Liên tục trong những ngày qua, các tỉnh, TP miền Đông Nam Bộ đã liên tục có khuyến cáo công nhân (CN) ngoại tỉnh, nhất là CN các địa phương xảy ra dịch bệnh, cân nhắc kỹ việc về quê ăn Tết. Mục tiêu khuyến cáo không ngoài mục tiêu ngăn ngừa rủi ro dịch bệnh, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người lao động (NLĐ).
Bảo vệ sức khỏe công nhân
Theo thống kê của Công đoàn (CĐ) các KCX-KCN TP HCM, do ảnh hưởng của dịch bệnh, thiên tai, hơn 193.000 CN quê ở miền Bắc, miền Trung đang làm việc sẽ không về quê ăn Tết. So với năm ngoái, số lượng CN ở lại tăng 20%. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, CĐ các KCX-KCN TP đã thông báo đến từng doanh nghiệp (DN), lưu ý CN cân nhắc kỹ khi về quê ăn Tết. "Đối với CN về quê đón Tết, chúng tôi khuyến cáo phải tuân thủ các quy tắc phòng dịch an toàn, ghi lịch trình di chuyển và không tụ tập đông người. Với những CN ở lại TP, CĐ các DN phối hợp cùng ban giám đốc chăm lo, tặng quà" - ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TP, cho biết. Tết Tân Sửu 2021, CĐ các KCX-KCN TP sẽ phối hợp cùng các quận, huyện tặng 2.000 phần quà (500.000 đồng/phần) cho CN ở lại TP ăn Tết.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh Bình Dương tặng quà Tết Tân Sửu 2021 cho công nhân có hoàn cảnh khó khăn không về quê ở lại Bình Dương đón Tết Ảnh: ĐỖ TRỌNG
Trao đổi với chúng tôi, bà Kiều Ngọc Hoa, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC Ce Complex (Khu Công nghệ cao, quận 9, TP HCM), cho biết qua khảo sát 1.500 CN về quê đón Tết, có 70% mong muốn ở lại TP để tham gia phòng chống dịch. "Từ kết quả trên, ban giám đốc và CĐ công ty quyết định dừng các chuyến xe đưa đón CN về quê ăn Tết. Kinh phí thuê xe đưa CN về quê được ban giám đốc và CĐ cơ sở dùng tổ chức các hoạt động chăm lo như tặng quà, phiếu mua hàng (500.000 đồng/voucher), thi gói bánh chưng, bánh tét… để CN vui Tết. Vào mùng 2 và mùng 3 Tết, CĐ cơ sở sẽ đến thăm, chúc Tết CN ở nhà trọ" - bà Hoa cho hay.
Ngay khi xuất hiện các ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, CĐ Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) ngay lập tức khuyến cáo CN không lơ là và cân nhắc việc về quê đón Tết để bảo đảm an toàn và sức khỏe. Song song đó, CĐ cũng thường xuyên cập nhật tin tức về dịch Covid-19 để CN nắm thông tin cũng như nhắc nhở thực hiện các biện pháp phòng dịch an toàn như đeo khẩu trang nơi công cộng, thường xuyên rửa tay, tập thể dục để bảo đảm sức khỏe, làm việc sau Tết.
Hỗ trợ người lao động ở lại ăn Tết
Do hoàn cảnh khó khăn nên 6 năm qua, gia đình anh Phạm Như Công - quê Ninh Bình, CN Công ty TNHH Wanek (KCN Mỹ Phước 3, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) - không về quê đón Tết. Năm nay, anh lên kế hoạch đưa vợ con về quê ăn Tết cùng cha mẹ, ông bà thì dịch bệnh bùng phát, do vậy phải trả lại vé tàu đã mua trước đó. "Ai cũng mong về quê sum họp ngày Tết, song điều cần thiết lúc này là bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng. Không về quê năm nay thì sẽ về năm sau" - anh Công nói.
Trước diễn biến khó lường của dịch Covid-19, để bù đắp một phần chi phí phải trả lại vé tàu xe và máy bay của CN, nhiều DN tại tỉnh Bình Dương đã linh hoạt đề ra các giải pháp hỗ trợ cho CN phải ở lại ăn Tết. Mới đây, Công ty TNHH Cự Hùng 2 (thị xã Tân Uyên) quyết định hỗ trợ 350.000 đồng/người cho CN quê ở miền Bắc, miền Trung ở lại Bình Dương đón Tết. Ngoài ra, CN còn được CĐ cơ sở hỗ trợ thêm 150.000 đồng/người. Ban giám đốc và CĐ cơ sở cũng kêu gọi CN với tinh thần vì lợi ích cộng đồng không di chuyển nhiều nơi trong những ngày nghỉ Tết và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo của Chính phủ. Tương tự, Công ty TNHH Kurabe Industrial Bình Dương (KCN Việt Nam Singapore 1, TP Thuận An) cũng khuyến khích CN không về quê trong dịp Tết nguyên đán năm nay mà ở lại Bình Dương ăn Tết. Ban giám đốc và CĐ cơ sở sẽ có chế độ hỗ trợ cho những CN ở lại…
Bình Dương có hơn 1,2 triệu lao động, trong đó hơn 85% lao động đến từ các tỉnh, thành trong cả nước. Tết Tân Sửu 2021 ước tính có khoảng 250.000 lao động ở lại Bình Dương đón Tết. Theo kế hoạch ban đầu, tỉnh Bình Dương sẽ hỗ trợ 18.000 CN xa quê có hoàn cảnh khó khăn, mỗi trường hợp 500.000 đồng. Ngoài ra, LĐLĐ tỉnh sẽ tổ chức chương trình "Chuyến xe Xuân nghĩa tình" đưa 4.000 CN khó khăn về quê ăn Tết. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Bình Dương đã quyết định dừng tổ chức chương trình này và hỗ trợ mỗi CN 500.000 đồng. LĐLĐ tỉnh Bình Dương cũng quyết định dừng tổ chức chương trình "Tết sum vầy" cho người lao động (NLĐ) vào tối 30-1 để phòng ngừa dịch bệnh. "Dù phải hoãn chương trình "Tết sum vầy" cấp tỉnh nhưng LĐLĐ tỉnh vẫn nỗ lực huy động được gần 3 tỉ đồng ủng hộ từ các đơn vị, DN và các nhà hảo tâm để chăm lo Tết cho CN" - bà Nguyễn Kim Loan, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương, cho biết.
Vì sức khỏe cộng đồng
Mới đây, LĐLĐ tỉnh Đồng Nai đã phát đi lời kêu gọi đến toàn thể CN đang làm việc trong tỉnh về việc ở lại Đồng Nai ăn Tết. Đồng thời, chỉ đạo các CĐ cơ sở không tổ chức các hoạt động tập trung đông người như: "Tết sum vầy", tiệc tất niên, liên hoan, hội chợ giảm giá… Thay vào đó, CĐ các cấp sẽ đồng loạt trực tiếp đến khu nhà trọ, ký túc xá để tặng quà cho CN. Một số DN sẽ không tổ chức lễ tặng quà cho CN bị mất việc do dịch Covid-19, mà thực hiện bằng cách chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản của họ. Riêng các "Chuyến xe sum vầy", CĐ sẽ tích cực tuyên truyền để CN ở lại Đồng Nai đón Tết" - ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai, cho biết.
Theo tổng hợp sơ bộ của Ban Quản lý các KCN tỉnh Đồng Nai, đến nay, số lượng CN làm việc ở Đồng Nai về quê ăn Tết chỉ bằng 1/3 năm ngoái. Có nhiều CN đã mua vé máy bay, vé tàu, vé xe nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh đã hủy, đổi, trả vé. Chị Nguyễn Thị Hiền - ngụ TP Biên Hòa, CN Công ty TNHH Taekwang Vina (KCN Biên Hòa 2, TP Biên Hòa) - cho biết gia đình chị dự định ngày 28 Tết sẽ về quê ở Thanh Hóa, đã mua 8 vé máy bay khứ hồi. Thế nhưng, sau khi đọc được thông tin của LĐLĐ tỉnh và CĐ cơ sở, vợ chồng chị đã quyết định ở lại Đồng Nai ăn Tết và đổi vé về vào dịp khác. Còn chị Phạm Thị Thoa - CN Công ty TNHH Changshin Việt Nam (xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu) - thì bộc bạch: "Thực ra, về quê ăn Tết còn tốn kém hơn việc ở lại Đồng Nai ăn Tết. Do đó, dù đã mua vé tàu về quê ở Quảng Bình nhưng trước tình hình dịch bệnh, tôi đã trả lại vé. Mặc dù rất nhớ con nhỏ đang ở nhà với ông bà nhưng vì lợi ích chung của cộng đồng, tôi chấp nhận ở lại Đồng Nai, chỉ mong sao dịch bệnh sớm được đẩy lùi để mọi hoạt động và cuộc sống diễn ra bình thường".
Trong khi đó, anh Nguyễn Hoàng Hải (quê Nam Định), CN Công ty TNHH Sơn Hà (TP Biên Hòa), tâm sự: "Điều mà tôi lo ngại nhất là lỡ về quê mà có dịch bệnh thì sẽ bị phong tỏa, không trở vào Đồng Nai làm việc được như dự kiến. Vì thế, gia đình tôi chọn giải pháp an toàn là ở lại Đồng Nai ăn Tết, chờ đến hè hoặc Tết năm sau về cũng không sao".
Ông NGUYỄN ĐÌNH KHANG, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam:
Cân nhắc thật kỹ việc về quê ăn Tết
Qua theo dõi nắm tình hình của các cấp CĐ, đã có hàng chục vạn CN ở lại, không về quê, nhất là CN khu vực phía Nam. Hàng trăm ngàn người dù nhiều năm không được sum vầy ngày Tết bên gia đình vẫn tự nguyện ở lại để tránh dịch. Đó là tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng rất đáng hoan nghênh của CN. Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp CĐ tiếp tục làm tốt công tác chăm lo Tết cho CN, không để NLĐ nào không có Tết. Với những người ở lại, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã chỉ đạo các cấp CĐ phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các địa phương tổ chức các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần, vật chất cho NLĐ; tổ chức các gian hàng bán hàng bình ổn giá, phiên chợ 0 đồng sẽ mở cửa phục vụ trong dịp Tết, thăm, tặng quà, động viên, tổ chức các trò chơi dân gian...
N.Tú ghi
Bình luận (0)