Nghe người bán rau củ dạo "hét" giá một quả bí xanh nặng hơn 1 kg là 18.000 đồng, chị Lê Thị Hằng (quê ở Long An), công nhân (CN) Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam (quận Bình Tân, TP HCM), không tin vào tai mình. Mới tháng trước đây thôi, chỉ với 10.000 đồng, chị có thể mua một quả bí như vậy và được người bán cho thêm ít rau. Việc các khu chợ tạm phục vụ cho CN gần công ty bị cấm hoạt động để chống dịch khiến việc đi chợ của CN càng gặp khó khăn, chưa kể giá thực phẩm cũng tăng hơn trước.
Cầm cự qua dịch
Chị Hằng cho biết trước đây nếu tính cả tăng ca, một tháng thu nhập của chị gần 10 triệu đồng. Trừ tiền thuê nhà trọ và sinh hoạt cá nhân, mỗi tháng chị Hằng còn gửi ít tiền về cho cha mẹ ở quê. Thế nhưng, do ảnh hưởng của dịch Covi-19, mấy tháng gần đây, công ty không tổ chức tăng ca nên thu nhập của chị chỉ còn 5-6 triệu đồng/tháng. Với tình cảnh hiện tại, chị không có lựa chọn nào khác ngoài việc thắt lưng buộc bụng chi tiêu. Thương con, cha mẹ chị ở quê đã gửi một ít khô, trứng, rau… lên TP tiếp tế. "Cha mẹ tôi ở quê cũng khó khăn nên tôi không dám trông chờ họ giúp đỡ mãi, chỉ mong dịch qua mau để được tăng ca và có thu nhập ổn định" - chị Hằng bộc bạch.
So với những người độc thân như chị Hằng, CN có gia đình và con nhỏ khó khăn gấp nhiều lần. Gia đình anh Huỳnh Văn Thanh (42 tuổi, quê Cà Mau), hiện thuê trọ trong một con hẻm nhỏ trên đường Trần Thanh Mại, quận Bình Tân, TP HCM - cũng đang ở giai đoạn cầm cự khi dịch bệnh tái bùng phát. Tháng 4-2020, anh Thanh bị mất việc khi Công ty TNHH Pou Yuen Việt Nam cắt giảm lao động. Hơn 1 năm qua, anh chạy vạy tìm việc mới nhưng không có nơi nào ổn định, thu nhập bữa có bữa không. Toàn bộ chi phí sinh hoạt trong gia đình gồm 4 nhân khẩu phụ thuộc vào đồng lương CN của vợ, khoảng 6-7 triệu đồng/tháng. "Tôi đã xoay đủ cách nhưng vẫn không thể tìm được việc làm mới trong khi thu nhập từ việc chạy xe ôm công nghệ cũng bấp bênh. Tình hình này kéo dài buộc lòng vợ chồng tôi phải gửi con về quê nhờ ông bà trông giúp" - anh Thanh cho hay. Nhiều CN tâm sự rằng trong bão Covid-19, những bữa cơm "siêu tiết kiệm" với rau luộc, canh được tận dụng từ nước luộc rau, mì ăn liền... với họ là chuyện thường. Ai cũng mong dịch Covid-19 qua nhanh để CN có nhiều việc làm, thu nhập khá hơn.
Người lao động phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức, TP HCM đến với siêu thị mini “0 đồng”
Thắt chặt chi tiêu
Trước khi dịch Covid-19 bùng phát, thu nhập hằng tháng của Lê Thị Phượng, CN Công ty TNHH Freetrend A (KCX Linh Trung II, TP Thủ Đức, TP HCM), khoảng 10 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình. Thế nhưng, từ khi công ty giảm tăng ca do dịch bệnh, thu nhập chị sụt giảm rõ rệt.
Vợ chồng chị đang thuê trọ tại phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức với giá 1,3 triệu đồng/tháng. Chồng làm nghề tự do, thu nhập không ổn định, lại đang nuôi 2 con nhỏ nên khi công việc của chị ít đi, cuộc sống trở nên chật vật hơn. Để có thể trụ lại TP, vợ chồng chị quyết định gửi 2 con về quê cho cha mẹ trông giúp. Hằng ngày, chị tranh thủ lấy rau củ quả về bán cho CN ở khu trọ để kiếm thêm đồng vô đồng ra. Dù chỉ kiếm được 50.000 đến 100.000 đồng mỗi ngày nhưng với vợ chồng chị như vậy là tạm ổn.
Khi Công ty CP L.T Việt Nam (KCN Sóng Thần 2, tỉnh Bình Dương) ngừng hoạt động do không có đơn hàng, cùng với hơn 1.300 CN khác, anh Vũ Hữu Tình (quê Nghệ An) bị mất việc. Hơn một tháng qua, anh chạy đi xin việc nhiều nơi nhưng không có kết quả. Qua lời giới thiệu của người quen, anh được một tiệm tạp hóa lớn nhận vào làm. Công việc hằng ngày của Tình là chở hàng giao cho khách, thu nhập tùy cự ly giao hàng. "Hôm nào chạy nhiều cũng kiếm được 200.000 đồng, ít thì cũng 100.000 đồng. Tôi cảm thấy may mắn khi còn có việc làm. Giờ chỉ mong dịch bệnh được khống chế để CN có việc làm trở lại" - anh Tình cho biết.
Từ khi dịch Covid-19 tái bùng phát, chị Nguyễn Thị Mỹ Quỳnh, CN Công ty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP HCM) có thói quen ghi lại chi tiêu hằng ngày. Hai vợ chồng đều là CN, tổng thu nhập khoảng 10-13 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, họ phải trả các khoản sinh hoạt như: tiền thuê phòng (600.000 đồng), điện, nước (400.000 đồng/tháng); chi phí ăn uống, nuôi con nhỏ (khoảng 3,5 triệu đồng), chưa kể các khoản bắt buộc phải chi như tiêm chủng, thuốc men cho con… "Nhiều lúc mới cầm lương trên tay chưa kịp tiêu đã hết. Việc liệt kê chi tiết những khoản phải chi giúp tôi có sự điều chỉnh phù hợp, có như vậy mới mong cầm cự qua được hết mùa dịch. Tôi thấy mình vẫn còn may mắn vì hai vợ chồng đều không bị mất việc trong đợt này" - chị Quỳnh nói.
Siêu thị mini "0 đồng" dành cho công nhân
Siêu thị mini "0 đồng" vừa đi vào hoạt động tại Nhà Văn hóa Thể thao Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức. Hơn 60 mặt hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm, vật dụng y tế đã có mặt trên kệ như đường, sữa, gạo, trứng, dầu ăn, nước mắm, hạt nêm, bột ngọt, cháo gói, mì tôm cùng các loại thực phẩm tươi sống, rau củ quả. Mỗi CN ở trọ, hộ gia đình nhận được 3 phiếu mua hàng trị giá 200.000 đồng/phiếu.
Siêu thị mini "0 đồng" là hoạt động đầu tiên của chiến dịch Vòng tay Việt được thực hiện dưới sự phối hợp tổ chức của Công ty CP PNJ với Sở Công Thương TP, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên CN TP và Hội Nữ doanh nhân TP tổ chức. Chương trình sẽ kéo dài trong vòng 9 ngày (từ 26-6 đến 4-7).
Bình luận (0)