Sau khi hết thời gian ngừng việc để thực hiện giãn cách xã hội nhằm phòng chống dịch Covid-19, đầu tháng 10-2021, công nhân (CN) Công ty TNHH Vagabond Việt Nam (100% vốn nước ngoài; xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM) trở lại nhà máy làm việc. Tuy nhiên, họ bị bảo vệ ngăn không cho vào với lý do đã bị công ty cho thôi việc. Bức xúc trước cách hành xử của công ty, tập thể CN đã gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan chức năng
Cho thôi việc trước, thông báo sau
Theo tìm hiểu của chúng tôi, khoảng 200 CN bị mất việc lần này đa số đều đã ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) không xác định thời hạn. Trước đó, vào giữa tháng 7-2021, do không bố trí được phương án làm việc "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến" để chống dịch Covid-19 nên công ty thông báo cho CN ngừng việc. Từ ngày 15 đến 30-7, toàn bộ CN được hưởng lương tối thiểu vùng, sau đó là nghỉ không lương.
Khi thành phố kết thúc giãn cách, CN trở lại làm việc thì mới biết bị công ty cho thôi việc, dù trước đó chưa nhận được thông báo hay quyết định chấm dứt HĐLĐ. Ngày 2-11, CN được công ty gọi đến để nhận các giấy tờ gồm: Thông báo đơn phương chấm dứt HĐLĐ và quyết định chấm dứt HĐLĐ. Nhận các giấy tờ trên, số đông CN rất bức xúc bởi công ty lấy lý do khó khăn do dịch Covid-19 để chấm dứt HĐLĐ, dù rằng trước khi ngừng việc tạm thời, đơn hàng của công ty rất dồi dào. Theo quy định của Bộ Luật Lao động (BLLĐ), khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ không xác định thời hạn, người sử dụng lao động (NSDLĐ) phải báo trước bằng văn bản cho người lao động (NLĐ) ít nhất 45 ngày. Tuy nhiên, trong thông báo và quyết định chấm dứt HĐLĐ, thời điểm CN phải nghỉ việc là ngày 10-10-2021, nhưng ngày 2-11-2021 họ mới nhận được các quyết định. Như vậy, công ty đã vi phạm thời gian báo trước. Thêm vào đó, các quyết định nói trên đều do bà Lê Thị Huyền Thanh - giám đốc văn phòng - ký, trong khi người đại diện theo pháp luật là ông Carl Mats Rickard Nilsson, tổng giám đốc công ty. Các quyết định này cũng không thể hiện việc bà Thanh được tổng giám đốc ủy quyền chấm dứt HĐLĐ với NLĐ. Theo tập thể CN, do bà Thanh không được ủy quyền nên các thông báo nói trên không có giá trị pháp lý.
Công nhân Công ty TNHH Vagabond Việt Nam đến nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động
Công ty thực hiện đúng quy định?
Trong văn bản trả lời nội dung khiếu nại của NLĐ gửi Báo Người Lao Động mới đây, bà Lê Thị Huyền Thanh, đại diện công ty, khẳng định công ty đã thực hiện đúng quy định khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ với NLĐ.
Phía công ty cho biết từ tháng 5-2021, dịch Covid-19 đã khiến hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng. Đến ngày 14-7, do không thể tổ chức phương án sản xuất "3 tại chỗ" và "1 cung đường - 2 điểm đến" nên công ty đã thống nhất với ban chấp hành Công đoàn cơ sở ngừng mọi hoạt động sản xuất từ ngày 15-7 đến khi có thông báo mới. Sau đó, vì thành phố tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội, công ty bị đối tác nước ngoài hủy toàn bộ đơn hàng. Sau cuộc họp với đại diện Công đoàn cơ sở vào ngày 16-8, công ty quyết định sẽ thông báo cho NLĐ nghỉ việc. Tiếp đó, ngày 23-8, công ty đã niêm yết thông báo về việc chấm dứt HĐLĐ với NLĐ trước trụ sở công ty. "Từ ngày 15-8, cả thành phố đang thực hiện giãn cách nên đến ngày 11-10 công ty mới có thể bàn giao văn bản gốc thông báo chấm dứt HĐLĐ cho NLĐ" - phía công ty giải thích. Về thẩm quyền ký thông báo và quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ, phía công ty cho hay do dịch bệnh nên người đại diện theo pháp luật của công ty không có mặt tại Việt Nam, do vậy đã ủy quyền cho bà Thanh thực hiện các công việc nói trên. Công ty cũng quả quyết việc bà Thanh ký văn bản chấm dứt HĐLĐ với NLĐ là đúng quy định và phù hợp thỏa ước lao động tập thể.
Luật sư Nguyễn Thanh Thanh, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Thanh và Cộng sự, phân tích theo quy định tại khoản 3 điều 18 BLLÐ năm 2019, người giao kết HÐLÐ với NLÐ bên phía NSDLÐ bao gồm người đại diện theo pháp luật của DN hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, căn cứ điểm c khoản 3 Thông tư 10/2020/TT-BLÐTBXH thì trong HÐLÐ phải ghi rõ họ tên, chức danh của người có thẩm quyền giao kết HÐLÐ bên phía NSDLÐ. Việc chấm dứt HÐLÐ với NLÐ cũng phải do người đại diện theo pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định pháp luật thực hiện. Ðồng thời, nếu được NSDLÐ ủy quyền thực hiện các thủ tục chấm dứt HÐLÐ với NLÐ thì trên các văn bản liên quan cũng phải thể hiện rõ việc thông tin của người được ủy quyền. "Việc công ty ban hành thông báo và quyết định chấm dứt HÐLÐ với NLÐ nhưng không thể hiện rõ thẩm quyền của người ký các văn bản đó là chưa phù hợp với quy định pháp luật" - luật sư Nguyễn Thanh Thanh khẳng định.
Vi phạm thời gian báo trước
Theo luật sư Nguyễn Thanh Thanh, điều 36 và điều 45 BLLÐ quy định khi đơn phương chấm dứt HĐLĐ do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nguy hiểm… thì NSDLÐ phải báo trước cho NLÐ bằng văn bản ít nhất 45 ngày đối với HÐLÐ không xác định thời hạn. Chủ thể thực hiện nghĩa vụ báo trước là NSDLÐ và chủ thể nhận thông báo là NLÐ. Việc công ty viện dẫn lý do giãn cách chống dịch để thực hiện báo trước cho NLÐ bằng cách niêm yết thông báo trước trụ sở và gửi cho đại diện ban chấp hành Công đoàn cơ sở là không đúng quy định và vi phạm thời gian báo trước.
Bình luận (0)