Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa trình Chính phủ Dự thảo Luật BHXH sửa đổi. Trong đó, nội dung được nhiều người lao động (NLĐ) quan tâm nhất là quy định về rút BHXH 1 lần.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) nêu ra 2 phương án:
Phương án 1: Giữ nguyên quy định hiện hành. Cụ thể, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm, NLĐ sẽ được rút BHXH 1 lần.
Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ hưởng chế độ BHXH khi đủ tuổi nghỉ hưu.
Liên quan đề xuất này, nhiều công nhân khi được hỏi ý kiến đều ủng hộ phương án 1, bởi cuộc sống của họ đa phần khó khăn, nhất là trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp đang cắt giảm lao động hàng loạt. Nên hiểu, bất cứ NLĐ nào cũng mong muốn làm đến tuổi nghỉ hưu và được nhận lương hưu để cuộc sống đỡ khó khăn, vất vả, không phụ thuộc vào con cháu. Tuy nhiên, từ mong ước đến thực tế có một khoảng cách khá xa.
Tại TPHCM, nhiều người lao động lớn tuổi bị mất việc làm, phải nghỉ việc ở tuổi 40-50 luôn lựa chọn rút BHXH 1 lần để giải quyết những khó khăn trước mắt. Nếu chỉ cho NLĐ rút 50% thì số tiền rất thấp và họ không giải quyết được gì. Họ lấy gì để tiếp tục đóng BHXH khi đang không có việc làm? Bản thân NLĐ cũng biết tự cân nhắc làm thế nào là tốt cho cuộc sống của họ. Thế nên, theo ý kiến của nhiều chuyên gia lao động, hãy để họ được lựa chọn sử dụng khoản đóng BHXH phù hợp với hoàn cảnh của mình.
Theo ông Bùi Sĩ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cả hai phương án mà ban soạn thảo đưa ra tại dự thảo luật đều có ưu và nhược điểm. Phương án 1 sẽ tạo cơ hội cho NLĐ khi gặp khó khăn, bởi về nguyên tắc đó là tiền của họ và họ có quyền được rút. Phương án 2 thì có ưu điểm cơ bản là khi rất khó khăn, NLĐ vẫn rút được 50% để giải quyết vấn đề trước mắt, còn lại 50% bổ sung khi về già.
Trong báo cáo tổng kết việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 93/2015/QH13 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách hưởng BHXH 1 lần đối với NLĐ, Bộ LĐ-TB-XH cho rằng theo quy định của Luật BHXH 2014 và Nghị quyết 93/2015/QH13 của Quốc hội, điều kiện hưởng BHXH 1 lần khá dễ dàng (sau 1 năm không làm việc, không tham gia BHXH là NLĐ có thể hưởng BHXH 1 lần); quy định này được cho là khá dễ dàng.
Nghị quyết 28-NQ/TW đã đề ra nội dung cải cách: "Sửa đổi, khắc phục các bất hợp lý về chế độ bảo hiểm hưu trí hiện nay theo hướng linh hoạt hơn về điều kiện hưởng chế độ hưu trí, chặt chẽ hơn trong quy định hưởng chế độ BHXH 1 lần, tăng tuổi nghỉ hưu bình quân thực tế của người lao động". Trong đó nhấn mạnh: "Có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH 1 lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH 1 lần".
BHXH 1 lần là vấn đề khá "nhạy cảm, phức tạp", từng gặp phải phản ứng của một bộ phận NLĐ khi có đề xuất thay đổi. Do vậy, theo nhiều chuyên gia, cần lấy ý kiến rộng rãi của NLĐ trước khi ban hành chính sách.
Bình luận (0)