Sáng 11-12, Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 7 (Khoá XII) diễn ra tại Hà Nội. Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; ông Trần Thanh Mẫn – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban xây dựng Đảng Trung ương và các Uỷ viên Ban Chấp hành tham dự Hội nghị.
Các lãnh đạo và các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 7
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết Hội nghị lần thứ 7 nhằm đánh giá kết quả hoạt động công đoàn năm 2020, xác định nhiệm vụ công tác công đoàn năm 2021; bàn và quyết định các nội dung: Tờ trình báo cáo kết quả triển khai Chương trình hành động của Tổng LĐLĐ Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tờ trình báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 6a/NQ-TLĐ ngày của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn khóa X về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức và nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở; tờ trình báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 4a/NQ-TLĐ của Ban Chấp hành TLĐ khóa X về tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn giai đoạn 2010-2020... và một số nội dung quan trọng khác.
Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu khai mạc
Theo Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, năm 2020 là năm cuối của nhiệm kỳ 2016 - 2021 và là năm có nhiều yếu tố tác động đến việc làm, đời sống của công nhân lao động, trong đó có hoạt động công đoàn.
Trên cơ sở chủ đề công tác năm 2020 "Nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn cơ sở", tình hình thực tiễn tại các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, đề nghị hội nghị quan tâm, tập trung thảo luận, nêu những giải pháp, cách làm hay, trong việc triển khai, cụ thể hóa chủ đề công tác năm ở các cấp công đoàn, hoạt động của công đoàn cơ sở trong việc thực hiện nhiệm vụ cốt lõi của tổ chức công đoàn, đó là chăm lo, đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Bên cạnh đó, Hội nghị cũng làm rõ các hoạt động của Công đoàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid- 19; công tác chăm lo cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Vấn đề công khai tài chính để đảm bảo minh bạch; vấn đề quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đoàn. Đồng thời, phân tích, dự báo tình hình trong thời gian tới đặc biệt là năm 2021 là năm mà Bộ luật Lao động 2019, và nhiều chủ trương, chính sách mới liên quan đến người lao động có hiệu lực, qua đó đề xuất các biện pháp, giải pháp để nâng cao hiệu quả phong trào công nhân, hoạt động công đoàn năm 2021 và trong thời gian tiếp theo...
Vì vậy Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các đại biểu nghiên cứu, thảo luận, nhất là về thuận lợi, khó khăn, kết quả đạt được, các kiến nghị, đề xuất với Đảng, Nhà nước nhằm tiếp tục chỉ đạo tăng cường xây dựng giai cấp công nhân; tập trung giải quyết các vấn đề bức xúc, cấp bách của công nhân trong thời gian tới…
Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải trình bày báo cáo
Báo cáo về phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn năm 2020 tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết năm 2020, công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở được các cấp công đoàn quan tâm triển khai trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19. Dịch Covid-19 diễn ra từ đầu năm, tái bùng phát vào cuối tháng 7 tại một số địa phương đã tác động lớn đến tình hình việc làm và thu nhập của người lao động.
Theo Tổng cục Thống kê, tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập (với mức giảm thu nhập nhẹ), gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14 % buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu vực dịch vụ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với 68,9% lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng...
Tổng Liên đoàn đã tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh như sớm có chủ trương về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; miễn đóng đoàn phí công đoàn đối với đối tượng đoàn viên công đoàn có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở; các cấp công đoàn đã chi tổng số tiền hơn 656,937 tỉ đồng hỗ trợ, chăm lo cho 658.989 người lao động, trong đó nguồn tài chính công đoàn là chủ yếu (chiếm hơn 65,2%).
Chương trình "Tết Sum vầy" đạt kết quả to lớn khi có gần 8 triệu lượt đoàn viên, người lao động được chăm lo Tết với tổng số tiền trên 4.097 tỉ đồng; Trao tặng 1.626 nhà "Mái ấm Công đoàn" cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 154,8 tỉ đồng.
Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó chủ tịch LĐLĐ TP HCM phát biểu tham luận
Thay mặt Ban Thường vụ LĐLĐ TP HCM tham luận về "công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, mô hình tổ chức các nghiệp đoàn và hoạt động sáng tạo trong Tháng Công nhân trong điều kiện dịch Covid-19 nhằm hỗ trợ NLĐ", ông Kiều Ngọc Vũ, Phó chủ tịch LĐLĐ TP HCM, cho biết công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Thường vụ LĐLĐ TP HCM luôn xác định cần phải tập trung lãnh chỉ đạo thực hiện với các giải pháp mới, phương thức linh hoạt phù hợp với thực tiễn.
Với những giải pháp, cách làm cụ thể, tích cực, mặc dù ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS năm 2020 vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể phát triển đoàn viên đạt tỷ lệ 114,07%; thành lập được 52/24 nghiệp đoàn, đạt tỷ lệ: 216,6 %, tập trung các ngành nghề như: bán thức ăn đường phố, giúp việc gia đình, xây dựng, nhóm gia đình, xe ôm, xe ôm công nghệ, sửa xe honda, sửa chữa điện lạnh, thợ cơ khí…, trong đó đã vận động thành lập 10 nghiệp đoàn xe ôm công nghệ (Grap, Gojek), với 381 đoàn viên, nâng tổng số nghiệp đoàn đang quản lý 134 nghiệp đoàn, 5.884 đoàn viên.
Để hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ vượt qua khó khăn trong đại dịch Covid-19, Công đoàn TP đã chăm lo cho 19.137 đoàn viên, NLĐ (mỗi phần quà trị giá 1,2 triệu đồng) với tổng số tiền chăm lo 22,964 tỉ đồng; vận động chủ nhà trọ giảm giá cho thuê với 57.606 phòng trọ và vận động được 200 phòng trọ miễn thu tiền thuê trọ cho công nhân.
Công đoàn phải có lộ trình để giải quyết những thách thức
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực, kết quả đạt được của các cấp công đoàn trong năm 2020.
Tuy nhiên cũng nhấn mạnh Công đoàn cần có những mục tiêu rõ ràng, cụ thể, có lộ trình để giải quyết những vấn đề đang còn thách thức; những vấn đề trọng tâm trọng điểm của mình trong giai đoạn mới. "Nếu công đoàn càng hoạt động thiết thực và giải quyết tốt các vấn đề thách thức khó khăn của mình, thì công đoàn càng có uy tín trong xã hội cũng như có uy tín đối với NLĐ"- Bà Trương Thị Mai nói.
Bình luận (0)