Bước ngoặt
l Phóng viên: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực, đây là lần đầu tiên vấn đề đa Công đoàn (CĐ) được quy định và áp dụng tại Việt Nam. Trước sự "cạnh tranh" từ các tổ chức đại diện người lao động (NLĐ) khác ở cơ sở, bài toán đặt ra cho tổ chức CĐ Việt Nam là gì, thưa ông?
- Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam: Ngày 12-11-2018, Quốc hội chính thức biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP cùng các văn kiện liên quan sau thời gian dài nỗ lực đàm phán. đây là thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, CPTPP cũng đặt ra cho tổ chức CĐ nhiều thách thức. Đó là sẽ có các tổ chức đại diện NLĐ khác tại cơ sở được thành lập và các tổ chức này được nhiều quyền không kém so với CĐ cơ sở thuộc hệ thống Tổng LĐLĐ Việt Nam. Thậm chí họ có điều kiện hoạt động hơn do không phải tổ chức chính trị, xã hội nên chỉ tập trung vào nhiệm vụ duy nhất là chăm lo, đại diện, bảo vệ NLĐ.
Như vậy, sẽ có "cạnh tranh" giữa các tổ chức đại diện NLĐ và đây là sự cạnh tranh hết sức bình đẳng. NLĐ có quyền được lựa chọn tổ chức nào đại diện cho mình, thực sự mang lại lợi ích và hạnh phúc cho mình. Trong tình hình đó, làm sao để tổ chức CĐ Việt Nam giữ vững vai trò người đại diện uy tín và tiếp tục thu hút được NLĐ tự nguyện gia nhập là bài toán mà các cấp CĐ đã và đang chung tay giải quyết.
Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam ảnh: Hoàng Triều
l Tổ chức CĐ Việt Nam sẽ làm gì để tiếp tục khẳng định sự hấp dẫn và thu hút đoàn viên?
- Thực tế, tổ chức CĐ Việt Nam được thành lập trên ý chí của giai cấp công nhân, NLĐ và đã trải qua quá trình lịch sử hàng thế kỷ. Trong suốt quá trình ấy, CĐ Việt Nam vẫn luôn đấu tranh vì lợi ích của NLĐ, đồng hành với NLĐ và trong bất kỳ hoàn cảnh xã hội nào, CĐ Việt Nam vẫn kiên trì mục tiêu ấy. Giai đoạn sắp tới sẽ là bước ngoặt với nhiều biến động, sẽ có các tổ chức đại diện NLĐ khác ra đời. Câu hỏi đặt ra là liệu CĐ Việt Nam có còn hấp dẫn hay không? Trả lời câu hỏi này, theo tôi, nó phụ thuộc vào việc tổ chức CĐ có còn mang lại lợi ích cho NLĐ hay không? Khi CĐ làm được những điều ấy thì chắc chắn vẫn thu hút được NLĐ.
Điều mà tổ chức CĐ Việt Nam đang tập trung thực hiện là đẩy mạnh công tác tuyên truyền để NLĐ hiểu đúng, hiểu đầy đủ về CĐ Việt Nam. Khi NLĐ hiểu họ được lợi ích gì khác hơn khi là đoàn viên và không là đoàn viên thì họ sẽ quyết tâm gia nhập. Cụ thể như NLĐ có thẻ CĐ, họ sẽ được mua sắm và sử dụng nhiều dịch vụ, thậm chí mua nhà với giá ưu đãi… Và tất nhiên, khi lợi ích của họ bị xâm phạm thì sẽ luôn có CĐ đồng hành và bảo vệ.
Song song đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đang nghiên cứu, xây dựng các đề án tập trung phát triển đoàn viên, thành lập CĐ cơ sở để khi NLĐ mới vào doanh nghiệp thì họ được giới thiệu về tổ chức CĐ, đồng thời chú trọng việc tuyên truyền trước cho CNVC-LĐ và con CNVC-LĐ. Điển hình là mô hình hoạt động của CĐ ngành xây dựng. Hằng năm, CĐ ngành đều dành một khoản kinh phí cho việc tuyên truyền chính sách pháp luật và CĐ cho con CNVC-LĐ trong ngành và sinh viên tại các trường xây dựng để trang bị kiến thức pháp luật cần thiết và sự hiểu biết về CĐ cho các em khi ra trường.
Khẳng định sức sống
l Trong CPTPP, vấn đề bảo đảm quyền lợi NLĐ ngày càng được coi trọng. Là đại diện cho NLĐ, để tham gia vào việc bảo vệ NLĐ và khẳng định vị thế của mình, tổ chức CĐ sẽ làm những gì?
- Đại diện, bảo vệ là nhiệm vụ thường xuyên, là quan tâm đầu tiên và khẳng định được sức sống của CĐ. CĐ có còn là của NLĐ và vì NLĐ hay không chính là được thể hiện qua việc đại diện, bảo vệ NLĐ. Vì vậy, trong nhiệm kỳ 2018-2023, tổ chức CĐ Việt Nam sẽ tập trung các nguồn lực (tài chính, chỉ đạo và con người) và tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả việc thực hiện nhiệm vụ đại diện cho NLĐ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của NLĐ, góp phần củng cố, tăng cường sự gắn bó giữa đoàn viên, NLĐ với tổ chức CĐ.
Nhiều chương trình đã và sắp được Tổng LĐLĐ Việt Nam triển khai để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này như đề án thành lập hội đồng tư vấn pháp luật; xây dựng đội ngũ luật sư CĐ; đề án tư vấn pháp luật trực tuyến cho đoàn viên, NLĐ; kế hoạch CĐ tham gia cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, giảm thiểu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, kế hoạch triển khai các nhiệm vụ CĐ tham gia giải quyết tranh chấp lao động tập thể và đình công, giai đoạn 2018-2023… Về tài chính, Đại hội lần thứ XII vừa qua đã thống nhất dành 2% nguồn thu tài chính hằng năm cho nhiệm vụ đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của đoàn viên, cán bộ CĐ và NLĐ. Với các chỉ tiêu phấn đấu cụ thể như đến giữa năm 2020 có ít nhất 65% (chỉ tiêu này sẽ được nâng dần lên 100%) số vụ việc đoàn viên, NLĐ có nhu cầu tư vấn, tranh tụng tại tòa có đại diện CĐ tham gia; hằng năm phấn đấu giảm từ 2%-5% số vụ tai nạn lao động và 100% số vụ tai nạn lao động chết người có CĐ tham gia điều tra…, mục tiêu mà tổ chức CĐ đặt ra là bảo vệ đoàn viên, NLĐ một cách tốt nhất.
Con người là yếu tố quyết định
l Hoạt động CĐ trong giai đoạn mới đặt ra nhiều yêu cầu đối với cán bộ CĐ. Ông nhìn nhận thế nào về "nguồn lực con người" hiện tại và tương lai trong tổ chức CĐ Việt Nam?
- Giai đoạn sắp tới sẽ là bước ngoặt của tổ chức CĐ Việt Nam, yêu cầu đặt ra là chúng ta phải có đủ nguồn lực để thích ứng được với sự thay đổi đó. Một trong những nguồn lực quan trọng chính là con người. Sự đổi mới về phương thức hoạt động yêu cầu một đội ngũ cán bộ CĐ chuyên nghiệp hơn, trách nhiệm hơn, đặc biệt là phải xây dựng một đội ngũ làm công tác đại diện, bảo vệ quyền lợi đủ mạnh, có năng lực thương lượng với giới chủ và đại diện tranh tụng cho NLĐ. Do đó, trong thời gian tới, tổ chức CĐ Việt Nam sẽ tập trung đổi mới công tác tuyển dụng, đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng cán bộ CĐ. Đặc biệt, đào tạo một đội ngũ luật sư CĐ chuyên phụ trách công tác đại diện, bảo vệ NLĐ tại tòa. Phấn đấu đến giữa năm 2020, chúng tôi sẽ có đội ngũ ít nhất 20 luật sư CĐ, chuyên sâu về lĩnh vực pháp luật và CĐ. Đội ngũ này đại diện NLĐ để tranh tụng tại tòa trong các vụ việc liên quan đến lao động.
Ngoài ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng tập trung xây dựng, củng cố đội ngũ chuyên gia, giảng viên về đối thoại, thương lượng tập thể cấp LĐLĐ nhằm nâng chất trong công tác tham mưu và đào tạo cán bộ.
Tham gia CPTPP là chấp nhận trong tương lai gần, tổ chức CĐ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với các tổ chức đại diện NLĐ, một việc chưa từng có.
Bình luận (0)