Chúng tôi trở lại thăm chị Đặng Thị Yến, nguyên công nhân (CN) Công ty TNHH Hoằng Việt (KCX Tân Thuận, TP HCM), vào một ngày cuối năm 2018. Dù mệt mỏi vì bệnh tật nhưng vừa nghe giọng người quen, chị Yến vui vẻ ra đón khách. Từng đánh mất cả tuổi thanh xuân và tương lai sau một vụ tai nạn lao động (TNLĐ), giờ đây, niềm vui sống của chị Yến chính là tình yêu thương của mẹ.
Vượt lên mặc cảm
Chị Yến là nạn nhân của một vụ TNLĐ xảy ra từ năm 1999. Đã 13 năm sau vụ tai nạn kinh hoàng ấy nhưng chị vẫn chưa hết ám ảnh. Chị nhớ như in cái ngày mình gặp phải bất hạnh, đêm 10-3-1999, trong khi làm vệ sinh máy chải sợi thì hai tà áo của chị bị trục gạt gòn cuốn lấy, kéo theo cả người vào. Hoảng loạn, chị dùng tay để gỡ nhưng đôi tay bị trục gạt gòn nghiền nát. "Tỉnh dậy ở bệnh viện, tôi chết lặng khi thấy cả hai cánh tay không còn nữa. Không thể tưởng tượng được chuyện như vậy lại xảy ra với mình. Lúc ấy, tôi chỉ biết khóc" - chị Yến hồi tưởng.
Chị Đặng Thị Yến (giữa) trò chuyện trong một lần các cán bộ Công đoàn đến thăm
Tai nạn bất ngờ đó còn khiến chị Yến gãy 5 xương sườn bên trái, phổi tràn dịch, phải điều trị rất lâu và mất hẳn sức lao động. Nhắc đến tình trạng của con sau tai nạn, mẹ chị Yến - bà Nguyễn Thị Ta - không khỏi xót xa: "Khoảng thời gian ấy với con gái tôi vô cùng nặng nề, dù tích cực điều trị nhưng Yến phải nằm một chỗ hơn 1 năm mới đi lại được. Mọi sinh hoạt cá nhân, Yến đều cần người khác giúp đỡ nên tôi phải nghỉ việc ở nhà chăm sóc con".
Suốt một khoảng thời gian dài sau tai nạn, chị Yến ít giao tiếp với bạn bè, từ chối tình cảm người mình thương vì không muốn trở thành gánh nặng. Tủi thân, không ít lần nghĩ quẩn nhưng sự tận tụy của mẹ khiến chị không đành lòng. Chị kể từ ngày gặp chuyện không may, gia đình liên tiếp xảy ra biến cố, để trả nợ, ba mẹ chị phải bán nhà, cả gia đình đi ở trọ. Tai ương lại ập đến khi ba chị, trụ cột duy nhất trong gia đình, bị tai biến, mất sức lao động và qua đời sau vài năm chống chọi với bệnh tật. Bản thân chị lại mang trong người nhiều căn bệnh hiểm nghèo phải chạy chữa liên tục. Kinh tế gia đình chị giờ đây phụ thuộc vào trợ cấp TNLĐ, thu nhập ít ỏi của người cháu và sự giúp đỡ của bà con lối xóm, các mạnh thường quân.
Đau đớn về thể xác và mất mát về tinh thần khiến chị Yến nhiều lúc kiệt sức nhưng với nghị lực phi thường, chị đã vượt qua nỗi sợ hãi và mặc cảm, tìm được niềm vui sống từ những điều nhỏ nhặt. Khi biết mình là một trong những trường hợp nhận được sự giúp đỡ từ chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" do Báo Người Lao Động tổ chức, chị Yến cảm động nói: "Tôi thương mẹ, thương cháu - những người vẫn luôn chăm sóc cho mình trong suốt những tháng ngày tôi gặp phải bất trắc. Tôi cũng quý trọng từng sự giúp đỡ của mọi người, nhờ đó biết mình vẫn được quan tâm dù tai nạn ấy đã diễn ra được 20 năm tròn".
Sống vui, sống có ích
Cũng trải qua một lần thập tử nhất sinh sau TNLĐ, ông Trần Văn Điền, nguyên CN Nhà máy Thủy tinh Phú Thọ (đã giải thể), mất rất nhiều thời gian để vượt qua nỗi đau thể xác lẫn tinh thần.
Ông Điền đang tá túc ở nhà người anh trai (đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 13, quận 10, TP HCM). Dù không thể đi lại như người bình thường nhưng ông vẫn giữ được tinh thần lạc quan. Năm 1997, trong một lần tham gia sửa chữa nhà máy, giàn giáo bị sập khiến ông Điền rơi từ độ cao hơn chục mét. Vụ tai nạn ấy làm ông bị gãy 3 đốt xương cột sống dẫn đến liệt nửa người, không thể đi lại được dù trải qua quá trình điều trị hơn 1 năm trời. "Gia đình kiệt quệ vì chạy chữa cho tôi. Nhà cửa bán đi, con cái phải nghỉ học, gia đình hai bên liên tục xảy ra mất mát, tôi từng trải qua cảm giác đau đớn không sao diễn tả được. Nói thật, ai ở hoàn cảnh ấy cũng có lúc nghĩ quẩn vì cảm thấy quá bế tắc nhưng nhìn sự hy sinh của vợ, tôi tự động viên mình phải vượt qua" - ông nhớ lại.
Ông Điền phải nằm viện hơn 1 năm để phục hồi chức năng nhưng tình trạng quá nặng, nửa người dưới đã mất cảm giác, thậm chí không thể kiểm soát được vấn đề vệ sinh cá nhân. Các bác sĩ khuyên ông về nhà và tự thực hiện các bài tập vật lý trị liệu. Lúc đó, ông Điền chấp nhận ra viện trong tình trạng không có nhà để về, vợ và đứa con nhỏ ở bên ngoại, còn ông và con gái lớn ở nhờ nhà anh trai. Ban ngày, vợ ông vẫn qua lại chăm sóc bởi thời điểm ấy, mọi sinh hoạt của ông đều cần có người giúp. Thương vợ con phải vất vả vì mình, ông Điền kiên trì tự tập vật lý trị liệu tại nhà với các dụng cụ đơn giản. Nỗ lực ấy giúp ông từng bước kiểm soát được vấn đề vệ sinh cá nhân. Và dù không thể đi lại được trên đôi chân, ông Điền vẫn có thể di chuyển trong nhà bằng đôi tay. Tình trạng sức khỏe khá lên khiến tinh thần ông lạc quan hơn. Ông cởi mở và tiếp xúc với mọi người xung quanh nhiều hơn. Hằng ngày, ông còn giúp con gái trông nom người cháu 13 tuổi bị bệnh câm điếc.
Kỳ tới: Vượt qua nghịch cảnh
Sẻ chia thiết thực
Chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" do Báo Người Lao Động khởi xướng từ tháng 8-2018 nhằm san sẻ những mất mát về thể chất lẫn tinh thần với CN không may bị TNLĐ, có hoàn cảnh khó khăn. Ngày 24-1, chương trình sẽ trao 60 phần quà, trị giá 5 triệu đồng/phần, cho CN bị TNLĐ tại Hà Nội, Khánh Hòa, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ. Ngoài ra, chương trình còn tặng 10 chiếc xe đạp cho con CN.
Đến nay, chương trình đã nhận được 620 triệu đồng từ 10 mạnh thường quân và các doanh nghiệp. Báo Người Lao Động trân trọng đón nhận những đóng góp, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp, các mạnh thường quân và nhà hảo tâm để tiếp sức cho chương trình. Mọi đóng góp, ủng hộ vui lòng gửi về: Chương trình "Xuân nhân ái - Tết yêu thương" Báo Người Lao Động hoặc chuyển khoản: Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam Chi nhánh TP HCM, số tài khoản: 117000004884, đơn vị thụ hưởng: Báo Người Lao Động.
Bình luận (0)