Chính do không có thời gian cho riêng mình, nên hàng ngàn công nhân (CN) nữ ngót tứ tuần đang phải gặm nhấm nỗi cô đơn, hàng chục ngàn đứa trẻ không nhận được sự quan tâm từ cha mẹ...
Cuộc sống đơn điệu, nhàm chán
Hiện nay, các KCN, KCX mọc lên ngày càng nhiều, được đầu tư qui mô, nhưng chỉ chú trọng đầu tư cho sản xuất, dây chuyền mà ít dành không gian cho các hoạt động tinh thần của CN. Do vậy các bãi cỏ, bãi đất trống quanh các KCN, KCX vô tình trở thành địa điểm vui chơi giải trí của họ. Và, bên cạnh giải trí lành mạnh, những bãi đất trống cỏ mọc rậm rạp này vô tình trở thành bãi đáp lý tưởng cho các loại tệ nạn, sinh hoạt thiếu lành mạnh.
Những ngày tiếp xúc với CN, chứng kiến cuộc mưu sinh của họ, điều chúng tôi thấy rõ nhất là cuộc sống của hàng chục ngàn công nhân quá đơn điệu, nhàm chán, giống như một cỗ máy. Ngày nào cũng vậy, chỉ có đi làm - ăn - ngủ và… đi làm. Như lời của nhiều nữ CN thì cuộc sống của họ gắn liền với 3 cái "không" là không tiền, không tình, không vui chơi giải trí.
"Phân xưởng em có hơn 30 bạn nữ quê Quảng Nam, Hà Tĩnh, vào đây làm cũng 5, 6 năm. Vậy nhưng tụi em chưa một lần đi chơi Suối Tiên, Đầm Sen, chưa lên Sài Gòn. Ngày nào như ngày nấy: sáng sớm đi làm, tối về nấu ăn, xong xuôi mọi việc là 9 - 10 giờ đêm, nếu chưa buồn ngủ thì cũng tắt đèn đi nằm cho đỡ tốn điện. Sáng hôm sau lại dậy sớm đi làm. Ngày chủ nhật nếu không tăng ca thì ở cũng ở nhà chứ không dám đi chơi, vừa đỡ tốn tiền vừa có thời gian nghỉ lấy sức ngày mai "chiến đấu". Ngay cả xem tivi, nghe nhạc, đọc báo còn không có thời gian...", chị Thu Huyền, quê Nghệ An, CN KCX Linh Xuân, TP HCM - thật thà.
Nhóm nữ công nhân tổ chức sinh nhật ở nhà hàng “ngàn sao”
"Hồi đó nhóm bạn nữ học cùng em lên TP xin việc có 7 người, làm cùng ngày, cùng chỗ. Tụi em cứ cắm mặt làm không để ý ngày tháng trôi qua, tuổi cứ lớn dần. Đến khi giật mình nhìn lại thì đã 26 - 27 tuổi mà chẳng đứa nào có bạn trai. Hiện trong nhóm đã 5 người về quê. Chỉ có em và một cô bạn nữa trong nhóm có chồng, có con, nhưng đều "đứt gánh giữa đường". Em may mắn hơn, vì có đứa con. Nhiều chị em có con nhưng chịu bao điều tiếng thị phi...", chị Yến, một nữ CN tâm sự.
Con trẻ khổ lây
Buổi chiều muộn, chúng tôi tìm đến một điểm giữ trẻ ở phường An Bình, TX Dĩ An (Bình Dương). Vừa thấy tôi, bà chủ điểm giữ trẻ tên Sáu hỏi: "Gửi con hả chú?". Tôi gật đầu và quan sát, điểm giữ trẻ là một căn phòng trọ rộng khoảng 20m2. Bên trong có vài đồ chơi, 2 cái ghế chắn ngang toilet. Các vật dụng nấu ăn được để trên cái kệ ngay phía dưới 5 đứa trẻ đang nô đùa.
"Tôi giữ trẻ hơn chục năm nay rồi, có nhiều kinh nghiệm, chú cứ yên tâm. Trước đây, từ Cần Thơ lên giữ cháu cho con, sau có thêm vài đứa trẻ là con công nhân gửi, thế là tôi thuê hẳn cho một phòng trọ để vừa ở, vừa giữ trẻ", bà vô tư khoe. "Bao nhiêu tiền một tháng cô?", tôi hỏi. Bà cho biết, nếu gửi ban ngày 8 tiếng là 1 triệu đồng/tháng, còn nếu con làm tăng ca gửi tối đến lúc đón về thì cô lấy 1,4 triệu đồng/tháng. Tôi nhẩm tính, 1 triệu cho một đứa trẻ dưới 2 tuổi, cả tiền ăn cũng không cao, nhưng điều đáng nói là nơi giữ trẻ của bà Sáu rất tạm bợ. "Coi vậy chứ xưa nay chưa có ai phàn nàn chuyện chăm sóc các cháu chưa tốt. Tôi chỉ giữ số cháu vừa sức chăm của mình, không tham. Dù chỉ là cá nhân, nhưng công nhân ở đây biết rõ, tôi thương trẻ như con mình, đứa nào cũng vậy", bà nói.
Sau giờ làm việc, công nhân chỉ quanh quẩn nhà trọ
Chỉ tính riêng ở TP HCM, hiện có hơn 300.000 CN làm việc tại 13 KCN, KCX và khu công nghệ cao, trong đó đa phần là lao động nhập cư, và hơn 60% là nữ. Khi lập gia đình, sinh con, những cặp vợ chồng trẻ phải đối mặt với việc nuôi dạy con, chi phí nuôi con, phí gởi con nhà trẻ. Rất nhiều chị em nữ sinh con xong phải nghỉ làm, hoặc gởi con về quê, hoặc rước ông bà ở quê lên trông con. Người mẹ nghỉ làm thì thu nhập giảm đi phân nửa trong khi miệng ăn tăng lên, khó khăn chồng chất. "Hai vợ chồng tôi thu nhập hơn 3 triệu đồng/tháng/người. Sinh cháu đầu lòng rơi vào cảnh túng quẫn, thiếu trước hụt sau. Vừa vay nợ bạn bè, vừa vay lãi cắt cổ hơn 1 năm thì không gượng nổi nên đành gửi con về quê nhờ ông bà chăm hộ. Mỗi tháng chỉ gửi về phụ giúp ông bà được vài trăm ngàn. Thỉnh thoảng về thăm thấy cháu lăn lóc, vạ vật, người lem luốc bùn đất ngoài vườn, không cầm lòng được. Nhưng biết làm sao, nghỉ làm thì đói, cho con ở cùng thì không có nhà trẻ, gửi cho tư nhân lại không yên tâm", chị Đặng Thị Liên, quê Măng Thít, Vĩnh Long, làm ở công ty S. cho biết.
Sau vụ hành hạ trẻ em ở TP Biên Hòa, Đồng Nai bị phát hiện, thì việc giữ trẻ tại gia bị kiểm soát gắt gao hơn, số hộ gia đình giữ trẻ giảm đi nhiều. Bên cạnh đó, không ít gia đình có con nhỏ sợ con mình bị đối xử tệ nên không dám gửi con cho tư nhân. Vì vậy, không ít CN có thâm niên làm việc, có tay nghề cao cũng đành nghỉ việc ở nhà trông con.
Bình luận (0)