67 tuổi, bà Phan Thị Huệ đã có 17 năm ngụ tại khu phòng trọ của "cô Ba" Nguyễn Minh Hoàng trên đường Lê Đình Cẩn, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP HCM. "Cô Ba tốt tính lắm nên tôi muốn ở trọ nơi đây hoài" - bà Huệ thổ lộ.
Năm 2003, bà Huệ cùng con gái từ Bến Tre lên TP HCM kiếm việc làm. Lúc ấy, khu trọ 50 phòng cho công nhân thuê với giá rẻ của bà Hoàng vừa xây xong nên bà Huệ đến ở tới nay.
"Hồi ấy, tiền thuê phòng chỉ 200.000 đồng/tháng. Cô Ba giữ mức giá này đến năm 2018 mới tăng lên 600.000 đồng. Giữa năm 2019, cô Ba sửa chữa lại nên mới tăng tiền phòng lên 1,2 triệu đồng, vẫn rẻ hơn các nơi khác nhiều" - bà Huệ cho biết.
Từ quê lên TP HCM tìm kế sinh nhai, thoạt đầu bà Huệ đi bán vé số dạo, còn con gái làm công nhân. Bà nhớ lại: "Những lúc chúng tôi khó khăn, cô Ba sẵn sàng cho nợ tiền phòng, chẳng khi nào đòi. Thỉnh thoảng, cô còn dúi cái này cái kia cho mẹ con tôi".
Bà Nguyễn Minh Hoàng (bên phải) thường xuyên thăm hỏi và giúp đỡ những người ở trọ
Sống ở khu phòng trọ của bà Hoàng ngót 8 năm, từ lúc còn độc thân, nay anh Danh Điền (32 tuổi, quê Cà Mau) đã lập gia đình và có 2 con. "Tôi thuê trọ ở đây lâu dài cũng bởi cái tâm của cô Ba. Nhờ cô mà 2 con tôi được đi học đàng hoàng" - anh cảm kích.
Lúc trước, vợ chồng anh Điền làm công nhân ở Công ty Pou Yuen. Sau khi lập gia đình, anh phải nghỉ việc để có thời gian chăm lo và đưa đón con đi học. Thấy vậy, bà Hoàng đã cho anh mượn mặt tiền trước cửa hàng vật liệu xây dựng của mình để chiều chiều bán cháo lòng kiếm thêm thu nhập.
Anh Điền bày tỏ: "Chỗ đó nếu cho thuê cũng vài triệu đồng mỗi tháng nhưng cô Ba không lấy tiền. Cô coi chúng tôi như con cháu trong nhà, giúp được gì là giúp. Trong đợt dịch Covid-19 vừa rồi, thấy người ở trọ khó khăn, cô còn tặng gạo, mì gói, dầu ăn...".
Nhắc đến bà Hoàng, chị Nguyễn Thị Ngọc Huỳnh, Chủ tịch Hội LHPN phường Tân Tạo, nhận xét: "Đó là một chủ nhà trọ có tâm, mong muốn giúp đỡ người khác". Theo chị Huỳnh, bà Hoàng luôn chăm lo đời sống người ở trọ. Họ đa phần đã thuê ở khoảng 10 năm trở lên, hoàn cảnh từng người thế nào, bà biết hết.
"Họ sống rồi gắn bó với khu trọ của cô Ba, chẳng muốn chuyển đi. Không riêng gì người thuê trọ, xung quanh ai khó khăn gì cô cũng giúp đỡ" - chị Huỳnh nói.
Theo chị Huỳnh, khu phòng trọ của bà Hoàng thật ra do 7 anh chị em của bà cùng sở hữu. Điều đáng quý là tất cả đều rất đồng thuận, có tiếng nói chung trong việc chăm lo cho người ở trọ.
Chị Huỳnh cho biết bà Hoàng còn tích cực vận động những chủ phòng trọ trong khu phố đăng ký thực hiện việc không tăng giá phòng; thu tiền điện, nước đúng quy định đối với công nhân, người lao động thu nhập thấp, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Bà Hoàng cũng thường xuyên giúp đỡ người lao động có hoàn cảnh khó khăn như hướng dẫn hồ sơ cho con em họ đi học; thăm hỏi, động viên, tặng quà vào dịp cuối năm và chăm lo cho công nhân không có điều kiện về quê đón Tết. Bà luôn đi đầu vận động, đóng góp cho Quỹ Vì người nghèo, Quỹ Xóa đói giảm nghèo; tặng học bổng cho con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn và là mạnh thường quân trong các hoạt động do địa phương phát động.
Từ năm 2007, bà Hoàng tham gia Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nữ chủ nhà trọ khu phố 10, phường Tân Tạo và hiện là chủ nhiệm câu lạc bộ này. Bà đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm với các nữ chủ nhà trọ, lâu dần khiến họ tin tưởng và tích cực tham gia câu lạc bộ. Hiện nay, câu lạc bộ này có 14 thành viên, thường xuyên trao đổi các vấn đề liên quan đến người thuê trọ, nhất là việc chăm lo, hỗ trợ người lao động. Hằng năm, bình quân câu lạc bộ này chăm lo và tặng quà cho hơn 700 công nhân, lao động dịp Tết nguyên đán.
Suốt buổi trò chuyện với chúng tôi, chẳng mấy khi bà Nguyễn Minh Hoàng nói về mình. "Vì sao cô cho thuê phòng trọ rẻ vậy, rồi thường xuyên giúp đỡ, tặng quà công nhân ở trọ?" - chúng tôi thắc mắc. Bà bày tỏ: "Đơn giản là cô muốn san sẻ với người ở trọ chứ không nghĩ mình đang kinh doanh. Ai cũng có lúc khó khăn, mình giúp được gì thì giúp".
Theo chị Nguyễn Thị Ngọc Huỳnh, bà Hoàng rất ngại khi báo chí hỏi han, phỏng vấn hay địa phương tuyên dương, vinh danh. "Cô nói mình làm mình biết được rồi. Đã mấy lần chúng tôi giới thiệu giải thưởng này giải thưởng kia, cô đều bảo "thôi, để người khác". Khi chúng tôi bảo có người tới hỏi thăm, cô đều từ chối" - chị Huỳnh cho biết.
Chính tính cách không thích được nhắc đến của bà Hoàng lại là cái khó, cái khổ của những người làm công tác đoàn thể như chị Huỳnh. Chị tâm sự: "Bác Hồ từng dạy: Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. Địa phương cần những điển hình cụ thể như cô Hoàng để tuyên truyền nhưng gặp thì cô lúc nào cũng dặn: "Việc cô làm chỉ nhỏ xíu, không đáng nhắc tới". Khi trò chuyện, trao đổi, cô ít khi nào nói về mình. Thế nên, tôi chỉ còn cách "gạ gẫm" những người xung quanh để hỏi về cô".
Bình luận (0)