Luật Lao động tăng tuổi hưu nhưng trên thực tế ở nhiều lĩnh vực như giáo dục, lâm nghiệp… người lao động không đáp ứng được trình độ, sức khoẻ, muốn nghỉ hưu sớm nhưng bị ràng buộc bởi các điều khoản về lương hưu, cụ thể là khoản trừ 2% cho mỗi năm nghỉ sớm.
Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng được Chính phủ giao đề xuất chính sách khuyến khích nghỉ hưu sớm với công chức, viên chức tạo tâm lý không công bằng với người lao động nói chung. Xử lý việc này như thế nào?
Rào cản lớn nhất: Quy định trừ 2%
"Tôi là giáo viên hiện nay 57 tuổi, mức lương nhận mỗi tháng là 11 triệu đồng, cũng muốn nghỉ hưu lắm rồi. Nhưng nếu bây giờ nghỉ, tôi mất 8%, tiếc quá nên đành cố" - đó là chia sẻ của ông Minh Đằng, một giáo viên ở Hà Nội.
Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) chưa có thống kê chính xác số lượng giáo viên lớn tuổi đã đóng đủ thời gian bảo hiểm để hưởng 75% lương bảo hiểm nhưng lại ngại ngần không dám về hưu sớm bởi quy định trừ 2% lương cho mỗi năm nghỉ sớm như trường hợp của ông Minh Đằng. Chắc chắn, số lượng này không hề nhỏ.
Ông Vương Đình Vũ - một bạn đọc của Lao Động - đưa ra quan điểm: "Theo tôi thấy, hiện nay, nhiều giáo viên trẻ ra trường, năng động mà không có cơ hội để được cống hiến. Ngược lại, số giáo viên lớn tuổi muốn nghỉ sớm lại cứ ngại mất 2%, mặc dù có giáo viên đến nay đã đi dạy hơn 36 năm. Tôi xin góp ý kiến nhỏ là nên ban hành chính sách mới cho giáo viên có nhu cầu nghỉ hưu".
Không chỉ có lực lượng giáo viên, bà Hồ Xuân Hương - nhân viên lễ tân của khách sạn tại TP.Đà Nẵng - năm nay hơn 40 tuổi nhưng lại cảm thấy quá thiệt thòi bởi chính sách hiện hành. "Tôi làm trong ngành khách sạn. Thực tế hiện nay, bên ngành của tôi, nhân viên làm ở bộ phận lễ tân, nhà hàng 40 tuổi đã bị đào thải. Chúng tôi bị sắp xếp làm ở vị trí không thích hợp nên phải xin nghỉ hưu trước tuổi và bị cắt giảm tiền lương hưu. Năm 2021 bắt đầu tăng tuổi nghỉ hưu, tôi xin kiến nghị đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét tình hình thực tế của các ngành để có tuổi nghỉ hưu hợp lý. Người lao động (NLĐ) chịu rất nhiều thiệt thòi, mong bộ hãy nghiên cứu thật thấu đáo".
Ông Võ Xuân Trí ở Thanh Hoá chia sẻ với Lao Động: "Theo tôi, chính sách của Chính phủ về hưu trước tuổi là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, tôi xin góp ý việc về hưu sớm hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tạo điều kiện cho nhiều người được về trước tuổi. Bởi vì, cả nước đang tinh giảm biên chế, tinh lọc, sàng lọc người có sức khỏe, có tri thức để làm việc hiệu quả. Đặc biệt là tạo điều kiện cho hàng chục nghìn sinh viên ra trường không có việc làm. Trên thực tế, việc cho về hưu sớm đối với một số người chưa hẳn là họ thích về vì họ cho rằng về hưu buồn, không có việc gì làm, giảm thu nhập. Do đó, rất nhiều người được vận động cũng không về hưu.
Song giai đoạn có tuổi về hưu là giai đoạn mà con người đã lão hóa, xuống sức, trí tuệ kém, hiệu quả công việc thấp. Việc thay đổi điều kiện về hưu sớm để tạo điều kiện người đến tuổi về hưu sớm dễ dàng hơn, nhường chỗ cho nhiều người trẻ vào làm việc để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân là rất cần thiết. Cái quan trọng là giảm được gánh nặng rất lớn về nguồn tài chính cho đất nước trả lương cho số cán bộ đang tuổi sắp về hưu.
Nếu tính về kinh tế, lương của một người giai đoạn về trước tuổi bằng lương 4 cán bộ mới vào làm. Nếu tính hiệu quả công việc, một sinh viên ra trường sẽ làm việc bằng 3 cán bộ sắp về hưu. Vì vậy, tôi xin đề nghị một số điểm: Thứ nhất, bãi bỏ yêu cầu cán bộ phải kỷ luật mới về. Trong thực tế, trong thực hiện nhiệm vụ, không có cán bộ bị kỷ luật, nếu có thì trường hợp đặc biệt. Thứ hai, cần nghiên cứu để bỏ khoản về hưu sớm năm nào thì bị trừ 2% lương hưu và cần nghiên cứu cải thiện thêm các điều khoản khác. Theo tôi, nếu tạo điều kiện cho nhiều người về hưu sớm sẽ ích nước, lợi nhà".
Như vậy, băn khoăn về khoản trừ 2% rõ ràng là một rào cản lớn đối với một bộ phận không nhỏ NLĐ hiện nay muốn về hưu sớm.
Mong muốn thay đổi chính sách
Trước một thực tế như vậy, tháng 6.2020, Bộ Nội vụ cũng đã dự thảo tờ trình Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP. Theo đó, có những điểm mới được đưa ra liên quan đến việc khấu trừ tiền % tiền lương bảo hiểm.
Thế nhưng, dự thảo này lại chỉ tập trung vào đối tượng tinh giản biên chế. Cụ thể, về chính sách về hưu trước tuổi: Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi và thấp hơn tối thiểu 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 169 Bộ luật Lao động ngoài hưởng chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), còn được hưởng các chế độ như không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi; Được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi so với quy định về tuổi tối thiểu tại khoản 2, 3 Điều 169 Bộ luật Lao động; Được trợ cấp 5 tháng tiền lương cho 20 năm đầu công tác, có đóng đủ BHXH. Từ năm thứ 21 trở đi, cứ mỗi năm công tác có đóng BHXH được trợ cấp 1/2 tháng tiền lương. Đối tượng tinh giản biên chế nếu có tuổi đời thấp hơn 2 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Khoản 2, 3 Điều 169 Bộ luật Lao động thì không bị trừ tỉ lệ lương hưu do việc nghỉ hưu trước tuổi.
Nghĩa là dự thảo không áp dụng chung cho các đối tượng là NLĐ không phải trường hợp tinh giản biên chế nhưng mong muốn được nghỉ hưu sớm.
Với đặc thù nghề nghiệp, giáo viên mầm non là một trong những đối tượng muốn được nghỉ hưu sớm (ảnh minh hoạ). Ảnh: Bảo Hân
Nhiều ý kiến gửi tới Báo Lao Động cho rằng, một bất cập nữa trong chính sách đó là việc vừa quy định số năm đóng bảo hiểm, vừa quy định số tuổi hưu là không hợp lý. Chị Lê Thị Ánh - NLĐ ở tỉnh Bắc Ninh - cho rằng: "Theo tôi, những trường hợp đóng bảo hiểm tính thực tế đã vượt mốc 75% thì khi nghỉ hưu trước tuổi không nên trừ % nghỉ trước tuổi. Trong thực tế nhiều người năm công tác, đóng BHXH trên 30 năm thậm chí 35 năm, nhưng vì chưa đủ tuổi, nay nghỉ hưu trước tuổi lại bị trừ là quá thiệt vì họ đã đóng BHXH rất nhiều tiền rồi".
Chung quan điểm, chị Nguyễn Thị Bắc đưa ra quan điểm: "Theo tôi, đủ năm đóng BHXH thì nên cho về hưu. Tăng tuổi hưu chỉ lợi cho ngành BHXH. Công chức cũng áp dụng chung là NLĐ chứ không nên ưu tiên. Họ được nhận tiền mà không trừ % thì thật vô lý, đề nghị phải công bằng".
Trao đổi với Lao Động, ông Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nói rằng, để sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế thì việc đưa ra chính sách khuyến khích NLĐ lớn tuổi được nghỉ hưu trước tuổi là hết sức cần thiết. Điều này đảm bảo bộ máy nhà nước hoạt động hiệu quả, tránh tốn kém, lãng phí ngân sách nhà nước, tạo cơ hội để nâng cao chất lượng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ trẻ, góp phần phát triển bộ máy nhà nước nói chung. Để khuyến khích công chức, viên chức không thuộc diện tinh giản biên chế nhưng cần nghỉ hưu trước tuổi để "nhường ghế" cho lớp trẻ thì mỗi địa phương đưa ra những giải pháp khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng địa phương nên việc áp dụng chưa đồng bộ mà vẫn còn tùy nghi.
"Đối với những trường hợp không thuộc diện tinh giảm biên chế, mức lương hưu được nhận hiện nay vẫn thấp hơn mức lương hưu được hưởng khi nghỉ đúng tuổi. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ nghỉ hưu sớm còn thấp" - luật sư Cường nói.
Để khuyến khích cán bộ công chức, viên chức nghỉ hưu sớm, theo ông Cường, cần có chính sách giúp họ hưởng tối đa lương hưu. Có khoản kinh phí phù hợp khi họ nghỉ hưu sớm, nhằm đảm bảo cuộc sống của họ thì mới khuyến khích được.
Một số trường hợp nghỉ hưu sớm không bị giảm trừ %
Theo quy định của Luật BHXH, khi nghỉ hưu trước tuổi, NLĐ sẽ bị giảm tỉ lệ hưởng lương hưu theo số năm nghỉ trước. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp pháp luật cho phép NLĐ nghỉ hưu trước tuổi mà không bị giảm trừ.
Theo Điều 54 Luật BHXH 2014: - Lao động nam từ đủ 55-60 tuổi, nữ từ đủ 50-55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên (điểm b khoản 1 Điều 54 Luật BHXH 2014).
- NLĐ từ đủ 50-55 tuổi và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò (điểm c khoản 1 Điều 54 Luật BHXH 2014).
- Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (điểm d khoản 1 Điều 54 Luật BHXH 2014).
Theo Nghị định 108/2014/NĐ-CP: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế đủ 50-55 tuổi đối với nam, đủ 45-50 tuổi đối với nữ, có 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐTBXH, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên (khoản 1, khoản 3 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP).
Theo Nghị định số 113/2018/NĐ-CP: Cán bộ, công chức, viên chức thuộc diện tinh giản biên chế đủ 55-60 tuổi đối với nam, đủ 50-55 tuổi đối với nữ và có 20 năm đóng BHXH trở lên (khoản 2, khoản 4 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 113/2018/NĐ-CP).
Bình luận (0)