Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, ai cũng nghĩ dịch sẽ sớm được kiểm soát và cuộc sống sẽ sớm quay lại bình thường. Tuy nhiên, với những biến chủng mới và sự hiện diện ngày một rộng, lây lan nhanh và những tổn thất ngày một lớn thì mọi người bắt đầu ý thức được rằng dịch bệnh sẽ còn kéo dài. Sống chung với dịch sẽ là giải pháp không thể tránh khỏi. Người lao động (NLĐ) trong nhiều ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch cũng bắt đầu tính toán cho tương lai công việc của mình.
Thay đổi để tồn tại
Đang theo học lớp Excel nâng cao trực tuyến miễn phí để nắm lại kiến thức kế toán trước đây đã từng học, chị Nguyễn Thị Thu Thảo (26 tuổi, quê Long An) cho biết đã quyết định thay đổi công việc kể từ khi dịch bùng phát. Tốt nghiệp trung cấp kế toán nhưng công việc mà Thảo làm trong 4 năm nay là lễ tân khách sạn. Khi chưa có dịch Covid-19, thu nhập từ công việc lễ tân khách sạn của Thảo cao hơn các bạn học cùng lớp kế toán. "Từ năm ngoái, công việc của tôi đã không ổn định, tháng làm tháng không, có tháng chỉ làm được 10 ngày. Khi các khách sạn buộc phải đóng cửa thì tôi rơi vào cảnh thất nghiệp. Trong khi các bạn học có thể làm kế toán tại nhà, còn tôi thì không. Tôi thấy mình phải thay đổi công việc vì dịch có thể còn kéo dài" - Thảo bộc bạch. Thảo cho biết nhiều đồng nghiệp làm việc trong khách sạn cũng đã thay đổi công việc. Có người chuyển sang kinh doanh online, có người chạy xe ôm công nghệ, người thì về quê làm nông cùng cha mẹ.
Là người đam mê công việc hướng dẫn viên du lịch, với hơn 10 năm làm nghề, anh Trần Quốc Triệu (38 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP HCM) đã có được một cuộc sống khá tốt với nghề du lịch trước khi đại dịch ập đến. Vừa là hướng dẫn viên chuyên nghiệp, anh Triệu còn có một công ty lữ hành nhỏ của riêng mình để thực hiện những tour mà anh đam mê. Công ty của anh trước khi dịch xuất hiện cũng tạo công ăn việc làm được cho 15 lao động. "Mọi thứ thay đổi chóng mặt khi dịch xuất hiện. Năm ngoái, công ty đã phải hủy hàng loạt tour và bù lỗ. Cứ tưởng năm nay mọi thứ sẽ suôn sẻ hơn nhưng không ngờ dịch lại bùng phát mạnh. Từ tháng 5, tôi buộc phải cho nhân viên nghỉ không lương, trả mặt bằng và chuyển văn phòng về nhà để tiết kiệm chi phí. Nhận thấy dịch có thể còn kéo dài nên tôi động viên nhân viên nên chuyển nghề tùy theo sở trường của mình để có tiền sinh sống vượt qua khó khăn này. Nếu ai vẫn còn lửa đam mê sẽ gặp lại nhau khi dịch được khống chế" - anh Triệu tâm sự. Là trụ cột kinh tế của gia đình, anh Triệu nhanh chóng chuyển sang nghề kinh doanh thực phẩm đông lạnh để phục vụ nhu cầu ăn uống của người dân. Nhờ có sẵn xe du lịch, anh đã hoán đổi thành xe tải để chuyên chở hàng hóa. Ba nhân viên vốn là tài xế xe đi tour cũng phụ anh vận chuyển thực phẩm giao cho khách hàng. "Công việc này ban đầu là giải pháp tình thế bởi tôi nghĩ rằng dịch có thể khiến các ngành không thiết yếu đóng cửa, còn thực phẩm thì không. Giờ thì tôi đã làm được 3 tháng và mọi thứ khá ổn, đủ trang trải cho gia đình. Mong dịch sớm được khống chế để tôi và anh em làm du lịch lại tiếp tục sống với nghề" - anh Triệu nói.
Nhiều người đang chuyển sang kinh doanh online sau thời gian dài ở nhà vì dịch Covid-19
Sau cơn mưa trời lại sáng
Bà Lê Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Văn phòng Adecco TP HCM thuộc Adecco Việt Nam, cho rằng trong thời điểm khó khăn này, chuyển hẳn sang một công việc khác để kiếm sống hẳn là lựa chọn rất khó khăn của NLĐ. "Những người làm trong ngành dịch vụ có lợi thế hơn khi chuyển đổi công việc bởi họ khá đa năng và dễ thích ứng. Tùy vào chuyên môn của từng công việc mà NLĐ có thể chuyển sang công việc khác hợp với nhu cầu của thị trường lao động thời Covid-19. Tuy nhiên, ở góc độ người đi trước, tôi vẫn khuyên NLĐ nên cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định chuyển hẳn sang một công việc khác" - bà Thanh nói.
Bà Thanh phân tích, nếu đã là công việc mà mình làm tốt nhất, cho mình nhiều niềm vui nhất thì có tạm thời bị mất việc vẫn không là mất hẳn. "Sau cơn mưa trời lại sáng", đó là quy luật tự nhiên và với dịch bệnh cũng vậy. Hãy nhớ rằng dịch bệnh nào rồi cũng có thể khống chế được. Dù có phải mất vài năm hay dài hơn thì con người vẫn có những cách để khống chế dịch và đưa cuộc sống trở lại bình thường. "Trong giai đoạn khó khăn và đang tạm mất việc này, bạn nên học nâng cao để có thể trở thành chuyên gia trong lĩnh vực mà mình theo đuổi. Hãy biết chuẩn bị mọi thứ tốt nhất có thể để khi thị trường trở lại, cơ hội mà bạn giành chiến thắng là rất cao. Chắc chắn trong lĩnh vực của bạn đã có nhiều người "bỏ cuộc chơi" và thị trường sẽ thiếu hụt lao động khi cuộc sống trở lại bình thường. Khi đó, "giá" của bạn trong ngành là rất cao" - bà Thanh chia sẻ.
Theo các chuyên gia việc làm, trong bối cảnh dịch bệnh, cơm áo gạo tiền vẫn là nỗi lo trước mắt của mỗi NLĐ. Chẳng ai muốn mình thất nghiệp và phải chuyển công việc khác để duy trì kế sinh nhai cả. Nhưng thời thế buộc NLĐ phải thích nghi, do vậy làm được gì để tạo ra thu nhập trong giai đoạn này cũng đều quý như nhau. Làm những công việc để giải quyết cái ăn trước mắt sẽ giúp cho chúng ta có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Hãy tích cực tìm kiếm những công việc có ích, chẳng hạn như làm tình nguyện viên tham gia hỗ trợ phòng chống dịch bệnh để thấy được những khó khăn, vất vả mà mọi người đang trải qua hằng ngày. Từ đó, chúng ta sẽ có thêm động lực cho sự nghiệp của mình trong tương lai. Đây cũng là cách để NLĐ duy trì chuyên môn công việc của mình thông qua những việc làm đầy ý nghĩa cho cuộc sống.
Bình luận (0)