BHXH Việt Nam cho biết đến hết tháng 10-2017, cả nước mới có hơn 13,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện, chiếm hơn 24% lực lượng lao động.
Kết quả này còn khá xa so với mục tiêu của Nghị quyết 21 do Bộ Chính trị đề ra vào năm 2020, cả nước có 50% lực lượng lao động, tương đương với khoảng 27 triệu người tham gia BHXH.
Theo các chuyên gia lao động, quy định thời gian tham gia tối thiểu hưởng hưu trí 20 năm là quá dài
Tuy nhiên, chính sách BHXH vẫn còn những hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ BHXH còn ở mức thấp so với các nước; Quỹ BHXH vẫn tiềm ẩn nguy cơ về mất cân đối trong trung và dài hạn, nhất là trong bối cảnh về già hóa dân số, sự chuyển dịch cơ cấu lao động, việc làm do tác động của yếu tố hội nhập kinh tế, biến đổi khí hậu và cách mạng công nghiệp 4.0.
Bên cạnh đó, quy định thời gian tham gia tối thiểu hưởng hưu trí 20 năm là quá dài; công thức lương hưu chưa thể hiện sự chia sẻ; thời gian đóng ngắn, thời gian hưởng dài; điều chỉnh lương hưu gắn chặt với điều chỉnh tiền lương người tại chức, bình quân; chính sách bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) chưa thực hiện vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động.
Tại hội thảo quốc tế với chủ đề "Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội - kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam" do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Bộ LĐ-TB-XH tổ chức ngày 29-11, các chuyên gia lao động đề xuất một số cải cách như xây dựng hệ thống BHXH đa tầng; xây dựng lộ trình điều chỉnh thời gian tối thiểu để được hưởng lương hưu xuống 15 năm, 10 năm; điều chỉnh các thông số trong công thức tính lương hưu theo hướng tăng cường chia sẻ; điều chỉnh tăng tuổi hưu đối với một số nhóm đối tượng lao động ngành nghề phù hợp; điều chỉnh lương hưu theo hướng độc lập với điều chỉnh tiền lương của người đang làm việc; chính sách BHTN thực sự đóng vai trò là công cụ quản trị thị trường lao động.
Bình luận (0)