Anh nhân viên đó thấy mình sai, lỗi đáng bị sa thải nhưng biết giám đốc “mù luật”, làm không đúng trình tự, thủ tục nên kiện ra tòa. Vụ việc hòa giải mấy lần không thành vì lần nào giám đốc cũng chỉ nói mỗi câu: “Tôi có quyền tuyển người thì cũng có quyền đuổi người”.
Khi đưa vụ việc ra xét xử, tòa mới phát hiện doanh nghiệp sai “từa lưa”: Xử lý kỷ luật mà không tổ chức cuộc họp có mặt các bên, không chứng minh cụ thể được lỗi của người lao động, không có nội quy lao động… Thua kiện ở cấp sơ thẩm, vị giám đốc nọ tức tối kháng cáo lên cấp phúc thẩm, kết quả cũng… thua luôn! Chưa chịu dừng, vị giám đốc tuyên bố: “Tôi không thi hành án đó, ai làm gì tôi?”.
Ảnh minh họa
Chẳng biết có nghe tuyên bố này không mà mới đây, cơ quan chức năng đã kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động tại công ty và đề xuất xử phạt gần 100 triệu đồng cho các sai phạm. Chưa hết, 4 khách hàng lớn nhất đến từ châu Âu đã thông báo cắt đơn hàng với lý do “công ty vi phạm các tiêu chuẩn lao động”.
Theo một cán bộ trong đoàn kiểm tra, một khi pháp luật đã quy định thì doanh nghiệp (DN) có trách nhiệm tuân thủ, không thể viện bất kỳ lý do nào để thoái thác. Hiện nay, nhiều giám đốc DN cứ cho mình có toàn quyền sinh sát nên bất chấp luật lệ. Một trong những sai sót gây ảnh hưởng đến DN nhiều nhất là không xây dựng nội quy lao động.
“Nếu không có nội quy lao động thì không được xử lý kỷ luật lao động. Các DN nên nhớ điều này. Trong nội quy, phải ghi rõ hành vi sai phạm tương ứng với hình thức kỷ luật. Có như vậy, khi xảy ra vụ việc mới có căn cứ để xử lý. Vừa qua, nhiều DN cứ loay hoay không xử lý hoặc xử lý sai vì không có nội quy lao động rõ ràng” - một cán bộ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM lưu ý.
Bình luận (0)