Năm 2016 sẽ tiếp tục là năm khó khăn đối với ngành cao su do giá cao su giảm, sâu bệnh phá hoại. Vì vậy, ngay từ đầu năm, các nông trường cao su thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp đột phá để hạ giá thành, giảm suất đầu tư nhằm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động (NLĐ). Tín hiệu đáng mừng là dù đối diện với tình hình khó khăn nhưng phần lớn NLĐ vẫn tiếp tục gắn bó, bám vườn cây, cùng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển.
Không ngại gian khổ
Tại Công ty CP Cao su Tây Ninh, không muốn lãng phí mủ nên nhiều công nhân (CN) ở các nông trường đã tình nguyện đăng ký đi làm ngay từ mùng 4 Tết, sớm 1 ngày so với quy định. Tinh thần cộng đồng trách nhiệm ấy của tập thể lao động đã tạo được không khí hứng khởi từ những ngày đầu năm.
Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Phòng Tổ chức Hành chính - Lao động - Tiền lương Công ty CP Cao su Tây Ninh, cho biết theo thông báo, CN được nghỉ Tết đến hết mùng 5 Tết. Tuy nhiên, do năm nay nhiều vườn cây kinh doanh chưa rụng lá; một số vườn cao su già cỗi, đến thời kỳ thanh lý vẫn cho mủ nên CN đã xin được đi làm sớm để tranh thủ lấy mủ trước khi lá rụng hoàn toàn. Nhờ vậy mà qua Tết, sản lượng khai thác của công ty đã đạt 16% kế hoạch năm 2016.
“Đến nay, gần như toàn bộ vườn cây đã rụng lá, đáng lý CN cạo mủ sẽ được nghỉ ngơi nhưng anh em vẫn tiếp tục làm việc, tập trung vệ sinh và thực hiện các công việc phòng chống cháy để bảo vệ vườn cây. Ý thức trách nhiệm ấy ở tập thể lao động ở thời điểm giá cao su liên tục giảm là điều mà ban giám đốc trân trọng” - ông Bình bày tỏ.
Tại khu vực Tây Nguyên, hầu hết các vườn cao su đã ngưng cạo mủ từ trước Tết nhưng do sâu bệnh hoành hành, nhất là bệnh phấn trắng diễn biến khó kiểm soát nên ở một số nơi, CN chấp nhận ăn, ngủ ở ngoài lô để theo dõi và chăm sóc cây, đồng thời tập trung phòng chống cháy. Điển hình là 2 công ty: TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray và CP Cao Su Sa Thầy.
Do diện tích chủ yếu tiếp giáp bìa rừng, nguy cơ xảy ra cháy cao nên lãnh đạo 2 đơn vị này và anh em CN đều ăn Tết ở chòi gác chống cháy. Dù khó khăn, vất vả song không ai than phiền vì mọi người đều có chung suy nghĩ và hành động.
Tranh thủ tìm chỗ ngả lưng dưới cái nắng gay gắt, anh A Lui (Nông trường 2 - Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray) bộc bạch: “Từ đầu năm đến nay, thời tiết diễn biến rất phức tạp, ngày nắng gắt, đêm lại lạnh tạo sương muối. Vì vậy, nguy cơ cháy và bệnh phấn trắng bùng phát luôn ở mức độ cao. Chấp nhận dấn thân với nghề nên không ai ngại khó khăn, gian khổ, chỉ mong DN phát triển đi lên”.
Đồng lòng vượt khó
Trong khi đó, trước khó khăn của DN, nhiều Công đoàn (CĐ) cơ sở tại TP HCM đã tích cực tham gia công tác quản lý hoạt động kinh doanh bên cạnh việc chăm lo, bảo vệ NLĐ. Một trong những đơn vị thể hiện tinh thần năng động ấy là CĐ Làng Du lịch Bình Quới (thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn).
Có thể thấy được tinh thần sẻ chia ấy khi các cán bộ CĐ là những người trực tiếp cùng tham gia xây dựng và triển khai kế hoạch sản xuất - kinh doanh; kiểm tra, giám sát việc thực hiện công việc chuyên môn. Để giúp đơn vị tăng doanh thu, CĐ cơ sở đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, nâng chất lượng phục vụ khách; chăm sóc, tôn tạo cảnh quan, môi trường sạch, đẹp.
Cụ thể, CĐ đã xây dựng chương trình khuyến mãi phù hợp vào mùa thấp điểm để thu hút khách và tổ chức hội thi chế biến món ăn, thức uống. Những món ăn ngon đạt giải cao được bổ sung vào thực đơn phục vụ khách. Đặc biệt, hội thi người bán hàng giỏi đã giúp doanh thu tăng 6% so với trước. Riêng phong trào tự ươm trồng hoa, cây cảnh để trang trí trong khuôn viên các khu du lịch đã tiết kiệm được 300 triệu đồng/năm.
“Năm 2015, doanh thu đơn vị đạt 292,431 tỉ đồng, tăng 6% so với năm 2014. Chất lượng sống của NLĐ cũng tăng theo nên ai cũng phấn khởi. Dịp Tết Nguyên đán vừa qua, để kịp tiến độ ngày khai mạc Đường hoa Nguyễn Huệ, đội ngũ CN kỹ thuật đã làm việc hết mình, không kể giờ giấc. Thậm chí, dù phải tăng ca làm đêm nhưng mọi người vẫn vui vẻ, nhiệt tình” - anh Phùng Đình Huấn, Chủ tịch CĐ Làng Du lịch Bình Quới, cho biết.
CĐ khách sạn Hoàn Cầu (thuộc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn) cũng khẳng định vai trò đồng hành khi hỗ trợ đơn vị kiểm soát chi phí, tiết kiệm và nâng chất lượng phục vụ khách. Theo ông Vương Đặng Hữu Ân, Chủ tịch CĐ khách sạn Hoàn Cầu, nhằm hỗ trợ DN, CĐ đã vận động từng CNVC-LĐ học hỏi, nghiên cứu giải pháp tiết kiệm ở bộ phận mình để giảm thiểu tối đa chi phí và đạt hiệu quả cao.
“Thật vui khi chiến dịch tiết kiệm được tất cả phòng, ban hưởng ứng. Ví dụ, bộ phận kỹ thuật tham mưu lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời, thay dần bằng thiết bị tiết kiệm năng lượng; bộ phận bếp đăng ký lại định lượng, giảm tiêu hao thực phẩm xuống dưới 34%... Ban giám đốc đã dành ngày thứ sáu hằng tuần để lắng nghe nhân viên. Điều này khiến mọi người có thêm động lực làm việc” - ông Ân nhận xét.
Bình luận (0)