Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TBXH) vừa có công văn đồng ý cho 6 doanh nghiệp (DN) được thí điểm triển khai đưa TTS kỹ năng ngành hộ lý đi thực tập tại Nhật Bản.
Theo đó, 6 DN được đưa thực tập sinh hộ lý sang thực tập tại Nhật Bản bao gồm: Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD; Công ty CP Phát triển dịch vụ C.E.O; Công ty CP Đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long; Công ty CP XKLĐ thương mại và du lịch TTLC; Công ty CP Đầu tư thương mại Thịnh Long; Công ty CP Tập đoàn JVS. Các DN trên chỉ được phép tuyển chọn những đối tượng đã có kinh nghiệm làm công việc hộ lý theo quy định của Nhật Bản để đưa vào đào tạo.
Đối tượng tuyển chọn là người có kinh nghiệm chăm sóc cuộc sống thường ngày, hỗ trợ luyện tập phục hồi chức năng hay phục hồi sau bệnh tại cơ sở hộ lý hoặc tại nhà
Cụ thể, đối tượng tuyển chọn phải đáp ứng một trong những tiêu chuẩn: Người có kinh nghiệm chăm sóc cuộc sống thường ngày, hỗ trợ luyện tập phục hồi chức năng hay phục hồi sau bệnh tại cơ sở hộ lý hoặc tại nhà… cho người cao tuổi hoặc người khuyết tật; Người đã tốt nghiệp khóa học điều dưỡng hoặc có chứng chỉ điều dưỡng do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Người đã nhận được chứng nhận hộ lý do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; Trước khi xuất cảnh phải đạt trình độ tiếng Nhật N4 hoặc tương đương trở lên.
Mức lương tối thiểu không thấp hơn người Nhật làm cùng công việc. Bên cạnh đó, chi phí đào tạo tiếng Nhật tại Việt Nam được phía Nhật Bản hỗ trợ toàn bộ để đảm bảo TTS tối thiểu đạt trình độ N4 hoặc tương đương trước khi phái cử sang Nhật Bản. Ngoài ra, nghiệp đoàn Nhật Bản chi trả phí quản lý cho DN phái cử tối thiểu 10 nghìn yên/TTS/tháng.
Thực tập sinh hộ lý sau 1 năm nhập cảnh phải đạt trình độ tiếng Nhật N3 hoặc tương đương mới đủ điều kiện tiếp tục ở lại làm việc
Cục Quản lý lao động ngoài nước sẽ phối hợp thông tin với Tổ chức thực tập kỹ năng người nước ngoài (OTIT) để hai bên rà soát, xem xét có thể áp dụng biện pháp dừng tiếp nhận hồ sơ phái cử TTS ngành hộ lý đối với những DN và đoàn thể quản lý để xảy ra nhiều phát sinh, có tỉ lệ TTS hộ lý phải về nước sau 1 năm nhập cảnh hoặc có tỉ lệ TTS hộ lý bỏ hợp đồng cao.
Ngoài ra, theo yêu cầu đặc biệt của chương trình này, TTS hộ lý sau 1 năm nhập cảnh phải đạt trình độ tiếng Nhật N3 hoặc tương đương mới đủ điều kiện tiếp tục ở lại làm việc. Vì vậy, để tránh xảy ra các phát sinh không đáng có như sau khi về nước không nhận lại được phí dịch vụ đã đóng của năm 2 và năm 3, Cục Quản lý lao động ngoài nước lưu ý người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Nhật Bản theo chương trình này cần làm rõ mức phí dịch vụ với công ty phái cử ngay từ trước khi ký hợp đồng.
Bình luận (0)