Hiện nay, chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào công việc không phải là câu chuyện của riêng doanh nghiệp, mà còn của người lao động (NLĐ). Tốc độ phát triển chóng mặt của công nghệ cũng như sức ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp và NLĐ nhận thức được sâu sắc tầm quan trọng của chuyển đổi số trong kỷ nguyên 4.0. Chưa bao giờ nhu cầu nguồn nhân lực làm việc trong chuyển đổi số và phát triển công nghệ mới lại lớn như hiện nay.
Công nghệ chiếm ưu thế
Trước ngưỡng cửa chọn nghề để theo học, việc chọn ngành nghề nào để phù hợp với tình hình mới luôn làm khó cả người học và phụ huynh.
Bà Lê Thị Anh Trâm (46 tuổi; ngụ Gò Vấp, TP HCM), mẹ của một học sinh sắp tốt nghiệp THPT, cho biết từ mấy tháng nay, cả nhà rất khó khăn trong việc chọn ngành học cho con gái. Con gái bà rất thích ngành du lịch bởi từ bé cháu được gia đình đưa đi chơi nhiều nơi nên từ năm lớp 6 đã quyết tâm trở thành hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp. "Khi dịch bùng phát, ngành du lịch coi như phá sản. Tôi nói với cháu có thể vài năm nữa, khi con học ra trường thì dịch đã bị đẩy lùi nên ngành này sẽ phát triển mạnh. Tuy nhiên, cháu chủ động nói với tôi là ngành du lịch khá rủi ro nên có thể sẽ chọn ngành luật kinh tế để theo học. Chúng tôi thì khuyên nên theo học lập trình bởi cháu rất giỏi tiếng Anh và khả năng tin học rất tốt nhưng cháu không chọn" - bà Trâm nói.
Người lao động cần tìm hiểu kỹ về ngành nghề theo học để bảo đảm việc làm trong tương lai
Theo ông Nguyễn Đỗ Tùng, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Đào tạo Kỹ năng Hành nghề Việt Nam (VESTCO), bà Trâm cũng như các phụ huynh có con chuẩn bị tốt nghiệp THPT đều rơi vào thế khó khi định hướng nghề nghiệp cho con em họ. Đa phần muốn hướng con họ học công nghệ hay những ngành đang "hot" nhất trên thị trường việc làm. Quả thật như vậy, kỷ nguyên 4.0 đã và đang thay đổi toàn diện cuộc sống xã hội. Gần như tất cả các ngành nghề trong xã hội đều có sự góp mặt của công nghệ và phần lớn NLĐ đều làm việc thông qua các công cụ công nghệ. Hay nói cách khác, công nghệ đang hằng ngày thay đổi từng góc nhỏ của cuộc sống và không ai có thể đứng ngoài sự thay đổi này. Vì thế, chưa bao giờ nhu cầu nguồn nhân lực làm việc trong chuyển đổi và phát triển công nghệ mới lại lớn như hiện nay. "Hàng loạt công việc mới được sinh ra bên cạnh nhiều việc cũ tự biến mất. Điều đó khiến hàng triệu NLĐ phải chuyển đổi việc làm hoặc chịu cảnh thất nghiệp. Một cuộc cách mạng thực sự trong lĩnh vực lao động gây ra nhiều khủng hoảng và cũng tạo ra nhiều cơ hội mới. Trong đó, những tổ chức, cá nhân nào có khả năng thích ứng cao, tốc độ nắm bắt cơ hội mới tốt là những người giành thắng lợi" - ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Tùng, bức tranh nghề nghiệp năm 2021 trở đi sẽ liên quan mật thiết nhiều đến chuyển đổi số, kinh tế số, phát triển dịch vụ số.... Vì thế, những ngành nghề liên quan đến công nghệ sẽ bùng nổ. Còn những ngành không liên quan đến công nghệ thì người học vẫn phải rành công nghệ, sử dụng được ngoại ngữ thì mới có cơ hội cạnh tranh được vị trí việc làm tốt.
Thay đổi để thích nghi
Ông Trần Mạnh Thái, Trưởng Phòng Tuyển sinh Trường Đại học Văn Hiến, cho biết khi tư vấn về ngành du lịch khách sạn đã chia sẻ Covid-19 ảnh hưởng lớn đến các ngành quản trị khách sạn, du lịch... Dù vậy, người học nên nhìn nhận lạc quan hơn vì Covid-19 có thể sớm được kiểm soát khi vắc-xin đang được triển khai trên diện rộng. "Học bất cứ một ngành nào cũng vậy, ngoài kiến thức, điều cần thiết hiện nay là người học cần bổ sung kỹ năng mềm, kỹ năng số. Đặc biệt là khả năng thích ứng với các tình huống tác động khách quan để có thể nhanh chóng chuyển đổi phương thức làm việc" - ông Thái nói.
Ông Thái cho rằng với bối cảnh hiện nay, các ngành kỹ thuật, công nghệ đang được thí sinh quan tâm hơn. Nhưng khi khối ngành kinh tế đang ứng dụng công nghệ 4.0 mạnh mẽ vẫn là lĩnh vực có tiềm năng thu hút nhân lực trong tương lai. Những ngành nghề bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch cũng có thể quay lại và phát triển mạnh hơn, khi đó nhu cầu nhân lực sẽ rất lớn. Không chỉ sẵn sàng đón nhận cơ hội mới mà NLĐ cũng sẵn sàng thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Kết quả từ báo cáo do PwC Việt Nam thực hiện cho thấy có tới 93% người được hỏi cho biết họ đã và đang học các kỹ năng mới để hiểu rõ hơn hoặc sử dụng công nghệ tốt hơn. Các kỹ năng liên quan tới kỹ thuật số được chú trọng, với 43% người tham gia khảo sát chia sẻ nguyện vọng trở nên thành thạo hơn trong việc học, tiếp thu các công nghệ mới và 34% muốn phát triển kỹ năng chuyên sâu hơn với một công nghệ cụ thể.
"Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các tổ chức giáo dục và Chính phủ cần hợp tác để nâng cao kỹ năng số cho lực lượng lao động nhằm đáp ứng những nhu cầu về nhân lực trong tương lai và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội bền vững và bao trùm cho Việt Nam".
Bà ĐINH THỊ QUỲNH VÂN, Tổng Giám đốc PwC Việt Nam
Bình luận (0)