Đây được xem là mối đe dọa với lực lượng lao động trình độ thấp và trung đang làm việc trong các nhà máy. Tuy nhiên, nhiều lao động trẻ không coi đó là một nguy cơ có thể ảnh hưởng đến tương lai việc làm của họ.
Đi làm là được... đào tạo
Là một công nhân (CN) tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh, Nguyễn Bá Hùng sinh năm 1994 đến từ Thái Bình cho biết, em đã học xong THPT và làm việc tại công ty này được hơn 2 năm, với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Công việc khá đơn giản, chỉ là vận chuyển hàng hóa trong kho và dán nhãn cho các sản phẩm. Vì vậy Hùng không phải qua học bất cứ khóa đào tạo nghề nào mà vẫn được nhận vào làm việc.
Công nhân SAMCO luôn được tạo điều kiện tiếp cận công nghệ mới để nâng cao kỹ năng nghề Ảnh: VĨNH TÙNG
Theo Hùng khi mới vào công ty, người phụ trách bộ phận chỉ hướng dẫn công việc cho em vài buổi là coi như hoàn thành công tác… đào tạo. Khi được hỏi về khái niệm Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và khả năng máy móc sẽ dần thay thế công việc của mình đang làm, Hùng cho biết, em cũng được nghe về CMCN 4.0, thế nhưng để máy móc thay thế công việc hiện nay thì theo em có lẽ sẽ còn lâu lắm.
Có đồng quan điểm, Nguyễn Thị Hà cũng là CN tại khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh cho rằng, máy móc và robot cũng chỉ có thể thay thế một phần con người, trong sản xuất chắc chắn vẫn cần trực tiếp con người làm. Nếu có thì chỉ có tại các nước phát triển, họ có đủ khả năng chế tạo ra những máy móc hiện đại đó để sản xuất, còn ở Việt Nam lao động chủ yếu vẫn là con người. Lấy dẫn chứng từ công việc đang làm, Hà cho biết, em là CN làm việc tại một công ty sản xuất linh kiện điện tử. Tại đây cũng có nhiều máy móc sản xuất tự động, nhưng cũng cần có nhiều công nhân như em.
Được biết, Hà được nhận vào làm việc tại công ty khoảng 1,5 năm. Trước khi vào công ty, em chưa từng được đào tạo nghề, cũng như kinh nghiệm làm việc. Chỉ khi vào làm mới được hướng dẫn công việc cụ thể. Trong suốt thời gian làm việc, công việc là một kỹ năng được lặp đi lặp lại trong dây chuyền sản xuất, ngoài ra chưa từng làm công việc nào khác.
Cần nâng cao nhận thức
Qua tìm hiểu ý kiến của một số thanh niên nông thôn khác về cuộc CMCN 4.0 cũng đều cho thấy một kết quả tương tự. Có vẻ như, với nhiều lao động trẻ nguy cơ thất nghiệp đến từ CMCN 4.0 vẫn còn quá xa vời. Tuy nhiên, theo thống kê tại Bản tin cập nhật thị trường lao động của Bộ LĐ-TB-XH, quý I/2017 có khoảng trên 1,1 triệu lao động thất nghiệp.
So với cùng kỳ năm trước thì tăng thêm hơn 20.000 người. Tỷ lệ thất nghiệp chung là 2,08%. Trong đó có tới gần 550.000 thanh niên từ 15 - 24 tuổi bị thất nghiệp. Con số này đã là một minh chứng cụ thể cho khả năng thất nghiệp của thanh niên chưa qua đào tạo nghề trước CMCN 4.0.
Một thực tế khác là những CN lao động giản đơn trong nhà máy sản xuất, luôn đứng trước tương lai bất ổn, vì họ làm ở những vị trí dễ bị thay thế bất cứ lúc nào nếu không đáp ứng được yêu cầu công việc và kỷ luật. Bên cạnh đó, dù tỉ lệ lao động phổ thông thất nghiệp cao, song nguồn nhân lực có trình độ và kỹ năng nghề vẫn đang rất thiếu.
Tại các trung tâm giao dịch việc làm, các trang tuyển dụng trực tuyến vẫn luôn có hàng nghìn thông tin tuyển dụng nhân sự đặc biệt là lao động có tay nghề. Do đó, bên cạnh những chủ trương, chính sách vĩ mô của Đảng, Nhà nước nhằm giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội từ cuộc CMCN 4.0, bản thân người lao động cần nâng cao nhận thức, chủ động tự nâng cao trình độ tay nghề, trang bị thêm kỹ năng để đáp ứng được nhu cầu công việc trong thời kỳ mới.
Tổ chức Lao động quốc tế cho biết, 86% lao động trong ngành công nghiệp dệt may và giày dép ở Việt Nam đối mặt với nguy cơ thất nghiệp cao từ sự bùng nổ nhanh chóng của ứng dụng công nghệ trong CMCN 4.0.
Bình luận (0)