"Tết trong này thật sự rất buồn, đi thăm bạn bè thì khuây khỏa nhưng về đến nhà, ngồi giữa bốn bức tường phòng trọ thì buồn lắm, không biết phải làm gì trong khi xung quanh người ta đã về quê hết. Nhớ nhà lắm!". Đó là chia sẻ của Anh Phạm Kỳ Sơn, quê Thanh Hóa. Đây là năm thứ 3 gia đình anh không về quê.
Ăn còn không đủ, tiền đâu mà về?
Anh Sơn đang làm việc tại một công ty sản xuất gỗ. Cuối năm, công ty ít việc nhưng họ không ép nhân viên phải nghỉ việc. Đã 10 năm gắn bó nên hiểu được tình hình, anh Sơn chủ động nghỉ không hưởng lương những ngày không có hàng hóa để giảm bớt gánh nặng cho công ty, do đó, lương của anh chỉ được 5,2 triệu/tháng.
Vợ anh Sơn cũng vừa đi làm được vài tháng sau khi sinh con thứ 2. "Tiền đi học của 2 bé đã hết 4 triệu, tiền ăn nhiều khi còn không đủ, lấy gì về quê, có tháng phải gọi về nhà nhờ gửi tiền vô phụ nuôi." - anh Sơn buồn bã nói. Chồng Thanh Hóa, vợ Nghệ An, mỗi khi về Tết thì tiện thể về thăm cả hai bên nội – ngoại, chi phí cho một lần như vậy khá cao. "Sang năm, nếu công việc ổn định, vợ cũng đã đi làm, tôi ráng để dành Tết năm tới đưa hai đứa nhỏ về cho ông bà ôm bằng tay, hun bằng mũi chứ không nựng qua màn hình điện thoại nữa." – anh xoa đầu con gái.
Ông Lê Minh Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận 9, TP HCM trao quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn.
Quê vợ chồng Chị Trần Thị Viên (giáo viên trường mẫu giáo K.Đàm) thì ở tận Hưng Yên. Chị cho biết 3 năm trước, con gái thứ 2 mới được gần 1 tuổi thì chồng bị tai nạn lao động dẫn đến gãy đốt sống lưng. Không tiền, không ai chăm con nên việc đưa chồng đi tập vật lý trị liệu với chị là quá sức. Tuy nhiên, với lòng yêu vợ thương con, bằng nỗ lực bản thân, chồng chị đã tự tập luyện theo hướng dẫn của một người quen và hồi phục ngoài sức tưởng tượng của chị và gia đình hai bên. Hiện chồng chị Viên đang làm tài xế cho một công ty tư nhân. Tổng thu nhập của vợ chồng chị Viên chỉ vỏn vẹn 9 triệu đồng/tháng nhưng phải chi tiêu sinh hoạt cho cả gia đình 4 người gồm 2 vợ chồng, 2 con gái 14 tuổi và 4 tuổi là "rất khó khăn". Vừa trò chuyện, tôi nhìn thấy cổ chị to bất thường, hỏi ra mới biết chị phát hiện bướu đã 4 năm, bác sĩ chỉ định mổ nhưng do không có tiền và con còn quá nhỏ nên "Để một hai năm nữa, dành dụm và con lớn mới đi mổ, chắc cũng không sao." – chị nói.
Người lao động tham gia chương trình"Tết sum vầy" do LĐLĐ quận 2, TP HCM tổ chức
Sum vầy nơi đất khách
27 Tết, để tiết kiệm thời gian, một bộ phận người lao động về ngay sau giờ tan ca, một số khác tranh thủ mua sắm ít đồ để chuẩn bị hành lý cho hôm sau về sum họp cùng gia đình. Tuy nhiên, công nhân thu gom rác sẽ làm tận tối 30 Tết; chỉ nghỉ ngày mùng 1, mùng 2: "Tết cũng như ngày thường thôi, tôi ở Tiền Giang, vợ ở Bến Tre; có xa xôi gì đâu mà cũng mười mấy năm rồi không về quê. Ngày thường muốn nghỉ còn khó, huống hồ gì mấy ngày Tết." – đó là chia sẻ của anh Nguyễn Lâm Sơn, công nhân Hợp tác xã vệ sinh môi trường Liên Minh, quận Thủ Đức, TP HCM.
Anh Sơn cho biết vợ chồng anh được chủ đường dây rác giao 2 xe với tiền lương gần 14 triệu nhưng với các khoản chi: đổ xăng, thay nhớt xe, ăn uống dọc đường, gửi về quê 5 triệu/tháng cho 2 con đi học…chưa kể những lúc xe bị hư thì gần như số tiền đó không đủ, chủ yếu là tích cóp từ tiền bán ve chai nhưng cũng không được bao nhiêu do năm nay ve chai rất rẻ.
Anh Nguyễn Lâm Sơn và vợ, công nhân Hợp tác xã vệ sinh môi trường Liên Minh (người thứ nhất và thứ 2, hàng thứ 2 từ trái qua) nhận quà từ LĐLĐ quận Thủ Đức, TP HCM
"Vì là nghề đặc thù nên đâu có nghỉ ngày nào được, tồn rác là bị phản ánh liền. Nếu có việc gấp, bắt buộc nghỉ thì phải thuê người đi làm thế nhưng lương trả cho người ta gấp 2-3 lần, ví dụ làm ngày 200.000 đồng thì phải trả 500 – 600.000 đồng người ta mới chịu làm, đó là ngày thường, Tết thì phải cao hơn nhiều. 2 vợ chồng tôi làm cùng 1 xe rác thì phải chọn ra 1 người nghỉ, 1 người làm để chỉ đường chứ nghỉ hết, người được thuê sẽ không biết rác ở đâu mà gom. Bởi vậy, khi nào ở quê có đám tang người thân hay cưới hỏi con cháu mới về thôi." – anh Sơn chia sẻ thêm về công việc.
"Hai đứa con nay cũng lớn, đứa lớp 12, đứa lớp 10, học cũng khá lắm. Mùng 1, mùng 2 tụi nhỏ sẽ lên chơi. Vợ tôi có mua sẵn mứt rồi, giờ chỉ còn nấu nồi thịt kho tàu, hầm vài trái khổ qua nữa là nhà tôi ăn Tết lớn luôn. " – anh Sơn quay sang nhìn vợ cười thật tươi. Nụ cười hạnh phúc, chờ mong ngày sum họp gia đình nơi đất khách.
Cùng quê Bến Tre với anh Sơn, chị Nguyễn Thị Yến Linh, công nhân công ty Nidec Servo, khu Công nghệ cao, quận 9, TP HCM cũng ăn Tết Sài Gòn. Chị Linh đang mang thai tháng thứ 6. Chồng chị bị tai nạn lao động cách đây 10 năm dẫn đến gãy cột sống do đó chỉ quanh quẩn trong nhà hoặc làm những công việc nhẹ nhàng. Tất cả các chi phí đều phụ thuộc vào tiền lương của chị. Đang mang thai nên ngoài các khoản chi cố định hàng tháng, chị còn phải chi thêm tiền mua sữa bầu, khám thai, bổ sung khẩu phần ăn sau khi ăn cơm tại công ty...Do đó, chi phí sinh hoạt tăng lên đáng kể khiến cuộc sống khó khăn hơn. Từ TP HCM về đến nhà chỉ 160km, nhưng Tết này chị Linh cũng không về quê vì sợ tốn tiền: "Bầu bì đi lại cực khổ lắm, với lại cũng có mấy anh, chị bà con ở lại trên này, Tết đi vòng vòng mấy nhà đó chơi cũng vui. Về quê phải chi nhiều tiền lắm! Gửi chút ít về cho ông, bà mua sắm Tết và lì xì cho mấy đứa cháu, còn phải để dành sinh con nữa." – chị Linh tâm sự.
Để chia sẻ khó khăn với người lao động, LĐLĐ các quận, huyện trên địa bàn TP HCM còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, chăm lo có công đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện về quê ăn Tết:
Ông Nguyễn Văn Phương - phó chủ tịch LĐLĐ quận Thủ Đức, TPHCM và CĐ cơ sở đến thăm hỏi, trợ cấp đột xuất cho trường hợp anh Nguyễn Văn Thông (Lao động khuyết tật) ĐVCĐ, CNLĐ tại Công ty TNHH Year 2000 bị tai nạn giao thông chấn thương sọ não (trợ cấp 2.000.000 đồng)
Bà Huỳnh Thị Ngọc Liên, Trưởng Ban nữ công, LĐLĐ TP HCM tặng quà cho CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn trong chương trình "Tết sum vầy" do LĐLĐ quận 9, TP HCM tổ chức.
Hội thi gói bánh tét tại LĐLĐ quận 9, TP HCM diễn ra sôi nổi với 50 đội tham dự. Toàn bộ số bánh tét sẽ được trao cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các khu nhà trọ có tổ công nhân tự quản của 13 phường trên địa bàn quận.
Tất cả nữ tham gia chương trình "Tết sum vầy" tại LĐLĐ quận 2, TP HCM đều được nhận hoa từ ban tổ chức.
Bình luận (0)