Chương trình đào tạo nghề "Beauty for a better life - Vì cuộc sống tốt đẹp hơn" do L’Oreal Việt Nam thực hiện, nhằm hỗ trợ những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, dễ bị tổn thương... có việc làm, thu nhập. Phóng viên Báo Người Lao Động trao đổi với bà Nguyễn Ngọc Tuyết Trinh, Phó Tổng Giám đốc L’Oreal Việt Nam, người sáng lập chương trình này.
* Vì sao L’Oreal Việt Nam thực hiện chương trình này?
- Bà NGUYỄN NGỌC TUYẾT TRINH: Năm 2009 (cũng là dịp kỷ niệm 100 năm thành lập L’Oreal), tôi tình cờ gặp một phụ nữ kể chuyện trong nước mắt về hoàn cảnh gia đình chồng tước đoạt quyền nuôi con khi đứa bé còn trong tháng tuổi và đẩy cô ra khỏi nhà. Thương con nhưng vì không có tiền nên cô đành chấp nhận ra đi. Ngoài ra, tôi cũng đọc được những câu chuyện về hoàn cảnh thương tâm của hàng trăm cô gái trẻ bị lừa bán qua biên giới với các chiêu trò học nghề, có việc làm thu nhập cao.
Bà NGUYỄN NGỌC TUYẾT TRINH
Vì vậy, tôi đã quyết định thành lập chương trình đào tạo nghề, cung cấp việc làm trong ngành làm đẹp cho những phụ nữ yếu thế. Qua đó, giúp họ có nghề nghiệp, việc làm và độc lập về tài chính. Mục tiêu của chúng tôi không chỉ chọn những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn mà còn tìm phụ nữ có quyết tâm vươn lên, thay đổi cuộc đời mình.
* Mục tiêu của chương trình và kết quả ra sao?
- Khác với các trung tâm đào tạo nghề, chương trình đào tạo của L’Oreal tài trợ 100% và hướng đến mục tiêu tạo ra lực lượng lao động sáng tạo, đam mê và có kỹ thuật cao trong ngành làm đẹp. Thời gian học được xây dựng trong 4 tháng với hơn 750 giờ thực hành và học liên tục 8 giờ/ngày.
Những phụ nữ đặc biệt khó khăn tham gia học nghề trong dự án “Vì cuộc sống tốt đẹp hơn” Ảnh: HỒNG ĐÀO
Để triển khai dự án, L’Oreal đã phối hợp với các chuyên gia ngành làm đẹp L’Oreal, salon tóc hàng đầu tại các tỉnh, thành và từ học viện London Rush (Anh), New Zealand, Malaysia và Mỹ. Tổng chi phí đầu tư cho chương trình từ 2009 đến nay là 45 tỉ đồng. Năm đầu tiên, chương trình đã mang đến cơ hội nghề nghiệp có thu nhập ổn định cho 200 phụ nữ nhóm yếu thế tại TP HCM. Sau 5 năm triển khai chương trình đã có hơn 400 thợ tóc và 100 tiệm tóc được tạo ra. Qua 14 năm, đã mang đến cho ngành tóc hơn 9.000 thợ và hơn 2.200 tiệm tóc mới tham gia vào thị trường. Thu nhập của thợ tóc tăng trên 250%, chủ tiệm tóc tăng hơn 500% so với thu nhập trước khi tham gia khóa học.
* Điều gì làm bà tự hào nhất?
- "Vì cuộc sống tốt đẹp hơn" đã mang đến cơ hội việc làm cho hơn 10.000 phụ nữ khó khăn từ 45 tỉnh, thành, trong đó có hơn 200 phạm nhân nữ từ trại giam Đồng Sơn (tỉnh Quảng Bình) của Bộ Công an. Hiện chương trình đã được nhân lên mô hình quốc tế và triển khai tại 35 quốc gia như: Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Brazil, Columbia... Mô hình đào tạo và kết nối với ngành làm đẹp để cung cấp việc làm cho phụ nữ đã và đang được chia sẻ với các tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ nhằm giúp nhân rộng sáng kiến này để mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho đông đảo phụ nữ Việt Nam và trên thế giới.
Bình luận (0)