Trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 14-8, bà Phạm Thanh Bình, Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam, cho biết Công đoàn Y tế Việt Nam vừa có 2 tờ trình gửi Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về việc xin chủ trương hỗ trợ cho đoàn viên, cán bộ y tế tuyến đầu chi viện tăng cường chống dịch Covid-19 các tỉnh miền Nam và đề xuất một số chế độ chính sách đối với đoàn viên, người lao động ngành Y tế trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4.
Tận tình chăm sóc, cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nặng - Ảnh minh họa
Trong 2 tờ trình, Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết hiện nay đã có khoảng 10.000 nhân viên y tế cả nước thực hiện lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế lên đường chi viện cho TP HCM và các tỉnh phía Nam, làm việc tại các bệnh viện dã chiến, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng và rất nặng, nguy kịch tại 19 tỉnh, thành phía Nam.
Nhiều nhân viên y tế có hoàn cảnh, phải tạm xa gia đình để thực hiện nhiệm vụ với quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh. Nhân viên y tế đã rất nỗ lực, tận tâm chăm sóc, điều trị các ca bệnh, không quản ngày, đêm.
Để động viên cán bộ y tế đang chống dịch, Công đoàn Y tế Việt Nam đề nghị, đối với cán bộ, y tế là đoàn viên Công đoàn Y tế Việt Nam thuộc các đơn vị trực thuộc Bộ tăng cường chi viện chống dịch Covid-19 tại các tỉnh phía Nam, đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam cho phép Công đoàn Y tế Việt Nam được chi mức chi hỗ trợ là 2 triệu đồng/cán bộ/đợt công tác theo căn cứ Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ ngày 19-5-2021, trích từ nguồn tài chính công đoàn tích luỹ của Công đoàn Y tế Việt Nam.
Bên cạnh đó, cho phép Công đoàn Y tế Việt Nam tiếp tục mua thẻ bảo hiểm an toàn cho 10.000 cán bộ đi chi viện tăng cường chống dịch tại 19 tỉnh phía Nam, nguồn kinh phí mua thẻ được trích từ nguồn kinh phí tích luỹ của Công đoàn Y tế Việt Nam.
Công đoàn Y tế Việt Nam cũng đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất Chính phủ, Nhà nước và với các bộ ngành liên quan sớm ban hành chế độ chính sách để cán bộ y tế trong khi thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 bị tử vong được phong danh hiệu liệt sĩ và gia đình được hưởng chế độ liên quan.
Trao đổi với Báo Người Lao Động chiều 14-8, ông Phan Văn Anh. Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết ngay sau khi nhận được tờ trình của Công đoàn y tế Việt Nam, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã họp xem xét, đồng ý với đề xuất trích từ nguồn tích lũy công đoàn Y tế Việt Nam để hỗ trợ cho khoảng 10.000 cán bộ, nhân viên y tế chi viện cho miền Nam với mức 2 triệu đồng/người.
Cho phép Công đoàn Y tế Việt Nam tiếp tục mua thẻ bảo hiểm an toàn cho 10.000 cán bộ đi chi viện tăng cường chống dịch tại 19 tỉnh phía Nam. Kinh phí mua thẻ được trích từ nguồn kinh phí tích lũy của Công đoàn y tế Việt Nam và xã hội hóa.
Riêng đối với đề xuất đề nghị Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất Chính phủ, Nhà nước và các bộ ngành liên quan sớm ban hành chế độ chính sách để cán bộ y tế trong khi thực thi nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19 bị tử vong được phong danh hiệu Liệt sĩ và gia đình được hưởng chế độ liên quan, ông Phan Văn Anh cho biết đề xuất này sẽ được các ban chuyên môn của Tổng LĐLĐ Việt Nam nghiên cứu thấu đáo, sau đó có tham mưu lên Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam.
Hỗ trợ 1 triệu đồng/người cải thiện bữa ăn cho lực lượng y tế 19 tỉnh thành phía Nam
Ngày 11-8, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã có quyết định số 3040/QĐ-TLĐ về việc hỗ trợ tăng cường dinh dưỡng bữa ăn, góp phần đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ y tế làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tuyến đầu tại 19 tỉnh, thành phía Nam đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng trong đợt bùng phát dịch lần thứ 4.
Mức hỗ trợ bằng hiện vật trị giá là 1 triệu đồng/người. Đối tượng thụ hưởng là đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ y tế, sinh viên, học viên các trường y đang làm nhiệm vụ hoặc được tăng cường năm 2021 để làm nhiệm vụ phòng, chống dịch tuyến đầu tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện chỉ thị 16.
Bình luận (0)