Trong đó, nhiều doanh nghiệp (DN) tại Hà Nội và TP HCM nợ BHXH lên tới hàng chục tỉ đồng. Số DN nợ BHXH và số DN phá sản, giải thể, có chủ bỏ trốn khá cao. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định của pháp luật về BHXH của nhiều chủ sử dụng lao động chưa tốt. Nhiều DN vẫn hoạt động bình thường, trả lương, thưởng cho người lao động nhưng tìm mọi cách đối phó, trốn tránh, chiếm dụng tiền đóng BHXH của người lao động để sử dụng vào mục đích khác. Hiện số nợ BHXH phải tính lãi trên cả nước là 6.654 tỉ đồng.
Cán bộ Công đoàn hướng dẫn công nhân Công ty TNHH Sunlight (quận Bình Tân, TP HCM) thủ tục khởi kiện đòi nợ BHXH Ảnh: CAO HƯỜNG
Quý I/2019, BHXH tại 23 tỉnh, thành đã chuyển hồ sơ 162 DN nợ BHXH lớn và kéo dài sang cơ quan chức năng để xử lý theo Bộ Luật Hình sự. Tuy nhiên, tới nay, việc khởi tố chưa thực hiện được ở DN nào. Một trong những nguyên nhân là do vướng mắc trong quy trình triển khai. Do đó, BHXH Việt Nam, VKSND Tối cao và một số cơ quan chức năng đang phối hợp xây dựng quy trình chuyển hồ sơ, thành phần hồ sơ và xử lý cụ thể trong thời gian tới.
BHXH Việt Nam chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố xác định nguyên nhân nợ đối với từng đơn vị để có giải pháp phù hợp, yêu cầu cán bộ bám sát DN đôn đốc đóng nộp đầy đủ, thực hiện việc thanh tra đột xuất tất cả DN nợ BHXH, BHYT từ 3 tháng trở lên mà phần mềm thu đã tự động cảnh báo.
Bình luận (0)