Tọa đàm "Đánh giá thực trạng và định hướng cải cách chính sách BHXH ở Việt Nam" khu vực phía Nam vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức vào cuối tuần qua. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã chỉ ra nhiều vấn đề cần khắc phục của Luật BHXH năm 2014. Trong đó, các vấn đề liên quan đến việc thu hút đối tượng, chế độ BHXH một lần, hưu trí… được các đại biểu đặc biệt quan tâm.
1.400 tỉ đồng nợ BHXH khó đòi
Đó là nhận định của ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam. Ông Quảng dẫn chứng: "Thời gian qua, đối tượng tham gia BHXH tuy có tăng nhưng chưa đạt yêu cầu. Tình trạng doanh nghiệp (DN) chưa tham gia BHXH còn rất lớn. Hiện cả nước có khoảng gần 500.000 DN đang hoạt động nhưng mới chỉ hơn 235.000 DN đóng BHXH, đạt khoảng 47%. Tỉ lệ người tham gia BHXH so với lực lượng lao động còn thấp (24,09%), đặc biệt là BHXH tự nguyện".
Theo ông Quảng, nguyên nhân chính là do một số DN cố tình trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH cho người lao động (NLĐ); trong khi việc thanh - kiểm tra và xử phạt chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời và nghiêm minh. Bên cạnh đó, chính sách khuyến khích nông dân, lao động trong khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện còn chưa hấp dẫn; tình trạng DN trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp còn phổ biến (ước khoảng trên 15.000 tỉ đồng). Đáng lo ngại, hiện có khoảng 1.400 tỉ đồng nợ BHXH từ các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn, không thể thu hồi khiến quyền lợi của hơn 193.000 NLĐ ở các DN này bị "treo", chưa được giải quyết. "Do tiêu chí của Luật BHXH là phải tuân thủ nguyên tắc đóng - hưởng nên khi DN trốn đóng, nợ đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp thì chúng ta đã lấy NLĐ, người bị thiệt hại nghiêm trọng làm "con tin" cho việc giải quyết nợ BHXH" - ông Quảng nêu.
Công nhân một doanh nghiệp tại quận 12, TP HCM ngừng việc vì doanh nghiệp nợ BHXH
Tán thành với nhận định trên, ông Trần Dũng Hà, Trưởng Phòng Chế độ BHXH TP HCM, chia sẻ thêm hiện nay, do thời gian đóng kéo dài cộng với chính sách thụ hưởng chưa hấp dẫn (chỉ được hưởng 2 chế độ hưu trí, tử tuất) nên số người tham gia BHXH tự nguyện ở TP HCM rất thấp (chỉ 8.652 người tham gia). "Bước sang năm 2018, Chính phủ sẽ có một số chính sách hỗ trợ, song dự báo số lượng người tham gia cũng không nhiều. Do vậy, chúng tôi đề nghị nên có chính sách hỗ trợ hợp lý, đồng thời cân nhắc để cho người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng đầy đủ 5 chế độ như người tham gia BHXH bắt buộc" - ông Hà đề xuất.
Lao động nữ quá thiệt thòi
Một bất cập khác được bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, chuyên gia về an sinh xã hội Việt Nam, chỉ ra đó là điều kiện hưởng chế độ hưu trí ở nước ta hiện nay quá cao, phải có thời gian đóng BHXH tối thiểu 20 năm, trong khi nhiều nước khác chỉ 10 hoặc 15 năm. "Điều này làm giảm động lực tham gia BHXH dẫn đến tình trạng hưởng BHXH một lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nỗ lực mở rộng diện bao phủ và làm giảm số người hưởng lương hưu trong tương lai, gây áp lực lớn lên ngân sách nhà nước trong việc bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi" - bà Hồng nhận định.
Theo ông Lê Anh Nhân, Phó Giám đốc BHXH TP Đà Nẵng, hiện dư luận chưa đồng tình với việc giảm tỉ lệ lương hưu đối với lao động nữ từ ngày 1-1-2018 trở đi theo quy định tại điều 56 Luật BHXH. "Việc giảm tỉ lệ hưởng đột ngột lên đến 10% chỉ sau một đêm mà không có lộ trình khiến lao động nữ, đặc biệt là lao động nữ nghỉ hưu trước tuổi, bị tổn thất nặng nề. Điều đó dẫn đến tình trạng NLĐ "chạy" để nghỉ hưu trước tuổi. Tại Đà Nẵng, số người xin nghỉ hưu sớm tăng 3-4 lần" - ông Nhân thông tin, đồng thời chỉ ra một bất cập khác là quy định khi NLĐ sinh vào tháng 12 thì thời điểm đủ điều kiện về tuổi đời hưởng lương hưu sẽ là ngày 1-1 của năm liền kề, khiến những người NLĐ sinh vào tháng 12 (năm 1971 đối với nữ và năm 1966 đối với nam) thiệt thòi hơn NLĐ sinh vào các tháng khác khi phải chờ thêm 5 năm mới đủ điều kiện để được nghỉ hưu trước tuổi.
Ông Trần Dũng Hà cho rằng mục tiêu mà chính sách BHXH hướng đến chính là chế độ hưu trí. Dù vậy, không phải ai cũng nhận thức được vấn đề này, điều đó được chứng tỏ qua việc NLĐ có xu hướng hưởng BHXH một lần ngày càng nhiều. Do đó, để bảo đảm an sinh xã hội và cuộc sống cho NLĐ khi về già, cần xem lại việc giải quyết cho NLĐ hưởng BHXH một lần sau 1 năm nghỉ việc như hiện nay. "Nên chăng cần có lộ trình tăng dần thời gian hưởng theo từng năm và quy định mốc chấm dứt hưởng BHXH một lần để hướng NLĐ đến việc hưởng chế độ hưu trí. Mặt khác, hiện số người đã lỡ nhận BHXH một lần xin trả lại số tiền đã nhận để được hưởng chế độ hưu ngày càng nhiều nhưng không được giải quyết. Đây cũng là nghịch lý khi mà các cấp, các ngành đang tìm mọi cách để phát triển đối tượng nhưng lại từ chối người muốn tham gia" - ông Hà nêu.
Cho trả lại khoản BHXH 1 lần đã nhận
Ông Lê Anh Nhân cho biết trước đây từng có ý kiến phản đối việc cho NLĐ trả lại khoản BHXH một lần đã nhận với lý do sợ tăng thêm khối lượng công việc cho ngành BHXH. Ở Đà Nẵng cũng có nhiều người xin trả lại BHXH một lần và số tiền xin trả lại cũng khá lớn. Các cơ quan chức năng cần sớm đồng ý cho NLĐ trả lại BHXH một lần nhằm tăng số lượng người tham gia và góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Bình luận (0)