Ông Sơn cho biết Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật BHXH nên bộ này sẽ tham mưu cho Chính phủ tính toán, cân nhắc các giải pháp nhằm bảo đảm nguyên tắc: không để lao động nữ thiệt thòi, thực hiện có lộ trình, bảo đảm nguyên tắc đóng - hưởng; tạo điều kiện cho quỹ BHXH ổn định, phát triển bền vững và không gây bức xúc trong xã hội.
Riêng BHXH Việt Nam, trong tháng 10 vừa qua, tại cuộc họp với Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB-XH) để bàn các phương án xử lý chênh lệch về cách tính lương hưu giữa lao động nam và lao động nữ, đã đề xuất áp dụng lộ trình điều chỉnh như sau: Để đạt được tỉ lệ hưởng lương hưu ở mức tối đa là 75% thì lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 phải có 26 năm đóng BHXH, nghỉ hưu trong năm 2019 phải có 27 năm, nghỉ hưu năm 2020 là 28 năm, nghỉ hưu năm 2021 là 29 năm và từ năm 2022 trở đi là 30 năm.
Hiện nay lao động nữ phải làm công việc nặng nhọc như nam giới dù phải đảm đương thiên chức làm vợ, làm mẹ. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trả lời câu hỏi khi nào cơ quan chức năng có quyết định cuối cùng về việc dừng hay thực hiện theo lộ trình theo khoản 2 điều 56 Luật BHXH, ông Phạm Lương Sơn cho biết Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Chủ tịch QH, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH đề nghị xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ quy định tại Luật BHXH năm 2014 theo hướng vẫn thực hiện như quy định cũ của Luật BHXH năm 2006.
Ngày 2-11-2017, Văn phòng Chính phủ cũng đã có công văn gửi Bộ LĐ-TB-XH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ giao Bộ LĐ-TB-XH cân nhắc thêm phương án cho phép thay đổi dần trong 5 năm bắt đầu từ ngày 1-1-2018 như công thức tính lương hưu đối với lao động nam để vừa bảo đảm thực thi pháp luật vừa đáp ứng các ưu điểm của Luật BHXH. Tuy nhiên, để đưa ra được quyết định dừng hay thực hiện theo lộ trình khoản 2 điều 56 Luật BHXH thì theo quy trình chung, sau khi Chính phủ thống nhất phương án sẽ báo cáo QH và QH sẽ quyết định.
Bình luận (0)