợ kéo dài, số tiền nợ lớn, các DN đã khởi kiện, thi hành án nhưng không có khả năng thanh toán để cơ quan BHXH có căn cứ giải quyết quyền lợi cho NLĐ; xem xét bổ sung quy định DN trước khi thành lập phải có phương án sử dụng lao động và có quy định tiền ký quỹ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ với NLĐ khi DN mất khả năng thanh toán hoặc bỏ trốn" - ông Năm đề xuất.
Còn theo ông Phan Văn Mến, kể từ khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực, toàn bộ hồ sơ khởi kiện DN nợ BHXH trên địa bàn TP của cơ quan BHXH đều bị tòa đình chỉ thụ lý, yêu cầu chuyển sang cho tổ chức CĐ khởi kiện theo quy định. Tuy nhiên, 937 hồ sơ DN vi phạm được tổ chức CĐ chuyển sang tòa chưa được thụ lý vì vướng thủ tục tố tụng. Hiện cũng chưa có hướng dẫn về việc chuyển hồ sơ DN vi phạm cho cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự nên chưa có DN nào bị xử lý theo quy định này. Ông Mến đề nghị: "Chính phủ cần xem xét, chỉ đạo các cơ quan có thẩm quyền xây dựng quy trình khởi kiện DN vi phạm pháp luật theo thủ tục rút gọn, nhanh chóng để kịp thời bảo vệ quyền lợi NLĐ; đồng thời, sớm có hướng dẫn cụ thể về quy trình chuyển cơ quan điều tra đối với chủ sử dụng lao động nợ, trốn đóng BHXH để xử lý theo quy định của Bộ Luật Hình sự".
Giao quyền khởi kiện nợ BHXH cho Công đoàn cấp trên
Theo ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, một trong những vướng mắc của quy trình khởi kiện DN nợ BHXH chính là từng NLĐ phải ủy quyền cho CĐ cơ sở. Điều này khó khả thi khi cán bộ CĐ cơ sở đang hưởng lương từ DN và NLĐ phải bảo vệ việc làm của mình. "Do vậy, nên nghiên cứu giao việc khởi kiện DN nợ BHXH cho CĐ cấp trên, đồng thời tòa án cần linh động chấp nhận giấy ủy quyền tập thể. Các cơ quan chức năng cần thanh tra, kiểm tra đối với DN nợ BHXH từ 3 tháng trở lên để ngăn chặn tình trạng DN nợ BHXH kéo dài, bỏ trốn khiến NLĐ mất quyền lợi" - ông Vũ đề xuất.
Bình luận (0)