Hưởng ứng phong trào "Mỗi đoàn viên là một tình nguyện viên, mỗi Công đoàn cơ sở một chương trình tình nguyện" do LĐLĐ TP HCM phát động, từ ngày 23-8 đến 16-9, Công đoàn Công ty CP Phát triển và Dịch vụ nhà Bến Thành (Công đoàn Tổng Công ty Bến Thành) đã triển khai chương trình "Benthanh House chung tay sẻ chia" mùa dịch Covid-19 tặng gạo cho người lao động (NLĐ) khó khăn và vật tư, thiết bị y tế cho lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Vững tâm vì có Công đoàn
Bà Nguyễn Trần Uyên Thư, Phó Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Phát triển và Dịch vụ nhà Bến Thành, cho biết chương trình "Benthanh House chung tay sẻ chia" được thực hiện hằng năm nhằm hỗ trợ các đối tượng khó khăn như dân nghèo, người già neo đơn, trẻ mồ côi. Năm nay, trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, chương trình quyết định hỗ trợ đối tượng là NLĐ khó khăn và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Qua vận động của Công đoàn công ty, ban giám đốc, tập thể lao động và các nhà hảo tâm đã ủng hộ 320 triệu đồng cùng nhiều vật tư, trang thiết bị y tế cho chương trình.
Từ nguồn kinh phí và vật chất ủng hộ, chương trình đã tặng 1 tấn gạo cho 200 NLĐ khó khăn tại 21 đơn vị trực thuộc đang thực hiện "3 tại chỗ" và hỗ trợ 100 phần quà cho các gia đình NLĐ khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 tại các phường trên địa quận 1. Chương trình còn gửi tặng nhiều thiết bị, vật tư y tế cho khu điều trị Covid-19 đa tầng của Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện 30-4, Bệnh viện Dã chiến số 14 và Bệnh viện Dã chiến đa tầng quận Tân Bình.
Bà Huỳnh Thị Phương Nam, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty Bến Thành, tặng gạo cho người lao động khó khăn Ảnh: HỒNG ĐÀO
Nhận được túi gạo do chương trình gửi tặng, anh Trần Văn Hoa, nhân viên bảo vệ Công ty CP Vật tư Bến Thành, xúc động: "Ở lại công ty thực hiện "3 tại chỗ" trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tôi rất lo cho người thân ở nhà. Do vậy, phần quà của chương trình rất quý đối với gia đình tôi lúc này".
Để hỗ trợ đoàn viên, CNVC-LĐ trong thời gian giãn cách xã hội, Công đoàn Đại học Quốc gia TP HCM đã triển khai nhiều chương trình chăm lo thiết thực. Trong đó, nổi bật là chương trình "Bác sĩ gia đình" với các hoạt động hỗ trợ cán bộ, viên chức, NLĐ và người thân bị nhiễm bệnh đang tự cách ly, điều trị tại nhà gặp khó khăn khi tiếp cận việc khám chữa bệnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Thông qua chương trình, Công đoàn kết nối họ với 1 bác sĩ phụ trách riêng qua Zalo hoặc điện thoại theo khung giờ quy định mỗi ngày. Người bệnh nói tình trạng bệnh và được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị, chăm sóc, sử dụng thuốc cho đến khi bệnh ổn định hoặc khỏi hẳn. Đối với trường hợp diễn biến nặng, chương trình sẽ hỗ trợ kết nối để chuyển người bệnh đến các cơ sở y tế điều trị kịp thời.
Với sự tham gia của 25 bác sĩ thuộc Khoa Y Đại học Quốc gia TP HCM, sau hơn 1 tháng triển khai, chương trình đã hỗ trợ hơn 40 trường hợp F0.
Ấm lòng tuyến đầu
Chương trình "Bếp ăn tình nguyện Tân Sơn" của tập thể cán bộ, giáo viên Trường THCS Tân Sơn (quận Gò Vấp) cũng là một công trình có tính nhân văn sâu sắc.
Trong gần 2 tháng hoạt động, bếp ăn tình nguyện đã phục vụ miễn phí hàng trăm suất ăn mỗi ngày cho đội ngũ y - bác sĩ và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Ông Lê Thái Đăng Khoa, Chủ tịch Công đoàn trường, cho biết gần cuối tháng 7, TP HCM đã trải qua 2 tháng ròng rã chống dịch, trong suốt thời gian đó, đội ngũ y - bác sĩ trên địa bàn quận đã làm việc không quản ngày đêm. Chứng kiến sự vất vả của họ, ban giám hiệu đã bàn bạc với Công đoàn trường tổ chức mô hình bếp ăn tình nguyện, xem đây là cách để góp một phần sức lực vào công tác phòng chống dịch chung của địa phương. Sau khi thống nhất ý tưởng, ban giám hiệu và Công đoàn trường đã thông tin đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và vận động mọi người cùng tham gia, đóng góp ý kiến cho chương trình. "Trường mới thành lập không lâu và chưa từng tổ chức chương trình thiện nguyện quy mô nào, tuy nhiên khi triển khai, chúng tôi nhận được sự hưởng ứng tích cực của tập thể lao động. Từ ngày 26-7, bếp ăn chính thức đi vào hoạt động" - ông Khoa cho biết.
Thời gian đầu, bếp ăn phục vụ khoảng 260 - 280 suất ăn chiều cho đội ngũ y - bác sĩ mỗi ngày. Từ thời điểm lực lượng quân đội được triển khai tham gia chống dịch trên địa bàn, bếp ăn quyết định đồng hành với các chiến sĩ nên mỗi ngày tăng lên hơn 320 suất ăn. Với số lượng suất ăn lớn như thế, tất cả thầy cô tham gia chương trình phải có mặt từ lúc 6 giờ để kịp chuẩn bị, dù vất vả nhưng ai cũng vui và tham gia rất nhiệt tình.
Trong hơn một tháng hoạt động, bếp ăn đã cung cấp 12.600 suất ăn trưa cho các y - bác sĩ tuyến đầu chống dịch tại Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện Dã chiến quận 8, các điểm tiêm ở phường 8, quận Gò Vấp. Thời gian đầu, kinh phí duy trì bếp ăn chủ yếu từ nguồn đóng góp của tập thể cán bộ, nhân viên, giáo viên nhà trường nhưng sau khi bếp ăn đi vào hoạt động, nhiều phụ huynh cũng tình nguyện chung tay hỗ trợ. Nhờ vậy, bếp ăn đã duy trì đến tháng 9 với tổng kinh phí 308 triệu đồng và chỉ ngưng hoạt động khi nhà trường được trưng dụng làm nơi thu dung F0. "Tôi rất cảm phục các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô đã lớn tuổi nhưng rất nhiệt tình. Họ đã dành gần 2 tháng để hỗ trợ bếp ăn, đó là điều hết sức trân quý" - ông Lê Thái Đăng Khoa bày tỏ.
Mỗi một công trình tình nguyện do các cấp Công đoàn TP triển khai trong thời điểm TP căng mình chống dịch có ý nghĩa nhân văn hết sức sâu sắc. Sự đóng góp thầm lặng của đội ngũ cán bộ, đoàn viên rất đáng trân trọng, góp phần vào thành quả chống dịch chung của địa phương và TP".
Ông PHẠM CHÍ TÂM - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM
Bình luận (0)