Chuyến về nguồn 4 ngày đến với các địa chỉ đỏ ở vùng đất địa linh nhân kiệt Quảng Bình, Hà Tĩnh và Nghệ An do LĐLĐ TP HCM tổ chức đã kết thúc nhưng cảm xúc vẫn lắng đọng mãi trong lòng các cán bộ Công đoàn (CĐ) TP. Đó là sự bồi hồi khi lần đầu tiên đặt chân đến quê hương của Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của cả dân tộc; là khoảnh khắc nghẹn lòng khi đứng trước mộ phần 10 cô gái thanh niên xung phong (TNXP) đã không tiếc tuổi xuân, anh dũng ngã xuống tại Ngã ba Đồng Lộc, là những phút giây lắng đọng khi nghe các cô chú cựu TNXP kể về những tháng năm đạn bom ác liệt.
Xúc động, tự hào
Điểm đến đầu tiên của chuyến đi là vùng đất Quảng Bình, nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp yên nghỉ. Với tất cả lòng thành kính, biết ơn, các cán bộ CĐ TP đã đến dâng hương, viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Vũng Chùa - Đảo Yến. Hòa vào dòng người nườm nượp đến viếng Đại tướng, ai cũng bồi hồi, cảm phục tinh thần yêu nước, sự quả cảm, ý chí bất khuất, kiên cường và tài cầm quân kiệt xuất của Đại tướng. Ông đã ra đi nhưng vẫn còn mãi trong lòng mọi người dân Việt Nam.
Rời Quảng Bình, đoàn đến thăm Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), "tọa độ chết" ngày nào nay bình yên, tĩnh lặng với màu xanh bạt ngàn của những đồi thông, những đồng lúa ngát hương. Nhưng những hố bom năm xưa vẫn còn lưu giữ, sẽ mãi là bằng chứng thép nhắc chúng ta nhớ đến quá khứ hào hùng và đau thương, nơi này được mệnh danh là "túi bom" mà đế quốc Mỹ thả xuống, nơi da thịt đối đầu đạn bom, nơi 10 cô gái TNXP - 10 đóa hoa bất tử - đã ngã xuống vì Tổ quốc.
Cán bộ Công đoàn TP tham quan Khu Di tích Nguyễn Sinh Sắc
Khu mộ của các chị nằm dưới một ngọn đồi thoai thoải, yên nghỉ trong tư thế sóng hàng theo đội hình của người xung trận giữa bao la đất trời. Thắp nén hương tưởng nhớ các chị mà ai cũng nghẹn ngào, các chị đã ra đi mãi mãi ở độ mười tám đôi mươi - cái tuổi đẹp nhất của tuổi trẻ, mang trong tim bao nhiệt huyết, khát vọng.
Cũng tại Khu Di tích Ngã ba Đồng Lộc, đoàn cán bộ CĐ TP đã có dịp gặp gỡ, giao lưu với các cựu TNXP từng tham gia trận đánh lịch sử tại Ngã ba Đồng Lộc, được nghe các cô chú kể về những năm tháng bom đạn gian truân, ác liệt nhưng luôn thắm tình đồng đội, nhất là khi chú Nguyễn Đình Cứ (đơn vị 552P18) kể về những lần đứng giữa lằn ranh của sự sống và cái chết.
Là con độc nhất trong gia đình, chú Cứ tình nguyện đi TNXP và công tác tại Ngã ba Đồng Lộc, phụ trách việc phá bom ở xã Xuân Lộc. Trong một lần bom từ trường phát nổ, đồng đội chú hy sinh, chỉ riêng chú sống sót. "Lúc ấy, tôi bị sức ép của quả bom gây chảy máu tai, máu mũi. Tỉnh dậy, tôi nghe anh chị em kể ai cũng nghĩ tôi chết rồi. Đau thương nhưng ngay khi sức khỏe hồi phục, tôi tiếp tục công việc mà đồng đội còn dang dở bởi đường vào Nam không còn con đường nào khác" - chú Cứ chia sẻ.
Cũng bước ra từ bom đạn nhưng câu chuyện của cô Lê Vy mang lại cảm xúc rất khác. Cô kể: "Giữa chiến trường ác liệt, chỉ có TNXP chúng tôi và lái xe, bao nhiêu công việc nặng nhọc đè lên đôi vai chị em, rà phá bom, phá đá lát ngầm, lát cầu… Hy sinh tuổi trẻ vì Tổ quốc, lúc ấy chị em chúng tôi luôn giữ vững nguyên tắc không được yêu cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ. Mãi đến sau này, khi đã hoàn thành nhiệm vụ, đồng đội thành đôi thành lứa rất nhiều. Cuộc sống của TNXP là thế, dù gian truân nhưng chúng tôi quyết "Sống hiên ngang, quyết bám giữ con đường - Chết dũng cảm, trinh như tờ giấy trắng".
Nghe xong câu chuyện của các cô chú, các cán bộ CĐ ai cũng xúc động và tự hào. Chị Phan Ngọc Liên, Phó Chủ tịch CĐ Tổng Công ty Xây dựng Sài Gòn, chia sẻ: "Câu chuyện kể của các cô, các chú phần nào giúp chúng tôi hiểu thêm về một thời đạn bom, khói lửa hào hùng của thế hệ đi trước, đồng thời tiếp thêm sức mạnh để chúng tôi tiếp tục những gì đang làm hôm nay và mai sau".
Học Bác đức tính giản dị
Ngày cuối cùng của hành trình, gần 400 cán bộ CĐ TP đã đến với Khu Di tích Kim Liên (xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Tháng 8 về, trời Nam Đàn trong xanh vời vợi, những đóa sen vươn cao thơm ngát quyện vào không gian đầy ắp hương lúa.
Làng Sen quê nội và làng Hoàng Trù quê ngoại vẫn lưu giữ những hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị thuở thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ai cũng lắng đọng khi đứng trước khung cảnh nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác. Trong căn nhà giản dị còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như 2 bộ phản gỗ, chiếc giường, rương đựng lương thực…
Được nghe qua lời kể truyền cảm của hướng dẫn viên về cuộc đời của Bác, những câu chuyện về thân mẫu của Bác là bà Hoàng Thị Loan và được tận mắt chứng kiến khung cảnh đơn sơ, giản dị nơi Bác chào đời, về thời thơ ấu của Bác…, cảm xúc của các thành viên trong đoàn đều rất khó tả, cảm giác gần gũi, thân thương và xúc động, gợi lên trong sâu thẳm trái tim là niềm tự hào, thành kính về một cuộc đời, một nhân cách giản dị mà vĩ đại. "Qua những bài học lịch sử từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã ước mơ được một lần đặt chân đến quê Bác. Và tôi, giờ đây đã thực hiện được ước mơ cháy bỏng của mình. Tuổi thơ của Bác, cuộc đời của Bác sao mà giản dị đến thế!" - chị Trần Thị Thu Trang, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Thạnh, bày tỏ.
Chuyến về nguồn lần này đối với chị cũng như nhiều cán bộ CĐ là một vinh dự, tiếp thêm niềm tự hào, giúp các cán bộ CĐ thêm niềm tin, thêm quyết tâm xây dựng tổ chức CĐ TP HCM ngày càng vững mạnh.
Hành trình về nguồn có ý nghĩa sâu sắc nhằm góp phần tăng cường giáo dục tình cảm cách mạng, truyền thống lịch sử, tiếp thêm niềm tự hào dân tộc cho đội ngũ cán bộ CĐ. Qua đó, tiếp sức các cán bộ CĐ ra sức sáng tạo, phục vụ tốt hơn cho đoàn viên, người lao động".
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM
Bình luận (0)