Khó khăn chung của ngành dệt may khiến Công ty TNHH SX-TM-DV Long Cường (TP Thủ Đức, TP HCM) không có đơn hàng trong tháng 5 và 6. Thế nhưng, tập thể công nhân (CN) không quá lo lắng bởi ban giám đốc đã chủ động thông báo tình hình của doanh nghiệp (DN) cùng với cam kết sẽ cố gắng tìm đơn hàng mới để ổn định thu nhập, việc làm của người lao động (NLĐ).
Thấu hiểu và chia sẻ
Bà Phan Thị Thiện, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH SX-TM-DV Long Cường, cho biết công ty chuyên may đồng phục xuất sang thị trường Nhật Bản. Khó khăn về đơn hàng trong tháng 5 và 6 đã được dự báo trước nên ban giám đốc sớm thông tin cho CN biết để họ an tâm làm việc.
"Công đoàn cơ sở đang nỗ lực cùng ban giám đốc công ty tìm kiếm thị trường mới để CN có việc làm thường xuyên. Nếu vẫn còn khó khăn, công ty sẽ tính đến phương án bố trí cho CN nghỉ lễ 30-4 và 1-5 dài ngày" - bà Thiện cho hay.
Công ty TNHH SX-TM-DV Long Cường hiện có 178 lao động, thu nhập bình quân từ 9,5 - 10 triệu đồng/người/tháng. Công ty cũng là một trong nhưng đơn vị ký kết thỏa ước lao động tập thể với nhiều nội dung có lợi cho NLĐ như: lương cao hơn 6% so với lương tối thiểu vùng; thưởng sáng kiến, cải tiến với mức thấp nhất bằng 5% giá trị làm lợi; hỗ trợ suất ăn giữa ca thấp nhất 20.000 đồng/người/bữa; khám sức khỏe định kỳ cho tất cả NLĐ... Nữ CN Lê Thị Hằng bày tỏ: "Ban giám đốc đã nỗ lực hết sức và cũng đã công khai tình hình DN nên anh chị em CN rất cảm thông. Hy vọng khó khăn sẽ qua đi và đời sống CN sẽ ổn định".
Ban Giám đốc Công ty TNHH SX-TM-DV Long Cường (TP Thủ Đức, TP HCM) nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới để giữ việc làm cho công nhân
Tương tự, dù cuối năm 2022 đã thiếu đơn hàng nhưng Công ty TNHH Toàn Thắng (chuyên sản xuất thủy sản đóng hộp xuất khẩu; đóng tại KCN Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP HCM) vẫn cố gắng duy trì việc làm cho NLĐ 6 ngày/tuần. Ông Đinh Văn Giai, quản lý sản xuất công ty, cho hay dù sản phẩm của DN cạnh tranh khốc liệt cùng các nước Thái Lan, Philippines, Malaysia… nhưng ban giám đốc công ty vẫn nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, dù chỉ bằng 1/3 so với trước đây.
Nếu như trước đây, tính luôn tăng ca cùng các khoản phụ cấp, thu nhập CN đạt từ 13-14 triệu đồng/người/tháng. Hiện nay, do không tăng ca nên thu nhập của CN chỉ 7-8 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, ban giám đốc vẫn cố gắng duy trì sản xuất để giữ việc cho NLĐ, không để bất cứ CN nào bị mất việc. Chia sẻ khó khăn, ông Giai đã có sáng kiến tăng năng suất trong các công đoạn chế biến để CN được thưởng năng suất từ 1-2 triệu đồng/người/tháng. Điều này đã giúp DN giữ được lao động trong tình hình hiện nay.
Đồng lòng vượt khó
Ba năm qua là thời điểm khó khăn nhất đối với cả ban giám đốc và tập thể NLĐ Công ty TNHH Ampfield (100% vốn nước ngoài; đóng tại KCN Tân Bình, TP HCM) bởi hoạt động sản xuất - kinh doanh bị ảnh hưởng dịch bệnh. Công ty đã phải 3 lần tạm ngưng sản xuất, buộc phải chuyển xưởng và thu hẹp hoạt động. Tuy nhiên, tại buổi đối thoại với Công đoàn cơ sở mới đây, ông Serge Allegret, Giám đốc Công ty TNHH Ampfield, đã cam kết dù khó khăn đến mấy vẫn sẽ cố gắng giữ việc làm cho CN.
Theo bà Võ Thị Sáu, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Ampfield, DN bắt đầu gặp khó khăn từ tháng 4-2020 khi khách hàng tại Pháp tạm ngưng đặt hàng do dịch. Đó cũng là lần đầu DN này buộc phải tạm ngưng sản xuất gần 2 tháng. Sau đó, do tình hình dịch bệnh trong nước và quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, công ty đã trải qua 2 lần tạm đóng cửa thêm gần 4 tháng; buộc phải thu hẹp sản xuất, chuyển sang một nhà máy có diện tích nhỏ hơn để tiết kiệm chi phí.
DN rơi vào khủng hoảng khiến việc làm bị gián đoạn, thu nhập của CN giảm sút, thậm chí có thời điểm công ty còn chậm trả lương và trích nộp BHXH. Đứng trước tình thế đó, 3 năm qua, rất nhiều cuộc đối thoại giữa Công đoàn và ban giám đốc công ty đã được tổ chức nhằm tháo gỡ khó khăn chung. Nhờ sự cởi mở, chân tình từ hai phía mà mọi khúc mắc được giải quyết.
NLĐ sẵn sàng thông cảm với chủ DN. Ngược lại, DN cũng tìm mọi cách để bảo đảm việc làm, trả lương đúng hạn và đóng đủ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp cho NLĐ. Thời điểm DN gặp khó, Công đoàn đã lập nhóm Zalo và mời gọi tất cả CN tham gia đóng góp ý kiến. Mọi vấn đề về sản xuất - kinh doanh, chăm lo của Công đoàn… đều được công khai thông tin trên nhóm này. Đây cũng là kênh tiếp nhận ý kiến của NLĐ.
Bà Sáu nhớ lại: "Lúc khó khăn nhất, DN không thể trả lương đúng hạn. Dù CN cảm thông và chấp nhận phương án chậm trả lương nhưng biết nhiều anh chị ở trọ chịu gánh nặng tiền thuê phòng, điện, nước… nên Công đoàn vừa thương thảo với ban giám đốc tạm ứng trước lương cho các trường hợp đó vừa khéo léo giải thích với những CN khác để họ không so bì".
Khi đơn hàng ổn định trở lại, để ghi nhận tinh thần đồng cam cộng khổ của NLĐ, Công đoàn cơ sở đã đề xuất ban giám đốc tăng 6% đơn giá tiền công. Hiện thu nhập thấp nhất của CN làm công việc đơn giản cũng đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng.
Cũng nhờ sự chủ động của Công đoàn cơ sở mà nhiều CN khó khăn được Công đoàn các KCX-CN TP HCM chăm lo dịp Tết Quý Mão năm 2023. Ví dụ như trường hợp chị Trần Thị Cẩm Loan. Chị Loan là mẹ đơn thân. Mắc bệnh tim từ nhỏ nên sức khỏe của chị không được tốt, dù vậy chị vẫn ráng làm việc để nuôi con. Trước đây, khi đơn hàng công ty còn dồi dào, thu nhập mỗi tháng của chị hơn 8 triệu đồng, đủ để hai mẹ con trang trải chi phí sinh hoạt.
Thời gian gần đây, do đơn hàng ít nên chị chỉ làm việc 2-3 ngày/tuần, hưởng lương cơ bản hơn 5 triệu đồng/tháng. "Nỗ lực ổn định việc làm cho CN trong bối cảnh đơn hàng khan hiếm của ban giám đốc công ty rất đáng trân trọng. Cảm thông với DN nên chúng tôi hứa với nhau quyết tâm bám trụ để cùng vượt qua khó khăn này" - chị Loan bộc bạch.
Bình luận (0)