Ghé thăm Xí nghiệp (XN) in Nguyễn Minh Hoàng những ngày đầu tháng 8, ấn tượng để lại trong tôi là tinh thần làm việc phấn chấn của tập thể công nhân (CN). Thuyết phục hơn cả là hình ảnh một người phụ nữ đứng tuổi với tác phong nhanh nhẹn, tận tình hướng dẫn CN thao tác. Chị là Huỳnh Thị Danh, cán bộ tổ thành phẩm - 1 trong 15 cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay.
Làm sách bìa cứng gáy tròn bằng ống nước
Do gia cảnh khó khăn, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Danh xin vào làm văn phòng ở XN in Nguyễn Minh Hoàng. Những lúc rảnh rỗi, chị thường xuống xưởng xem CN làm việc, riết rồi đâm “ghiền”. Xin chuyển qua làm CN và được lãnh đạo XN đồng ý, chị mừng khấp khởi. 32 năm gắn bó với XN, dù không được đào tạo bài bản nhưng với bề dày kinh nghiệm, chị luôn là nhân tố nổi bật ở đơn vị.
Nhắc đến chị Danh, anh em CN rất quý trọng bởi chị luôn toàn tâm toàn ý cho công việc, vì lợi ích chung của tập thể. Sáng kiến độc đáo nhất của chị mà khi nhắc đến mọi người đều đánh giá cao nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm ở chị là “Làm sách bìa cứng gáy tròn bằng ống nước”. Tổ thành phẩm nơi chị làm việc chuyên thực hiện các công đoạn sau in để hoàn chỉnh sản phẩm. Một trong những sản phẩm XN thường sản xuất là ấn phẩm bìa cứng gáy tròn. Khi làm bìa cứng gáy tròn bằng búa, 7 người làm 1 ngày tối đa chưa đến 500 quyển. Có những loại giấy xốp, CN dùng búa đập liên tục mất nhiều sức nhưng vẫn không đạt năng suất. Trong quá trình đập, quyển nào bị sút chỉ phải bỏ, không thể thành phẩm được, gây lãng phí. Và trước khi đập gáy, khâu ép sách phải dùng keo PE để định hình, tốn khoảng 5 kg keo cho 1.000 quyển loại dày trên 800 trang (khoảng trên 500.000 đồng/5 kg keo). Cách đây 2 năm, khi khách hàng đặt làm hàng chục ngàn đầu sách tương tự, XN chịu áp lực không nhỏ về tiến độ. Sau nhiều đêm trăn trở, chị Huỳnh Thị Danh đã nảy ra ý tưởng làm bìa sách gáy tròn bằng ống nước. Tùy theo độ dày, mỏng của mỗi ấn phẩm, chị chọn loại ống nước có đường kính phù hợp (đặt cố định trên một đế gỗ) để định hình. Sau các công đoạn như may chỉ, ép, cắt thành phẩm, CN cứ việc đưa ruột sách vào ống nước thao tác, không cần định hình bằng keo PE như trước. Với sáng kiến độc đáo này của chị, chỉ cần 5 CN có thể làm trên 1.000 quyển/ngày, không bị đứt chỉ, không tốn keo PE định hình mà thành phẩm vẫn đạt kỹ - mỹ thuật. Sáng kiến này có giá trị làm lợi trên 10 triệu đồng/năm, không chỉ giúp định hình gáy sách nhanh hơn mà còn tiết kiệm công lao động của CN và giảm tiêu hao nguyên liệu cho XN.
Điều khiến chị Danh được tập thể yêu mến là luôn dành trọn tâm huyết để đào tạo nghề cho lớp thợ trẻ. Chị chia sẻ: “Tre già thì măng mọc, do vậy tôi coi việc hướng dẫn tay nghề cho thợ trẻ là cách hun đúc lửa nghề”. Đã có 33 CN vận hành máy may chỉ, máy đóng kim, máy dán hộp được chị huấn luyện trong thời gian qua. Nhận xét về chị, CN Nguyễn Tấn Thịnh bộc bạch: “Tận tâm với công việc và biết cách truyền lửa nghề cho anh em CN, chị Danh thực sự là tấm gương cho lớp trẻ”. Bà Huỳnh Thị Kim Quyên, Chủ tịch CĐ cơ sở, không giấu được tự hào khi nói về chị: “Không ngừng sáng tạo để giúp CN tiết kiệm sức và tăng năng suất, góp phần làm lợi cho XN, chị Danh xứng đáng là hình mẫu của sự tận tụy”.
Nắp đan chống mất cắp
Một gương mặt nổi bật khác của Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm nay là anh Phan Xuân Vinh, CN duy tu hệ thống thoát nước Công ty TNHH MTV Dịch vụ công ích quận 5. Gắn bó với công ty được 14 năm, bình quân mỗi năm anh cho ra lò 1 sáng kiến. Chia sẻ về điều này, anh Vinh cho rằng: “Cái gì có lợi cho cộng đồng, cho tập thể thì tôi cố gắng làm hết sức”.
Sáng kiến “Bảo vệ khuôn nắp hầm ga bằng sắt” do anh thực hiện trong năm 2010 để lại dấu ấn đặc biệt hơn cả. Nhắc lại sáng kiến này, nét mặt anh rạng ngời hạnh phúc. Anh cho biết những năm 2008-2010, tình trạng mất cắp nắp đan hầm ga bằng sắt diễn ra khá phổ biến trên địa bàn TP. Lo ngại nguy hiểm an toàn tính mạng và tài sản của người đi đường, anh hạ quyết tâm phải cải thiện tình hình. Mày mò trong thời gian ngắn, anh đã chế tạo khóa nắp đan bằng bu-lông chìm. Sáng kiến của anh đã ngăn chặn kẻ gian bởi muốn mở nắp đan thì phải có dụng cụ đặc biệt. Tình trạng mất cắp nắp đan từ đó giảm hẳn.
Hiện trên địa bàn TP HCM, hầu hết các khuôn nắp hầm ga bằng sắt khi sản xuất mới đều áp dụng sáng kiến này. Giá trị làm lợi tuy nhỏ (khoảng 17 triệu đồng) nhưng đóng góp không ít vào lợi ích chung.
GÓC NHÌN
Niềm tự hào của người thợ
“Bước sang tuổi 15, Giải thưởng Tôn Đức Thắng tiếp tục khẳng định tầm vóc của một giải thưởng có uy tín trong cả nước. Những cá nhân xuất sắc được tôn vinh là hình mẫu của tinh thần dấn thân, hết lòng với doanh nghiệp và tập thể lao động, xứng đáng đại diện cho hình ảnh của một lớp CNVC-LĐ TP HCM năng động, sáng tạo”. Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, đã khẳng định như vậy về giá trị giải thưởng mang tên Bác Tôn.
Được LĐLĐ TP và Báo Sài Gòn Giải Phóng khởi xướng từ năm 2000, giải thưởng mang tên người thợ cả Tôn Đức Thắng đã tạo cú hích mạnh mẽ cho phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo trong CNVC-LĐ TP, một điển hình trong phong trào thi đua yêu nước của cả nước. Xuyên suốt 15 năm hình thành và phát triển, giải thưởng đã kịp thời phát hiện, tôn vinh những nhân tố tích cực trong phong trào thi đua lao động sáng tạo. Những kỹ sư, công nhân điển hình được vinh danh thực sự là những tấm gương về sự tận tụy, lòng yêu nghề, sáng tạo không ngừng, đặc biệt là luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm với lớp thợ đi sau. Ở họ, đồng nghiệp không khó nhận thấy nỗ lực tự thân, khát khao cống hiến để vươn tới đỉnh cao nghề nghiệp. Đam mê sáng tạo, lòng yêu nghề và bản lĩnh được trui rèn trong khó khăn đã giúp họ trở thành niềm cảm hứng của tập thể, là tấm gương cho thợ trẻ noi theo. Mỗi một công trình, sáng kiến của họ không chỉ để lại dấu ấn của tinh thần lăn xả với nghề mà còn là minh chứng hùng hồn cho cái tâm trong sáng, hết lòng vì lợi ích chung của tập thể, của cộng đồng.
Thông qua những công trình, sáng kiến hữu ích có giá trị cao được ứng dụng trong thực tiễn, những tấm gương điển hình đã giúp doanh nghiệp nhận thức đầy đủ ý nghĩa tích cực mà phong trào thi đua yêu nước mang lại, từ đó xác định rõ hơn trách nhiệm trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho người lao động nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn và tay nghề, làm nền tảng vững chắc cho quá trình hội nhập. “Giải thưởng Tôn Đức Thắng khiến người thợ tự hào hơn về thành quả mà mình đã đạt được, từ đó đóng góp công sức, trí tuệ nhiều hơn cho đơn vị, góp phần ổn định sản xuất - kinh doanh và bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cho người lao động” - kỹ sư Đặng Quế Hùng, Giám đốc XN Cơ khí ô tô chuyên dùng An Lạc (Tổng Công ty SAMCO), bộc bạch.
An Khánh
Bình luận (0)