Ngày 8-5, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Tân Bình tổ chức hội nghị tiếp xúc giữa cử tri với các ứng cử viên Đại biểu Quốc hội khóa XV đơn vị bầu cử số 5 (quận Tân Bình và Tân Phú) gồm 5 ứng cử viên: ông Nguyễn Minh Đức- Phó chủ nhiệm ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, bà Ung Thị Xuân Hương- Phó ban Nghiên cứu và Đào tạo Hội Luật gia TP, bà Trần Thị Diệu Thúy- Chủ tịch LĐLĐ TP, ông Nguyễn Văn Kính-Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư TP để vận động bầu cử.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP HCM trình bày chương trình hành động tại buổi tiếp xúc cử tri
Tại hội nghị, các cử tri được nghe đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Tân Bình trình bày tiểu sử của các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa XV; từng ứng cử viên cũng trình bày chương trình hành động của mình nếu đắc cử. Các ứng cử viên đã nhấn mạnh quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ của một đại biểu Quốc Hội đó là tham gia hiệu quả các nội dung xây dựng pháp luật, tham gia thảo luận quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và quyết liệt trong giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật, thực thi nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương. Đồng thời chuyển tải cho được những kiến nghị, những bức xúc của cử tri đến Quốc hội và các cơ quan nhà nước để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
Trong đó, với trò là đại diện của đội ngũ công nhân, viên chức, người lao động thành phố, nên trong chương trình hành động của mình, bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch LĐLĐ TP nhấn mạnh sẽ quan tâm đến cách chính sách đào tạo, dạy nghề và giải quyết việc làm cũng như các chính sách an sinh xã hội, các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt quan tâm đến chính sách dành cho người lao động. "Tôi sẽ kiến nghị có những chính sách phù hợp, tăng cường đầu tư và có giải pháp đồng bộ, mạnh mẽ để tăng số lượng việc làm, tăng các chương trình hỗ trợ công nhân lao động, hỗ trợ hộ nghèo; nâng cao chất lượng quản lý, đổi mới chính sách bảo hiểm xã hội – bảo hiểm y tế; Quyết liệt nâng cao chất lượng quản lý để giảm tối đa tai nạn lao động, đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nguồn nước sạch phục vụ người dân; Tham mưu và đề xuất xây dựng nhà cho người có thu nhập thấp, khu lưu trú văn hóa cho công nhân; Kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước có các chính sách bảo vệ trẻ em, người lao động và những người yếu thế trên các lĩnh vực …"- bà Thúy nhấn mạnh.
Bà Trần Thị Diệu Thúy, chủ tịch LĐLĐ TP thăm hỏi người lao động khó khăn
Lắng nghe các ứng cử viên trình bày chương trình hành động, hầu hết cử tri đều đồng tình và bày tỏ sự tin tưởng về phẩm chất đạo đức, năng lực lẫn tinh thần phục vụ của các ứng cử viên. Cử tri Đỗ Ngọc Loan (ngụ phường 12, quận Tân Bình) nói: "Từ những kết quả mà Quốc hội khóa XIV và các khóa trước đã làm được, cử tri chúng tôi luôn đặt niềm tin vào các đại biểu Quốc hội. Họ chính là những đại biểu của nhân dân, nói lên tiếng nói, nguyện vọng, bức xúc của dân. Do đó, mỗi cử tri phải có trách nhiệm với lá phiếu của mình".
Cử tri Loan cũng cho rằng để quá trình bầu cử diễn ra thật dân chủ, đạt kết quả tốt nhất, các ứng cử viên cần tiếp xúc nhiều hơn với nhân dân, với cử tri, qua đó, cử tri sẽ có đủ thông tin, sự thấu hiểu về các ứng cử viên và sáng suốt bầu chọn những người xứng đáng nhất.
Cử tri góp ý tại buổi tiếp xúc
Tại buổi tiếp xúc, cử tri cũng phản ánh, gửi gắm đến các ứng cử viên nhiều vấn đề tồn tại, trong đó, "nóng nhất" là vấn nạn tham nhũng. Cử tri Lê Minh Chử (phường 9) cho rằng từ hàng loạt các đại án được đưa ra xét xử trong thời gian vừa qua, Quốc hội cần phải nghiêm túc nghiên cứu các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiệu quả hơn trong thời gian tới. "Theo tôi, muốn phòng chống tham nhũng, bên cạnh các tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ, tìm nhân tài thì Chính phủ cần nhanh chóng cải cách về vấn đề tiền lương, chỉ khi có mức thu nhập tương xứng thì mới thu hút đội ngũ cán bộ có năng lực, có đạo đức, ngược lại đồng lương quá thấp, không đủ đảm bảo đời sống sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy"-ông Chử cho hay.
Cử tri quận Tân Bình đóng góp ý kiến
Bên cạnh đó, cử tri cũng bày tỏ lo ngại về các vấn đề trật tự an toàn xã hội, các vấn nạn kẹt xe, ngập nước kéo dài nhiều năm, tình hình kiểm soát dịch bệnh trong thời gian qua… Ngoài ra, nhiều cử tri cũng như cho rằng quy trình xây dựng các dự thảo, văn bản luật chưa thực sự chặt chẽ, chưa đạt được sự thống nhất cao trong xã hội dẫn đến một số quy định chưa có hiệu lực đã vấp phải làn sóng phản đối từ chính những người nằm trong phạm vi điều chỉnh. Do đó, trong thời gian tới, Quốc hội cần có những đổi mới về công tác xây dựng luật.
Bình luận (0)