Đó là thông tin được các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo "Thực trạng thu nhập của lao động trong ngành dệt may tại Việt Nam và giải pháp hướng tới mức lương đủ sống" do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) phối hợp với Oxfam tại Việt Nam và Fair Wear Foundation, tổ chức mới đây.
Chưa hết tháng đã hết tiền
Bà Đinh Hà An, quản lý chương trình Quyền lao động của CDI, cho biết tổng hợp số liệu từ các cuộc khảo sát, nghiên cứu lao động trong ngành may do CDI thực hiện tại TP HCM, Đồng Nai, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội trong năm 2018, cho thấy công nhân (CN) ngành may thường sống trong tình trạng giật gấu vá vai, chưa hết tháng đã hết tiền. "Em bình thường sống tiết kiệm chút thì có bao nhiêu tiêu bấy nhiêu nhưng có lần con em ốm, lên Bệnh viện Nhi trên Hà Nội khám, mất hơn 2 triệu đồng, tháng đấy đến tiền ăn nhà em cũng không đủ, phải đi vay, nghĩ lại em thấy sao cực quá" - một CN ở huyện Đông Anh (Hà Nội) chia sẻ.
Công nhân may Công ty TNHH Đạt Việt - KCX Tân Thuận, TP HCM Ảnh: HỒNG ĐÀO
Kết quả khảo sát cũng đánh giá 80% người lao động (NLĐ) được khảo sát có thu nhập thực tế dưới 5 triệu đồng/tháng, trong đó hơn 10% NLĐ có mức chi tiêu lớn hơn thu nhập. Hơn một nửa (54,8%) NLĐ được hỏi cho biết thu nhập hiện tại của họ chỉ đủ cho các nhu cầu tối thiểu hằng ngày, không đủ cho các nhu cầu khác như hỗ trợ gia đình hay tiết kiệm đề phòng rủi ro.
Đánh giá về thực trạng mức lương của NLĐ trong ngành dệt may hiện nay, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Quan hệ lao động Tổng LĐLĐ Việt Nam - cho biết trong những năm qua, ngành dệt may có tốc độ tăng trưởng cao, đứng thứ hai về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, NLĐ trong ngành dệt may có mức thu nhập thấp nhất và phải đối mặt với cuộc sống vô cùng khó khăn, bấp bênh, không đủ bảo đảm cho những nhu cầu cơ bản của NLĐ. Trong khi thu nhập cơ bản bình quân của NLĐ cả nước khoảng 4,67 triệu đồng/tháng thì NLĐ dệt may chỉ 4,22 triệu đồng/tháng. Hầu hết NLĐ ngành này không hài lòng với mức lương được nhận. Đó cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tỉ lệ đình công trong ngành dệt may cao nhất cả nước (năm 2018 có 84 cuộc đình công trong ngành dệt may, chiếm tỉ lệ 39,25%).
Trong kết quả nghiên cứu khảo sát của Oxfam và nhóm chuyên gia thuộc Viện CN và Công đoàn về "Tiền lương không đủ sống và hệ lụy" của CN ngành dệt may, cũng chỉ ra rằng có tới 69% CN cho biết họ không có đủ tiền để trang trải nhu cầu sinh hoạt, 31% không tiết kiệm được gì từ tiền lương, 37% luôn ở trong tình trạng vay nợ bạn bè. Đặc biệt, có 23% CN đang sống trong các điều kiện nhà ở tạm bợ và 44% cho biết đang sử dụng nước giếng và nước mưa; 53% không đủ tiền trang trải chi phí khám chữa bệnh, thuốc men.
Trách nhiệm thuộc về doanh nghiệp
Trước thực tế khó khăn của NLĐ, bà Kim Thu Hà, Giám đốc điều hành CDI, nhấn mạnh bà thật sự đau lòng về cuộc sống khó khăn của họ. Những nhu cầu cơ bản của NLĐ, như ăn uống có dinh dưỡng, bảo đảm sức khỏe, được ở gần gia đình… là rất khó khăn.
Đại diện CDI cho biết NLĐ ngành may chỉ có hai lựa chọn: Giảm chi tiêu tới mức tối đa và làm tăng ca tới kiệt sức. Lương thấp dẫn tới sự phụ thuộc vào giờ làm thêm, tiền thưởng, phụ cấp... điều này có thể dẫn tới các hệ lụy như giảm năng suất, tăng tỉ lệ tai nạn lao động, phân biệt đối xử và cả những hệ lụy về mối quan hệ gia đình, giáo dục con cái, sức khỏe… "Do đó, nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ là yếu tố quan trọng, tiên quyết trong việc các bên xây dựng mức lương tối thiểu hằng năm" - bà Hà nói.
Bà Annabel Meurt, quản lý chương trình Việt Nam của Fair Wear Foundation, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc NLĐ ngành may không được trả mức lương có thể đủ sống cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, một trong những nguyên nhân quan trọng là các nhãn hàng chưa có trách nhiệm với vấn đề này, chi phí lao động không được đưa vào trong quá trình đàm phán về giá.
Ông Lê Đình Quảng cũng kiến nghị bên cạnh việc hoàn thiện chính sách pháp luật, cần xác định mức lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của NLĐ và gia đình họ, bao gồm khoản tiết kiệm phòng rủi ro; tăng cường công tác kiểm tra giám sát; nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khách hàng, nhãn hàng quốc tế, bảo đảm quyền cơ bản của chuỗi cung ứng. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả hoạt động của Công đoàn, tăng cường đối thoại, thương lượng về tiền lương.
"Chúng tôi nghĩ rằng doanh nghiệp không chỉ cần đổi mới, nâng cao năng suất lao động, mà còn phải tiết giảm chi phí khác, nâng cao khả năng đàm phán tiền lương khi ký kết, thỏa thuận với các nhãn hàng, để quan tâm hơn đến NLĐ. Đã đến lúc chúng ta không thể lấy nhân công giá rẻ, đặc biệt là lao động ngành may, để thu hút đầu tư cũng như đàm phán hợp đồng. Lương tối thiểu vùng chỉ là sàn chung, nhưng cũng rất quan trọng để nâng lương cho NLĐ. Chúng tôi đề nghị thực hiện nội dung theo Nghị quyết 27-NQ/TW, đó là đến năm 2020, mức lương tối thiểu phải đạt được mức sống tối thiểu" - ông Quảng nhấn mạnh.
Lương thấp so với nhu cầu sống
Báo cáo của Oxfam nêu mức lương tối thiểu theo quy định của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức lương một người cần để trang trải các chi phí cần thiết như thực phẩm, nhà ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Ngay cả khi mức lương mà hầu hết CN may kiếm được cao hơn mức lương tối thiểu thì cũng chưa bằng mức lương được coi là lương đủ sống. Mức lương tối thiểu trung bình quốc gia tại Việt Nam là 3,34 triệu đồng, chỉ bằng khoảng 37% mức lương của sàn lương châu Á và 64% mức lương của Liên minh Lương đủ sống toàn cầu tính cho Việt Nam.
Bình luận (0)