xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Công nhân chật vật kiếm sống

HUỲNH NHƯ - THẢO NGUYỄN

Công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định khiến công nhân gặp nhiều khó khăn

Một năm trước, chị Đỗ Thị Ánh Tuyết (40 tuổi, quê Đồng Tháp), công nhân (CN) một công ty chuyên sản xuất ốc vít ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương bị mất việc, do doanh nghiệp (DN) ít đơn hàng, phải thu hẹp sản xuất. Từ đó đến nay, chị xin việc khắp nơi nhưng vẫn chưa được bởi rất ít công ty tuyển dụng CN lớn tuổi.

Chông chênh việc làm

Để có đồng vô đồng ra, chị Tuyết chọn công việc bán rau củ ngay trong trong khu cư xá Hưng Lợi (phường Uyên Hưng, thị xã Tân Uyên). Do chưa có khách quen nên việc buôn bán rất ế ẩm, tiền lời chỉ đủ trả tiền thuê trọ và chi phí lặt vặt.

Chồng chị Tuyết cũng trong diện bị công ty cắt giảm. Lớn tuổi nên anh cũng không thể xin việc mới, đành rút BHXH một lần để có vốn làm ăn. "Chúng tôi vẫn chờ công ty hồi phục để tiếp tục đi làm CN chứ về quê cũng không xin được việc. Trước mắt cứ cố gắng bám trụ, chấp nhận làm việc vất vả để sống" - chị Tuyết thở dài.

Công nhân chật vật kiếm sống - Ảnh 1.

Hơn 10 năm làm công nhân nhưng thu nhập của chị Dương Thúy Kiều (quê Đồng Tháp) chỉ đủ sống Ảnh: HUỲNH NHƯ

Mất việc đột ngột khiến anh Lâm Long Sao Dũng (39 tuổi, quê An Giang), CN một công ty gỗ ở KCN Nam Tân Uyên (huyện Tân Uyên) chới với. Một tháng qua, để có tiền trang trải chi phí sinh hoạt, ai thuê gì anh làm đó. "Thực ra, không phải là không có công ty nào tuyển dụng mà do công việc chưa phù hợp. Ở Bình Dương, nếu không làm việc này thì sẽ có việc khác, chỉ cần chịu khó là đủ ăn" - anh Dũng nói.

Chiều muộn, chúng tôi ghé thăm phòng trọ của chị Dương Thúy Kiều (SN 1981, quê Đồng Tháp), CN Công ty TNHH PouYuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM). Chị Kiều có 10 năm làm CN may tại Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, còn chồng là thợ cơ khí. Mấy tháng qua, do công việc không ổn định nên tổng thu nhập tháng của 2 vợ chồng chỉ từ 15-16 triệu đồng. Với số tiền này, gia đình chị phải chi tiêu hết sức dè sẻn nếu không sẽ thiếu trước hụt sau. "Ưu tiên vẫn là khoản tã sữa và gửi con đi nhà trẻ. Thu nhập thấp khiến 2 vợ chồng không dám nghĩ đến việc đưa con đi chơi vào các ngày cuối tuần" - chị Kiều nói.

Lấy con trẻ làm động lực

Trước Tết, nếu tăng ca đều đặn, thu nhập hằng tháng của anh Lê Khắc Cường (SN 1993, quê Hà Tĩnh), CN một công ty bao bì tại KCX Tân Thuận (quận 7, TP HCM) khoảng 10 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, kể từ sau Tết, do công ty khan hiếm đơn hàng nên mỗi tuần anh chỉ làm 3-4 ngày, thu nhập vì thế giảm một nửa. Để cải thiện thu nhập, anh Cường nhận bốc vác, phụ hồ, chạy xe ôm… Những công việc này giúp anh có thêm 2-3 triệu đồng/tháng.

Vợ chồng anh Cường có 3 con đang trong tuổi ăn học, hiện sống ở quê với ông bà. Các cháu đều ngoan, học giỏi. "Dù phải làm việc cật lực, song nghĩ đến con được ăn ngon, mặc đẹp khiến tôi nhẹ lòng. Mình sống thiếu thốn sao cũng được nhưng các con phải được đầy đủ. Mấy đứa nhỏ chính là động lực làm việc của vợ chồng tôi" - anh Cường tự hào nói.

Không thể xin được việc làm mới sau khi mất việc khiến chị Phạm Thị Ngọc Thắng (SN 1985, quê Bến Tre) hụt hẫng. Còn 2 con nhỏ, cha mẹ già đã ngoài 60 nên chị không thể buông xuôi. Tháo vát chuyện bếp núc nên chị chọn giúp việc nhà theo giờ, ngoài ra còn nhận đưa đón học sinh, thỉnh thoảng nấu ăn đám tiệc. Dù vất vả hơn so với làm CN nhưng chị vẫn hài lòng vì thu nhập khá ổn. Chị Thắng dự định năm sau khi được nhận BHXH một lần sẽ dùng khoản tiền này mở một quầy trà sữa tại nhà trọ để kiếm thêm.

Qua điều tra, khảo sát khoảng 6.000 đoàn viên Công đoàn thuộc 16 tỉnh, thành, Viện Công nhân Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết 64% CN mong có chế độ trợ cấp, phụ cấp, tiền thưởng đầy đủ. Đa số CN cũng muốn được tham gia đối thoại, thương lượng tập thể để bảo vệ quyền, lợi ích của mình (chiếm 54%). Đặc biệt, 54% số CN được khảo sát mong muốn nhà nước kịp thời điều chỉnh lương tối thiểu.

Đề xuất phương án tăng lương tối thiểu vùng

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) vừa có văn bản gửi các tỉnh, thành phố đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá việc thực hiện mức lương tối thiểu (LTT) vùng tại các DN áp dụng từ ngày 1-7-2022. Cụ thể, đối với LTT theo tháng, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương rà soát, đánh giá về tình hình triển khai thực hiện mức LTT; trong đó có việc triển khai quy định tiếp tục thực hiện các nội dung đã thỏa thuận, cam kết trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc các thỏa thuận hợp pháp khác có lợi hơn cho người lao động (NLĐ) theo quy định tại khoản 3 điều 5 Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, nhất là thỏa thuận về trả lương cho NLĐ làm công việc đòi hỏi qua học nghề, đào tạo nghề cao hơn ít nhất 7% so với mức LTT.

Đối với LTT theo giờ, Bộ LĐ-TB-XH đề nghị các địa phương đánh giá rõ việc triển khai, áp dụng của các DN sau khi Chính phủ lần đầu ban hành mức LTT theo giờ. Các địa phương tiến hành khảo sát, thống kê các nhóm vị trí, chức danh công việc, lĩnh vực/ngành nghề thực hiện trả lương theo giờ, mức lương giờ phổ biến.

Bộ LĐ-TB-XH cũng yêu cầu các địa phương cập nhật tình hình lao động, việc làm, đơn hàng của các DN, cung - cầu lao động trên địa bàn trong quý I/2023, đặc biệt là sau Tết âm lịch. Đồng thời, đề xuất về việc điều chỉnh mức LTT áp dụng cho năm 2024 gắn với bối cảnh dự báo.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo