Hội nghị Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam lần thứ 7 (khóa XII) đã diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-12, tại Hà Nội. Hội nghị đã đánh giá kết quả hoạt động Công đoàn (CĐ) năm 2020, xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 và bàn nhiều nội dung quan trọng khác.
Sâu sát đoàn viên
Báo cáo về phong trào CNVC-LĐ và hoạt động CĐ năm 2020, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải cho biết năm 2020, công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở được các cấp CĐ quan tâm triển khai và đạt kết quả tích cực, dù trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đã tác động lớn đến tình hình việc làm và thu nhập của người lao động (NLĐ). Tính đến tháng 6-2020, cả nước có 125.321 CĐ cơ sở với tổng số đoàn viên gần 10,4 triệu người.
Theo Tổng cục Thống kê, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tính đến tháng 9, cả nước có 31,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng. Trong đó, 68,9% người bị giảm thu nhập, gần 40% phải giảm giờ làm/nghỉ giãn việc/nghỉ luân phiên và khoảng 14% buộc phải tạm nghỉ hoặc tạm ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh. Khu vực dịch vụ là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với 68,9% lao động bị ảnh hưởng; tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng... Để chăm lo, hỗ trợ cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã sớm có chủ trương về việc lùi thời điểm đóng kinh phí CĐ đối với các doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; miễn đóng đoàn phí CĐ đối với đoàn viên có thu nhập thấp hơn mức lương cơ sở. Đặc biệt, các cấp CĐ đã chi hơn 656 tỉ đồng hỗ trợ, chăm lo cho 658.989 NLĐ, trong đó chi từ nguồn tài chính CĐ chiếm hơn 65,2%. Chương trình "Tết sum vầy" đạt kết quả to lớn khi có gần 8 triệu lượt đoàn viên, NLĐ được chăm lo Tết với tổng số tiền trên 4.097 tỉ đồng; trao tặng 1.626 "Mái ấm CĐ" cho đoàn viên CĐ có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền trên 154,8 tỉ đồng.
Điển hình như LĐLĐ TP HCM đã trao tặng 79.448 vé tàu xe, 300.250 suất quà, 21 "Mái ấm CĐ" với tổng số tiền ước tính 196 tỉ đồng. LĐLĐ TP Hà Nội phối hợp với các DN tổ chức trên 2.000 chuyến xe đưa trên 95.000 công nhân (CN), lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết; tặng quà cho 68.000 CN và con CN có hoàn cảnh khó khăn với số tiền trên 35 tỉ đồng. Theo ông Trần Thanh Hải, nhiệm vụ trước mắt của tổ chức CĐ là tổ chức tốt kế hoạch chăm lo cho đoàn viên và NLĐ trong dịp Tết nguyên đán 2021, với mục tiêu không để NLĐ nào không có Tết.
Bà Lê Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, tặng quà cho đoàn viên Nghiệp đoàn Xe công nghệ phường 8, quận 8. Ảnh: THANH NGA
Điểm sáng TP HCM
Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, nội dung, phương thức hoạt động của CĐ cơ sở ở một số nơi đã từng bước được đổi mới theo hướng tăng cường thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ. Tuy nhiên, phần lớn CĐ cơ sở ở khu vực DN, nhất là DN ngoài nhà nước không triển khai thực hiện đầy đủ được nội dung nhiệm vụ của CĐ cơ sở, thiếu các kỹ năng cần thiết trong hoạt động CĐ, đặc biệt là trong thương lượng, đối thoại với người sử dụng lao động.
Ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP HCM, nhìn nhận công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Ban Thường vụ LĐLĐ TP luôn xác định cần phải tập trung chỉ đạo thực hiện với các giải pháp mới, phương thức linh hoạt phù hợp với thực tiễn. "Cần phải chủ động phát hiện những vấn đề bức thiết của NLĐ để có những điều chỉnh trong chỉ đạo, điều hành; sâu sát nắm bắt nhu cầu của từng nhóm đối tượng NLĐ để bổ sung những nội dung mới, đáp ứng nhu cầu của đoàn viên, NLĐ" - ông Vũ nói. Bên cạnh đó, trong công tác tuyên truyền vận động, cán bộ CĐ cần phải nắm vững các kiến thức pháp luật; phải kiên nhẫn, tận tâm và khéo léo, linh hoạt.
Song song với việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở tại các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp, LĐLĐ TP còn đề ra chỉ tiêu vận động tập hợp 1.500 NLĐ khu vực phi chính thức vào tổ chức CĐ với chỉ tiêu thành lập ít nhất 24/24 nghiệp đoàn tại 24 quận, huyện; trọng tâm là tập trung vận động phát triển đoàn viên, thành lập nghiệp đoàn khu vực NLĐ hành nghề xe ôm công nghệ trên địa bàn. LĐLĐ quận, huyện còn vận động các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí hoạt động và trang bị trang phục bảo hộ, nón bảo hiểm, tặng bảo hiểm tai nạn, BHYT cho đoàn viên. Với những giải pháp, cách làm như trên, mặc dù ảnh hưởng rất lớn từ đại dịch Covid-19 nhưng công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở năm 2020 trên địa bàn TP vượt chỉ tiêu đề ra. Cụ thể đã phát triển 132.322/116.000 đoàn viên CĐ; thành lập được 52 nghiệp đoàn với 2.635 đoàn viên (tập trung các ngành nghề như: bán thức ăn đường phố, giúp việc gia đình, xây dựng, nhóm gia đình, xe ôm, xe ôm công nghệ, sửa xe máy, sửa chữa điện lạnh, thợ cơ khí...
Chú trọng đào tạo cán bộ
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận tại tổ về nhiều nội dung quan trọng, trong đó có công tác đào tạo cán bộ CĐ, nhất là ở cấp cơ sở. Từ thực tiễn hoạt động của đơn vị, các đại biểu cho biết cán bộ CĐ cơ sở chủ yếu là kiêm nhiệm, dù có nhiệt tình, tâm huyết nhưng ít có thời gian dành cho hoạt động CĐ, một bộ phận thiếu kỹ năng, thường xuyên bị thay đổi do vị trí công tác và biến động về việc làm. Do đó, các đại biểu đề nghị cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ CĐ.
Phát biểu chỉ đạo, bà Trương Thị Mai - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương - nhấn mạnh ưu tiên số 1 của tổ chức CĐ vẫn là làm tốt vai trò đại diện chăm lo bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của NLĐ và phải coi đây là nhiệm vụ trọng yếu, hàng đầu, thường xuyên, nhất là trong khu vực DN thâm dụng lao động. "CĐ cần phải làm rõ vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi của NLĐ trong tình hình mới - nhiệm vụ trọng tâm cốt lõi của CĐ. Đây là những vấn đề sống còn của CĐ, vì vậy phải làm tốt nhiệm vụ này để CĐ phải là lựa chọn đầu tiên và của đa số NLĐ" - bà Trương Thị Mai chỉ đạo.
Bình luận (0)