Chín mươi % khẩu phần bữa ăn giữa ca của người lao động (NLĐ) bị thiếu chất so với nhu cầu tái tạo sức lao động; tỉ lệ thiếu năng lượng ở ngành dệt may là 20,3%, ngành da giày 17,3%. Bên cạnh đó, chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến chưa tốt dẫn đến nguy cơ ngộ độc cao... Đây là thực trạng báo động về chất lượng bữa ăn giữa ca của NLĐ được Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động cùng Viện Dinh dưỡng đưa ra tại hội thảo về dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm tổ chức mới đây.
Luật hóa bữa ăn cho công nhân
Theo TS Đỗ Trần Hải, Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động, những năm qua, dù các cấp Công đoàn (CĐ) đã nỗ lực chủ động đàm phán, thương lượng với người sử dụng lao động (NSDLĐ) cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ, thế nhưng tại nhiều doanh nghiệp (DN), chất lượng bữa ăn vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tái tạo sức lao động cho NLĐ. Nguồn gốc, chất lượng thực phẩm và điều kiện chế biến tại các bếp ăn tập thể chưa tốt còn khiến nguy cơ ngộ độc cao dẫn đến nhiều hệ lụy không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài của NLĐ mà còn khiến họ bất mãn với DN. Rất nhiều vụ ngừng việc tập thể đã xảy ra vì lý do chất lượng bữa ăn giữa ca không bảo đảm.
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết trong mức sống tối thiểu của NLĐ, một phần chi phí là cho thực phẩm. Điều kiện làm việc của công nhân (CN) trong nhà máy rất vất vả nên bữa ăn giữa ca và chế độ dinh dưỡng đối với họ rất quan trọng. Do đó, việc xây dựng mối quan hệ tốt giữa NLĐ và NSDLĐ nên bắt đầu từ chính việc bảo đảm sức khỏe cho NLĐ. Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có bộ tiêu chí về bữa ăn giữa ca, kể cả những quy định pháp lý. Vì vậy, rất cần đưa vấn đề bữa ăn giữa ca vào Bộ Luật Lao động (sửa đổi) nhằm bảo đảm NLĐ có bữa ăn ngon, đủ chất để tái tạo sức lao động, đồng thời nâng cao trách nhiệm của chủ DN đối với bữa ăn giữa ca của CN. "Bảo đảm an toàn thực phẩm, đặc biệt là chất lượng bữa ăn giữa ca phải là trách nhiệm của NSDLĐ. Hiện ngành y tế đã xây dựng dự thảo bộ tiêu chí về bữa ăn giữa ca. Chúng ta cần ưu tiên cho những nhóm dinh dưỡng nào bảo đảm sức khỏe, giúp NLĐ có sức khỏe tốt, đóng góp cho đất nước và trước hết là bảo đảm cho hạnh phúc của họ và gia đình họ" - ông Hiểu bày tỏ.
Người lao động trực tiếp sản xuất rất cần bữa ăn đủ chất để tái tạo sức lao động. Ảnh: HỒNG ĐÀO
Vì sức khỏe lâu dài của NLĐ
Thực tế, không thể phủ nhận là khi được DN chăm sóc tốt từ thu nhập đến điều kiện làm việc, chất lượng bữa ăn…, NLĐ sẽ làm việc tốt hơn và gắn bó với DN, ít có ý định nhảy việc.
Điển hình như tại Công ty TNHH Điện cơ Solentec Việt Nam (KCX Tân Thuận, TP HCM), ngoài bữa ăn giữa ca (19.000 đồng/suất), công ty còn bồi dưỡng thêm tiền ăn hằng tháng cho CN (200.000 đồng/người/tháng). Không chỉ thế, DN còn bố trí nhà ăn tập thể để cung cấp bữa sáng miễn phí cho NLĐ. Theo ông Yeh Ching Chuan, giám đốc công ty, lý do khiến DN nghĩ đến việc cung cấp bữa sáng cho CN chính là nhiều lần trên đường đi làm, ông phát hiện hầu hết CN làm ca 6 giờ sáng sẽ bỏ bữa sáng hoặc ăn qua loa. Điều này không chỉ không tốt cho sức khỏe của họ mà còn ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Từ đó, việc cung cấp suất ăn sáng miễn phí cho CN được triển khai, tuy đơn giản nhưng được thay đổi hằng ngày và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chính sách chăm lo này giúp CN làm việc phấn chấn hơn.
HTX Mây tre lá Ba Nhất (quận Bình Thạnh, TP HCM) cũng là đơn vị tiêu biểu trong chăm lo bữa ăn cho NLĐ. Tại đây, không chỉ tập thể CN mà gia đình họ cũng được công ty cung cấp 3 bữa ăn miễn phí trong ngày. CN có thể ăn tại bếp ăn tập thể hoặc đem thức ăn về cùng ăn với gia đình. Ông Phạm Như Huỳnh, chủ tịch CĐ của HTX, nhìn nhận: "Việc chăm lo bữa ăn, chỗ ở cho NLĐ luôn là ưu tiên hàng đầu của HTX. Điều tôi cảm nhận rõ nhất là khi được chăm lo mọi mặt, NLĐ sẽ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với nơi làm việc".
Cải thiện bữa ăn cho 587.239 người lao động
Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết nhằm cải thiện chất lượng bữa ăn giữa ca cho NLĐ, từ năm 2016, CĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 7C, trong đó lưu ý CĐ cơ sở trong khu vực DN và CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở tại nơi chưa thành lập CĐ khi đối thoại hoặc thương lượng tập thể cần đưa nội dung bảo đảm bữa ăn giữa ca của NLĐ với mức thấp nhất là 15.000 đồng/suất, đồng thời khuyến khích DN nâng mức bữa ăn giữa ca cao hơn. Đến nay, có 2.281 CĐ cơ sở thương lượng thành công nâng giá trị bữa ăn ca của 587.239 NLĐ từ 15.000 đồng trở lên, góp phần cải thiện sức khỏe của NLĐ.
Bình luận (0)