Trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp (DN) phải tạm đóng cửa hoặc ngưng hoạt động. Tuy nhiên, một số DN vẫn hoạt động theo phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến" nhằm duy trì chuỗi cung ứng, giữ việc làm cho người lao động (NLĐ). Mới đây, LĐLĐ TP Thủ Đức đã đến thăm, động viên hơn 1.000 đoàn viên, NLĐ ở 21 Công đoàn cơ sở đang thực hiện mục tiêu kép - vừa sản xuất vừa chống dịch.
Động viên kịp thời
Trong quá trình vận hành phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường, 2 điểm đến", rất nhiều DN gặp khó khăn khi giải quyết chỗ ăn, nghỉ cho NLĐ. Việc tổ chức bữa ăn hằng ngày cho NLĐ cũng phải được tính toán kỹ sao cho bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Về phía NLĐ, áp lực việc làm, thu nhập, bảo đảm an toàn phòng dịch luôn đè nặng và trăn trở lớn nhất vẫn là nỗi lo lắng cho người thân ở nhà.
Ông Nguyễn Văn Đăng - Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức, TP HCM (bìa phải) - tặng quà cho công nhân Công ty TNHH New Edge đang thực hiện “3 tại chỗ” .Ảnh: HỒNG ĐÀO
Là đơn vị có hơn 200 lao động đang thực hiện "3 tại chỗ", bà Phan Thị Hoa, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Gas Thủ Đức, cho biết: "Ngoài nỗi nhớ gia đình, NLĐ còn lạ nơi ăn chốn ở, do vậy để động viên, ban giám đốc công ty và Công đoàn cơ sở đã phải nỗ lực rất nhiều. Bên cạnh hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, mỗi cán bộ Công đoàn còn kiêm luôn việc chuẩn bị bữa ăn hằng ngày và kiểm tra sức khỏe cho NLĐ". Tính đến thời điểm hiện tại, TP Thủ Đức có 79 DN với gần 4.000 NLĐ thực hiện "3 tại chỗ"; có 3 DN thực hiện "1 cung đường, 2 điểm đến" với 42 NLĐ. Qua khảo sát, dù gặp rất nhiều khó khăn do chi phí đội lên song các DN vẫn bảo đảm các quy định về phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là ổn định việc làm và thu nhập cho NLĐ. Nhiều DN còn đầu tư mua sắm thiết bị tập luyện thể thao, lắp đặt wifi để NLĐ giải trí sau giờ làm việc. "Bên cạnh việc tổ chức các đoàn đến thăm, động viên DN và NLĐ thực hiện "3 tại chỗ", chúng tôi đang thiết kế các hoạt động chăm lo phù hợp nhằm chia sẻ khó khăn với NLĐ và đồng hành với DN" - ông Nguyễn Văn Đăng, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP Thủ Đức, cho biết thêm.
Đoàn công tác của LĐLĐ quận 3 cũng vừa đến thăm, động viên NLĐ ở các DN "3 tại chỗ" trên địa bàn. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, từ ngày 1-6, Công ty TNHH Simatai Việt Nam (100% vốn nước ngoài, chuyên lập trình máy tính) đã triển khai phương án "3 tại chỗ" với 40 lao động làm việc. Bà Lê Ngô Việt Anh, quản lý công ty, thông tin: "Để bảo đảm hợp đồng đã ký với đối tác cũng như các quy định về phòng dịch, công ty phải thuê khách sạn cho NLĐ ở. Công ty cũng hỗ trợ tiền ăn, phụ cấp và chi phí test Covid-19 cho NLĐ mỗi tuần/lần. Qua 3 tháng thực hiện "3 tại chỗ", hoạt động của DN rất ổn, NLĐ có chút nhớ nhà. Vì thế, khi được các anh chị LĐLĐ quận 3 đến thăm, động viên họ rất vui".
Lo bữa ăn, giấc ngủ cho công nhân
LĐLĐ quận Bình Thạnh vừa đến thăm tập thể lao động tại Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh (Gilimex) - một trong những DN đang thực hiện "3 tại chỗ". Xác định từ đầu là làm việc theo phương án "3 tại chỗ", ban giám đốc công ty đã động viên tinh thần anh em phải "chiến đấu" lâu dài đến lúc dịch bệnh được kiểm soát. Tạm gác lại nỗi nhớ nhà, nhớ con, sự lo lắng dịch bệnh xâm nhập, tất cả NLĐ quyết tâm cao hơn mỗi ngày.
Trước đó, toàn bộ NLĐ công ty được test Covid-19, sau khi có kết quả âm tính mới được sắp xếp làm việc. Chưa dừng lại ở đó, để ngăn ngừa rủi ro, ban giám đốc và Công đoàn cơ sở cũng chuẩn bị sẵn đồ dùng cá nhân như mùng, chiếu, đệm, xô, chậu, bột giặt... bố trí thêm nhà vệ sinh công cộng và máy uống nước nóng lạnh cho NLĐ. Công ty đã ký hợp đồng với một đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp có uy tín để chăm lo 3 bữa ăn/ngày, thường xuyên thay đổi thực đơn để bảo đảm sức khỏe cho NLĐ. Công ty còn mở lối đi riêng, người đến giao hàng phải có kết quả âm tính trong 3 ngày gần nhất. Mỗi tuần, công ty đều liên hệ với cơ quan y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm cho khoảng 100% công nhân (CN); tăng cường tuyên truyền trên hệ thống loa nội bộ, vận động CN thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch. Ông Đào Sĩ Trung, Chủ tịch Công đoàn công ty, thông tin là ngoài chăm lo 3 bữa ăn chính mỗi ngày, công ty còn bổ sung sữa, vitamin C nhằm tăng sức đề kháng cho NLĐ. Ngoài ra, để giúp NLĐ xả stress sau giờ làm việc, ban giám đốc cũng tổ chức xem phim theo nhóm nhỏ, giao lưu văn nghệ, đồng thời khuyến khích rèn luyện thể chất. Dù phải để đứa con 3 tuổi ở nhà cho chồng chăm sóc nhưng chị Nguyễn Thị Phượng Mai (quê Kiên Giang) rất an tâm. Chị cho biết: "Trong đây, tất thảy NLĐ được ban giám đốc và Công đoàn chăm lo rất chu đáo. Tối nào tôi cũng điện thoại về cho bé. Tuy được bố chăm sóc rất tốt nhưng con bé cũng nhớ mẹ lắm. Vì việc làm, tôi phải cố gắng dồn nén nỗi nhớ con, chỉ mong dịch bệnh qua nhanh để gia đình được đoàn tụ".
Tập trung chăm lo cho công nhân khó khăn
LĐLĐ TP HCM vừa triển khai kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện các giải pháp cấp bách, phát huy sức mạnh toàn dân tham gia phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.
Theo đó, LĐLĐ thành phố yêu cầu các cấp Công đoàn vận động đoàn viên, NLĐ thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần nâng cao triệt để bảo đảm giãn cách "giữa cá nhân với cá nhân", "gia đình với gia đình", "ai ở đâu thì ở yên đó", không di chuyển khỏi nơi cư trú, thực hiện "5K + vắc-xin" và ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng chống dịch Covid-19.
Bên cạnh đó, các cấp Công đoàn thành phố tập trung công tác chăm lo, hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, CNVC-LĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thông qua các gói hỗ trợ của Chính phủ, Tổng LĐLĐ Việt Nam, HĐND thành phố và LĐLĐ thành phố.
Đồng thời, nắm bắt tình hình sinh hoạt, nhu cầu của đoàn viên, NLĐ trên địa bàn, nhất là các khu nhà trọ, từ đó phối hợp với đoàn thể, đơn vị kịp thời chăm lo nhu yếu phẩm, túi an sinh xã hội; vận động chủ nhà trọ miễn giảm tiền thuê phòng cho CN khó khăn để họ yên tâm ở lại nơi cư trú trong thời gian thực hiện giãn cách.
N.Hà
Bình luận (0)