Thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ công an (CA) tỉnh và lực lượng CA các địa phương tại Quảng Ninh đã xác lập nhiều chuyên án đấu tranh triệt xóa nhiều ổ, nhóm cho vay nặng lãi. Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát, nhất là thời điểm cuối năm, tình hình tội phạm "tín dụng đen" có chiều hướng diễn biến hết sức phức tạp, kéo theo nhiều hệ lụy trong xã hội.
Cho vay lãi suất cắt cổ
Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS), CA tỉnh Quảng Ninh phối hợp với CA TP Móng Cái đã bắt giữ 4 đối tượng gồm Trương Văn Tú (SN 1995), Phạm Thế Hùng (SN 2004), Hoàng Văn Tiến (SN 2000; đều trú tại huyện An Dương, TP Hải Phòng) và Hoàng Văn Kiên (SN 1993; trú tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng) về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".
Công an TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh làm việc với một chủ hiệu cầm đồ chuyên cho vay nặng lãi
Qua đấu tranh ban đầu, nhóm đối tượng khai nhận đã cho 31 người vay tổng số tiền trên 2,3 tỉ đồng, với mức lãi suất từ 109,5% đến 365%/năm, thu lợi bất chính trên 237 triệu đồng. Khám xét tại nơi ở của các đối tượng tại phường Hải Yên, TP Móng Cái, lực lượng chức năng thu giữ 58 bộ hồ sơ của người vay tiền, 400 tờ rơi quảng cáo hỗ trợ tài chính, 1 máy tính xách tay, 2 điện thoại di động, gần 30 triệu đồng tiền mặt, 4 ôtô, 1 môtô…
Trước đó, ngày 1-9, CA TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh khởi tố bị can đối với 2 đối tượng là Nguyễn Trung Kiên (SN 1988) và vợ Nguyễn Thị Ái (SN 1988; cùng trú tại phường Hùng Thắng, TP Hạ Long), cũng về hành vi "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự". Cơ quan CA xác định vợ chồng Kiên - Ái đã cho nhiều công nhân (CN), người dân vay tiền với lấy suất cắt cổ. Từ năm 2017, do một số hộ dân ở khu vực xã Quảng La và các xã gần đó có nhu cầu vay tiền để làm ăn nên Kiên và Ái vay tiền của một số người quen với lãi suất thấp rồi cho người khác vay với lãi suất cao hơn để thu lời. Các đối tượng đưa ra lãi suất cho vay rất cao, dao động khoảng từ 100% đến gần 300%/năm tùy theo số tiền vay.
"Khi đến vay tiền, người dân chỉ cần đưa bản photo CMND, hộ khấu, giấy phép lái xe... Sau đó, các đối tượng sẽ làm hợp đồng vay mượn, trả góp, trong đó có kèm theo lãi suất nhưng không quá mức lãi suất mà pháp luật quy định. Hợp đồng này có chữ ký của người vay tiền nhưng nhóm các đối tượng cho vay sẽ giữ hợp đồng mà không đưa cho người vay" - một cán bộ Phòng CSHS - CA tỉnh Quảng Ninh cho hay.
Bị đe dọa, phải bỏ việc, trốn về quê
Theo đánh giá của CA tỉnh Quảng Ninh, một bộ phận người dân, nhất là CN tại các doanh nghiệp (DN), do lười lao động, ham mê cá độ và cờ bạc, game online đã vay nặng lãi để sử dụng vào mục đích chi tiêu không chính đáng của bản thân, bất kể lãi suất nào họ cũng vay. Nắm bắt được tâm lý này, các đối tượng hoạt động cho vay nặng lãi, các cá nhân cho vay tài chính bất hợp pháp, các cơ sở, cá nhân huy động vốn với lãi suất cao bất thường (chơi hụi, họ, phường…) hoặc góp vốn dưới hình thức kinh doanh đa cấp… để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.
Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu thức như phát, dán tờ rơi tại các địa điểm công cộng, cột điện, tường rào, nơi có nhiều người qua lại hoặc quảng cáo qua mạng xã hội Zalo, Facebook, cấu kết thành lập những nhóm đòi nợ thuê hoạt động ở tất cả các huyện, TP, len lỏi vào trong các KCN, một số DN ngành than. Ở một số DN ngành than, một bộ phận CN ham mê cờ bạc, lô đề cũng đã "cắm" thẻ lương, giấy tờ tùy thân... để vay tiền các đối tượng ngoài xã hội với lãi suất cao. Khi không có khả năng chi trả, CN sẽ bị các đối tượng nhắn tin, gọi điện hoặc trực tiếp đến nhà đe dọa, khủng bố tinh thần, hành hung, cưỡng đoạt tài sản.
"Trong ngành than ở Quảng Ninh, không ít CN sau khi rơi vào bẫy "tín dụng đen", không có khả năng chi trả đã phải bỏ việc, trốn về quê, ảnh hưởng đến nguồn lao động của các công ty" - lãnh đạo Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Ninh lo ngại.
Trước tình hình này, giám đốc CA tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, CA các địa phương tập trung tăng cường kiểm tra hành chính những cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ nhằm xử lý triệt để các hành vi vi phạm pháp luật hình sự liên quan hoạt động cầm đồ, hỗ trợ tài chính, cho vay tín chấp. CA tỉnh Quảng Ninh cũng đề nghị các lực lượng chức năng, các cấp, ngành, các tổ chức cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ phương thức, thủ đoạn của tội phạm và hậu quả liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa đối với tội phạm cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê; không tiếp tay hoặc để các đối tượng lợi dụng hoạt động; tích cực tham gia tố giác, hỗ trợ lực lượng chức năng đấu tranh, xử lý các vi phạm liên quan đến "tín dụng đen".
Ngăn ngừa ngay tại doanh nghiệp
"Công đoàn các DN có lượng CN lớn, nhất là trong các công ty than, cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, CN và người lao động. Các cơ sở lưu trú, nhà trọ, nhà dân cần cảnh giác, không cho các đối tượng liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, xiết nợ, đòi nợ thuê "tín dụng đen" thuê nhà để làm cơ sở hoạt động" - lãnh đạo Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Ninh khuyến cáo.
Bình luận (0)