Theo đó, để giải quyết khó khăn trước mắt cho các Bộ, ngành, địa phương, bảo đảm thực hiện chủ trương "có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp", "có bệnh nhân thì phải có viên chức y tế", trong khi chưa kịp sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, đồng thời, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 19-NQ/TW, Chính phủ yêu cầu:
Đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên được ký họp đồng lao động đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong tổng số lượng người làm việc hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp được cơ quan có thẩm quyền giao; đồng thời, đơn vị phải tăng mức trích lập vào quỹ phúc lợi đủ để giải quyết chế độ, chính sách cho số hợp đồng lao động này khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Cùng với đó, đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp giáo dục và y tế công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên được ký hợp đồng lao động (dưới 12 tháng) đối với các vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế trong phạm vi số lượng biên chế viên chức được cấp có thẩm quyền giao và theo định mức quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Y tế để kịp thời thay cho số giáo viên và viên chức y tế nghỉ thai sản và nghỉ hưu theo chế độ (chưa kịp tuyển dụng thay thế) và để bố trí giáo viên dạy buổi thứ 2 trong ngày (đối với những cơ sở giáo dục dạy 2 buổi/ngày).
Hằng năm, cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải tổ chức tuyển dụng để thay thế cho số giáo viên và viên chức y tế còn thiếu, bảo đảm đủ số lượng người làm việc được cơ quan có thẩm quyền giao. Không để kéo dài hợp đồng lao động làm chuyên môn quá 12 tháng đối với vị trí việc làm là giáo viên và viên chức y tế.
Đối với cấp học mầm non, tiểu học tại các địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, phải bảo đảm bố trí đủ biên chế giáo viên dạy 02 buổi/ngày theo quy định.
Bình luận (0)