Ghé thăm nhà ăn Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân, TP HCM), chúng tôi rất ấn tượng với cách thức tổ chức bữa ăn giữa ca cho người lao động (NLĐ) tại doanh nghiệp (DN) này. Khuôn viên nhà ăn rất sạch sẽ, thoáng mát, đặc biệt là suất ăn luôn nóng hổi. Trò chuyện với chúng tôi, nhiều công nhân (CN) cho biết hài lòng với bữa ăn trưa tại DN.
An toàn, dinh dưỡng
Bà Ngô Thị Mỹ Kha, Phó Chủ tịch Công đoàn công ty, thông tin là DN đang sử dụng khoảng 2.600 lao động. Trước năm 2018, công ty ký hợp đồng với một nhà thầu chuyên cung cấp suất ăn công nghiệp, giá mỗi suất ăn là 16.500 đồng. Do CN thường xuyên phàn nàn về chất lượng suất ăn nên từ năm 2018, ban giám đốc công ty quyết định thành lập bếp ăn để phục vụ CN.
Hiện tại suất ăn của CN có giá 22.000 đồng, thực đơn được thay đổi hằng ngày, gồm các món mặn (tôm, cá, trứng, thịt…), 1 món chay, đồ xào và canh. Để suất ăn đáp ứng đủ 4 tiêu chí no, ngon, an toàn, đủ dinh dưỡng, ban giám đốc quy định khoản chiết khấu khi mua thực phẩm phải đưa vào khẩu phần ăn CN. Ai chiếm dụng khoản này sẽ bị sa thải. Nguồn thực phẩm được nhà bếp mua tận gốc từ các nhà cung cấp có uy tín, có chứng nhận bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Đầu vào thực phẩm luôn có sự giám sát của Công đoàn, phòng y tế; mẫu thức ăn được lưu lại hằng ngày. Nhân viên nhà ăn được khám sức khỏe và định kỳ tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, chất lượng suất ăn tại công ty không ngừng được cải thiện và nhận được phản hồi tích cực từ tập thể lao động.
Bữa ăn giữa ca cho công nhân tại Công ty TNHH Lạc Tỷ luôn bảo đảm chất lượng, dinh dưỡng
Theo tìm hiểu của Công đoàn Công ty TNHH May mặc Song Ngọc (quận Bình Tân, TP HCM), do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên nhiều CN chỉ ăn sáng qua loa, khiến sức khỏe giảm sút. Nhiều CN xem bữa ăn trưa tại công ty là bữa ăn chính trong ngày. Hiểu được điều đó nên ban giám đốc đặc biệt quan tâm, cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca của CN.
Hiện suất ăn tại công ty là 23.000 đồng/suất, nếu tăng ca CN sẽ được hỗ trợ thêm bữa ăn phụ. Để bảo đảm chất lượng bữa ăn, ngoài lựa chọn các nhà cung cấp có uy tín, ban giám đốc và Công đoàn công ty cũng thường xuyên kiểm tra nhà ăn và suất ăn. Công ty còn lập nhóm Zalo (gồm đại diện ban giám đốc, Công đoàn và đơn vị cung cấp suất ăn) nhằm ghi nhận, giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan chất lượng bữa ăn.
Hỗ trợ tiền ăn trưa
Bà Phan Thị Minh Thu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV Giày dép Vĩnh Phong (KCN Khánh Đông, huyện Hóc Môn, TP HCM), cho biết trước đây công ty có bếp ăn tổ chức bữa ăn ca cho CN nên tình hình khá ổn. Từ năm 2020, khi di dời vào KCN, công ty không thể tổ chức bếp ăn, phải mua suất ăn công nghiệp để phục vụ CN. Thế nhưng, công ty thường xuyên nhận được phản ánh của CN về chất lượng bữa ăn.
Do vậy, Công đoàn cơ sở đã đề xuất ban giám đốc hỗ trợ thêm từ 260.000-520.000 đồng/người/tháng (tùy vị trí công việc) ngoài suất ăn trưa để NLĐ tự bổ sung cho khẩu phần ăn theo sở thích. Khoản hỗ trợ này được cụ thể hóa trong thỏa ước lao động tập thể và được duy trì trong suốt giai đoạn dịch bệnh khiến tập thể CN rất vui.
Không có điều kiện tổ chức bếp ăn tập thể nên Công ty TNHH Tỷ Hùng (quận Bình Tân, TP HCM) đặt mua suất ăn công nghiệp với giá 19.500 đồng/suất từ một nhà thầu có uy tín. Tuy nhiên, do số lượng CN đông (gần 1.900 lao động), lại đến từ nhiều vùng miền nên bữa ăn khó làm hài lòng yêu cầu tất cả. Do vậy, Công đoàn đã đề xuất công ty hỗ trợ bằng tiền cho những CN không muốn dùng suất ăn trưa.
Tương tự, Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Triều An cũng chọn phương án hỗ trợ bằng tiền cho 723 lao động, với mức 680.000 đồng/người/tháng (26.000 đồng/ngày). Mới đây, từ đề xuất của Công đoàn cơ sở, ban giám đốc đã nâng mức hỗ trợ tiền ăn lên 730.000 đồng/người/tháng (28.000 đồng/ngày) để chia sẻ khó khăn với NLĐ khi vật giá leo thang.
Nên "luật hóa" bữa ăn giữa ca
Qua khảo sát 97 DN có từ 50 lao động trở lên tại quận Bình Tân, TP HCM, 100% DN có hỗ trợ bữa ăn giữa ca cho NLĐ. Các hình thức hỗ trợ gồm chi trả bằng tiền, cung cấp suất ăn công nghiệp, tổ chức bếp ăn tập thể... Điều đó cho thấy DN có quan tâm đến việc chăm lo sức khỏe cho NLĐ - vốn quý của DN. Dù vậy ở một số đơn vị, giá trị bữa ăn giữa ca còn thấp, chưa theo kịp giá cả thị trường; suất ăn chưa bảo đảm dinh dưỡng; nhà ăn, bếp ăn chưa đạt chuẩn. "Công đoàn cơ sở đã nỗ lực thương lượng với chủ DN nhằm cải thiện bữa ăn giữa ca cho NLĐ nhưng vì thiếu hành lang pháp lý nên kết quả chưa cao. Theo tôi, cần luật hóa bữa ăn giữa ca, trong đó có quy định cụ thể về chất lượng, định lượng dinh dưỡng của suất ăn nhằm góp phần bảo đảm sức khỏe NLĐ" - ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch LĐLĐ quận Bình Tân, đề xuất.
Bình luận (0)