Trả lời các cơ quan báo chí, những người có trách nhiệm về chính sách BHXH cho rằng nói thực hiện giảm tỉ lệ hưởng lương hưu của lao động nữ từ 1-1-2018 sẽ tác động hàng triệu lao động nữ là không đúng. Bởi năm 2018 chỉ có khoảng 57.500 lao động nữ nghỉ hưu và chính sách chỉ tác động đến khoảng đến khoảng 21.000 người trong số này.
Xin thưa, nói như vậy là sai rồi!
Nếu quy định tại khoản 2, điều 56 Luật BHXH được thực hiện từ 1-1-2018 thì chính sách đó sẽ có hiệu lực về sau chứ không chỉ thực hiện trong năm 2018. Điều đó sẽ ảnh hưởng tới tất cả lao động nữ nghỉ hưu những năm tiếp theo.
Hiện cả nước có hơn 13,4 triệu người tham gia BHXH (khoảng 50% là lao động nữ), nếu chính sách không ảnh hưởng tức thì, cũng sẽ ảnh hưởng lâu dài tới quyền lợi của tất cả lao động nữ mong muốn đóng BHXH để hưởng lương hưu về sau. Cho nên nói việc giảm tỉ lệ hưởng lương hưu từ năm đóng BHXH thứ 16 trở đi của lao động nữ sẽ tác động đến hàng triệu lao động nữ là có cơ sở.
Chưa hết, quy định tại khoản 2, điều 56 Luật BHXH năm 2014 không chỉ tác động tới những người đang tham gia BHXH mà nó còn tác động đến cả những "khách hàng" tiềm năng của BHXH. Nếu thấy chính sách gây thiệt thòi thì chẳng ai dại gì mà tham gia.
Nhà nước cần phải đánh giá đúng tác động của chính sách tới đối tượng thụ hưởng thì mới có thể ban hành những quy định hợp tình, hợp lý.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM) đã khẳng định: Việc nhà nước đột nhiên thay đổi chính sách, đồng thời việc thay đổi này áp dụng đối với cả người lao động tham gia BHXH trước khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực xem như những cam kết trước đây của nhà nước đối với nhân dân không có giá trị, "thỏa thuận" giữa người lao động và nhà nước không được nhà nước đảm bảo thực hiện, quyền lợi của người lao động bị nhà nước trực tiếp xâm phạm.
Gốc rễ của vấn đề là ở chỗ đó. Các quy định có tính kế thừa của Luật BHXH năm 2006 tiếp tục có hiệu lực là đương nhiên. Song với các quy định mới, nhất là quy định bất lợi cho người lao động thì chỉ được phép áp dụng đối với người tham gia BHXH từ khi Luật BHXH năm 2014 có hiệu lực (tức ngày 1-1-2016). Đó là nguyên tắc của pháp luật.
Một vấn đề khác, hiện Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định về tuổi nghỉ hưu (nam 60 tuổi, nữ là 55 tuổi trong điều kiện lao động bình thường) chưa thay đổi thì việc Luật BHXH "cầm đèn chạy trước ô tô" là không phù hợp. Với trình độ sản xuất còn thấp, công nghệ lạc hậu, đa số người lao động làm việc chân tay, tiền lương chưa bảo đảm mức sống tối thiểu dẫn đến sức khỏe suy kiệt thì việc kéo dài thời gian làm việc, kéo dài thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu là không khả thi.
Từ khi Bộ Luật Lao động 1994 ra đời cho đến năm 2017, số người tham gia BHXH (bắt buộc và tự nguyện) chỉ đạt hơn 13,4 triệu người (chiếm khoảng 24% lực lượng lao động cả nước). Điều này có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân là sự kém hấp dẫn của chính sách BHXH.
Trong khi đó, Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2020, cả nước phải có 50% lực lượng lao động tham gia BHXH. Từ giờ đến đó, thời gian không còn nhiều. Với sự không ổn định của chính sách BHXH như vậy thì e rằng mục tiêu sẽ khó đạt được.
Bình luận (0)