Vào mùa tuyển dụng, nhiều cơ hội việc làm mới đang chờ đợi người tìm việc. Nếu ứng viên đã có quyết định chuyển việc thì đây là thời điểm thích hợp để bắt đầu quá trình “du ngoạn” các công ty trong tầm ngắm. Ai cũng biết phải tìm hiểu kỹ để chọn nơi làm việc tốt nhất nhưng tìm hiểu thế nào để duy trì niềm yêu thích và gắn bó lâu dài với nơi đó thì không hẳn là điều dễ dàng.
Tránh chán nản trong thời kỳ “trăng mật”
Có một thực tế là dù trước khi chuyển nơi làm việc, nhiều người đã tìm hiểu rất kỹ nhưng vẫn không thoát khỏi tình cảnh nhanh chóng chán nản với công việc mới. Tình trạng này là do vài nguyên nhân khách quan, như luôn có một khoảng cách nhất định giữa thực tế và những điều họ được biết trước đó.
Về nguyên nhân chủ quan, có thể khi tìm việc, nhiều người quá chú trọng đến công việc mà quên tìm hiểu công ty mình lựa chọn sẽ gắn bó sau này. Nói cách khác, họ tìm việc theo công việc chứ không phải theo công ty, tức là có việc phù hợp với chuyên môn, kinh nghiệm thì nhận ngay chứ không hoạch định sẵn đâu sẽ là ngành nghề, công ty mình yêu thích và có kế hoạch hẳn hoi để được làm ở nơi đó.
Một nguyên nhân chủ quan khác là do người đi làm đang rơi vào trạng thái quá chán nản công ty cũ. Thông thường, có 2 tình huống khiến nhiều người muốn chuyển việc: có cơ hội nghề nghiệp tốt hơn hoặc quá ngán ngẩm với công ty hiện tại. Động cơ tìm việc vì chán nản thường đem lại nhiều hậu quả tiêu cực. Cũng vì bằng mọi giá “thoát” khỏi công ty đang làm nên dẫn đến sự tìm hiểu về nơi mới một cách hời hợt, thiếu chu đáo.
Tìm hiểu thông tin từ nhiều nguồn
Quá trình tìm hiểu doanh nghiệp ứng tuyển cần nhiều thời gian để ứng viên có thể khai thác thông tin từ các nguồn đa dạng trong cuộc sống. Ngoài những thông tin chính thống từ website công ty, việc tiếp cận các cá nhân đã và đang làm việc tại đây sẽ giúp người tìm việc có cái nhìn toàn diện hơn về mục tiêu mình chọn. Hơn hết, người tìm việc cần tỉnh táo phân tích những ưu điểm và nhược điểm để chọn nơi làm việc phù hợp nhất.
Tuy nhiên, không phải ứng viên nào cũng có mối quan hệ với nhân viên tại các công ty mình nhắm đến. Vậy thì hãy nghĩ tới việc tham khảo các trang mạng nghề nghiệp nhằm tiếp cận thông tin và tương tác với đồng nghiệp cùng ngành để có được những chia sẻ thực từ kinh nghiệm cá nhân của họ.
Ngoài ra, những cuộc khảo sát nghề nghiệp cũng đem lại khá nhiều thông tin bổ ích. Những con số trong khảo sát về lương, thưởng hay yếu tố cân bằng giữa công việc và cuộc sống, sức hấp dẫn của các ngành hay những công ty được đánh giá là nơi làm việc tốt nhất sẽ giúp người tìm việc cập nhật thông tin về thị trường, xu hướng tuyển dụng và điều chỉnh mục tiêu nghề nghiệp sao cho phù hợp nhu cầu.
Một trong những yếu tố quan trọng trong việc lựa chọn nơi làm việc là hoạch định chiến lược nghề nghiệp. Sau khi đã tìm hiểu kỹ về công ty, ứng viên đừng vội đưa ra quyết định mà nên đối chiếu những thông tin thu thập được với con đường sự nghiệp của mình ở mục tiêu ngắn hạn và dài hạn. Bởi lẽ, ngoài những yếu tố cần về quy mô, doanh thu, sản phẩm, văn hóa, lãnh đạo… thì một lộ trình thăng tiến rõ ràng và phù hợp là điều kiện đủ khi lựa chọn công ty. Qua đó, người tìm việc sẽ biết mình cần bổ sung những kỹ năng, kinh nghiệm gì để tương thích và có cơ hội phát triển tại nơi mình lựa chọn.
Theo các chuyên gia, tìm việc không khó nhưng để tìm được công việc yêu thích và gắn bó lâu dài với nó mới là vấn đề cần hướng đến, có như vậy mới mang lại sự ổn định và bền vững cho sự nghiệp.
Bình luận (0)