Sáng 6-12, Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 24 (khóa XX) đã diễn ra dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu- Ảnh: Văn Duẩn
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang cho biết hội nghị lần này Đoàn Chủ tịch sẽ nghe và thảo luận về: Báo cáo kết quả hoạt động Công đoàn năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022; Tờ trình báo cáo về "Chương trình một triệu sáng kiến"; Báo cáo kết quả 2 năm triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các cấp Công đoàn; Tờ trình về việc ban hành Quyết định thay thế Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ và 3022/QĐ-TLĐ về chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4; Tờ trình Hướng dẫn công đoàn thực hiện giám sát cán bộ, đảng viên ở nơi làm việc theo Quy định 124-QĐ/TW, ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Giám sát của MTTQVN, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên; Tờ trình Kế hoạch tổ chức Tháng công nhân năm 2022...
Hội nghị Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 24- video: Văn Duẩn
Trình bày báo cáo về kết quả hoạt động công đoàn năm 2021, phương hướng nhiệm vụ năm 2022, ông Trần Thanh Hải- Phó chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết năm 2021 dịch bệnh Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ tư (từ ngày 27-4-2021) với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh, nguy hiểm hơn so với các chủng trước đây, lại xâm nhập sâu vào các trung tâm, đô thị lớn, địa bàn tập trung đông công nhân, lao động và các khu công nghiệp…, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất kinh doanh, sinh kế, đời sống của nhân dân, tác động trực tiếp đến đời sống, việc làm của công nhân, viên chức, lao động
Đã có trên 2 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động. Số lượng người lao động đăng ký hưởng bảo hiểm xã hội một lần có xu hướng gia tăng, tiềm ẩn nhiều hệ lụy liên quan đến quyền lợi của người lao động. Nhà ở tiếp tục là vấn đề bức thiết đối với công nhân, lao động đặc biệt là ở khu công nghiệp, khi mới chỉ đáp ứng được khoảng hơn 30% nhu cầu. Một bộ phận lớn công nhân, lao động nhập cư phải thuê nhà trọ dân sinh với điều kiện sinh hoạt không đảm bảo.
Ông Trần Thanh Hải- Phó chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu- Ảnh: Văn Duẩn
Theo ông Trần Thanh Hải, dịch bệnh bùng phát gây nhiều khó khăn cho người lao động trong việc chăm sóc, giáo dục con cái, gây ra những xáo trộn, làm thay đổi đời sống tâm lý, tinh thần, thói quen… của công nhân, viên chức, lao động nhất là tại các địa phương thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội. Đã xuất hiện tình trạng một bộ phận người lao động rời các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam về quê tự phát, dẫn tới các hệ lụy liên quan tới an toàn khi di chuyển cũng như trong công tác phòng, chống dịch bệnh, làm tăng nguy cơ thiếu hụt lao động tại các địa phương nơi người lao động rời đi.
Trong bối cảnh đó, đội ngũ công nhân, viên chức, lao động đã nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm, chấp hành nghiêm các quy định trong công tác phòng, chống dịch; tích cực lao động, sản xuất tại những doanh nghiệp, cơ sở có đủ điều kiện trong điều kiện khó khăn thiếu thốn; nhiều đoàn viên, người lao động đã trở thành những chiến sĩ, tình nguyện viên nơi tuyến đầu, sát cánh cùng chính quyền, lực lượng chức năng tại cơ sở "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" phục vụ phòng, chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống cho người dân, góp phần vào thành công chung trong công tác phòng, chống dịch của cả nước.
Theo số liệu báo cáo chưa đầy đủ, tính đến ngày 25-11, các cấp Công đoàn đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch với tổng số tiền gần 6.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)