Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định về rút BHXH 1 lần.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nêu ra 2 phương án:
Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, NLĐ sẽ được rút BHXH 1 lần.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Xung quanh 2 phương án này, Báo Người Lao Động đã có nhiều bài viết phân tích cặn kẽ những bất cập của Luật BHXH hiện hành và nhận được nhiều ý kiến phản hồi của bạn đọc. Một bạn đọc Nguyễn Hồng Thanh bày tỏ: "Giảm số năm đóng được hưởng lương hưu xuống 15, 10 năm tùy ý nhưng không giới hạn số năm chốt không được rút, đóng càng lâu càng có lợi mà khi có việc cần vẫn rút được. Đó mới là giải pháp thấu, tình đạt lý. Tôi dám chắc sẽ không ai có tâm lý canh nghỉ trước hạn chốt để rút một lần. Tiền là của người lao động hãy để cho họ quyết định. Cơ quan soạn thảo phải nắm chắc thực trạng rút BXHH, thắt ở đâu thì gỡ ở đó, chứ đừng quản không được rồi cấm. Cảm ơn báo NLĐ đã nói lên tâm tư nguyện vọng của người lao động!". Tương tự, bạn đọc tên Thắng nhận xét: "Các bài viết rất hay và đúng ý nguyện của toàn thể người lao động. Nếu có sửa đổi tôi đề nghị trên 20 năm công tác cũng nên cho họ rút 1 lần. Họ còn có vốn làm ăn chứ trên 45 tuổi mà thất nghiệp xin việc ở đâu được?".
Bạn đọc Nguyễn Anh Văn cũng chỉ ra thực tế: "Nếu được hỏi ai cần lấy bảo hiểm một lần chắc 90% người lao động nghèo vẫn cần còn. Tiền của dân cứ để tiền của dân dân quyết". Theo bạn đọc Phan Tuấn Dung, có giảm xuống 15 năm để bắt buộc người lao động không rút 1 lần thì người lao động nghỉ trước 15 năm để rút BHXH 1 lần mà thôi, bởi thực tế cuộc sống họ quá khó khăn. Một bạn đọc giấu tên bày tỏ: "Phương án 2 bảo lưu, Phương án1 không bảo lưu là thấy thiếu công bằng rồi. Tại sao đóng dưới 20 năm thì được rút 1 lần còn trên 20 năm thì không được rút 1 lần. Trên 20 năm không rút một lần được phải chờ 62 tuổi để lĩnh lương hưu, mà thời gian chờ không được bảo lưu cứ 2%/năm. Mất việc ở 41 tuổi đóng 21 năm là 47%, chờ 21 năm thì bị 42%. 21 năm sau lĩnh 5% lương".
Bạn đọc Trần Văn Long đặt vấn đề: "Vậy còn những người đã lãnh BHXH 1 lần....nay mong muốn nộp lại toàn bộ số tiền và tiếp tục tham gia BHXH ...để có lương hưu, sao không có phương án cho những người này?..Tiền của người lao động hãy để người lao động tự quyết định. Bạn đọc Phùng Sung thẳng thắn: "Tôi chọn phương án 1. Bởi vì người lao động rất khó khăn và bế tắc họ mới chọn phương án rút 1 lần". Một bạn đọc tên Phương bộc bạch: "Mong muốn rút 100% là ý kiến của hầu hết NLĐ. Chứ nghỉ việc ở tuổi 45 khi kiếm đủ ăn đã khó khăn thì tiền đâu mà đóng BHXH tự nguyện một cục để chờ lương hưu.với lại cũng không biết có sống được qua 60 tuổi không để nhận lương hưu".
Theo bạn đọc Hoàng Anh, quan trọng là tuổi nghỉ, cứ giảm về như cũ là ít người rút thôi. "Tôi mới có 53 mà thấy oải rồi được 19 năm 5 tháng tôi cũng chuẩn bị rút chứ không chờ nổi" – bạn đọc này nói. Tương tự, bạn đọc Tuấn Anh góp ý: "Giữ nguyên quy định như cũ. Hãy để người lao động họ quyết định quyền lợi của họ". Tương tự, bạn đọc Lê Anh Nghĩa, tiền của người lao động đóng thì để họ tự quyết định.Tại sao phải rút 50% mà không phải là 100%. Giữ lại để làm gì trong khi người lao động cần tiền để trang trải cuộc sống hiện tại". Bạn đọc Nguyễn Thanh Toàn viết: "Không công ty hay doanh nghiệp nào muốn nhận và sử dụng lao động cho đến tuổi nghỉ hưu. Thứ nhất là lương của những người làm lâu năm sẽ cao hơn những người mới. Thứ hai là về tuổi tác sức lao động sẽ không còn được tốt như người trẻ. Thử hỏi bốn mươi mấy năm chục mà để lãnh lương hưu rồi mười mấy năm đó họ làm sao.
Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, bạn đọc Võ Thị Kim Phượng chia sẻ: "Không phải chỉ công nhân, như tôi giáo viên đi dạy từ lúc 22 tuổi giờ 50 tuổi tức là dạy 28 năm rồi. Nên mắt mờ, lưng đau nhức làm sao chờ đến 60 tuổi. Nên cho đến 50 tuổi mà đủ 20 năm bảo hiểm thì được hưởng lương hưu. Hưởng ít hơn cũng được. Không nên quy định cứng 60 tuổi.
Bình luận (0)