Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, sáng 27-10, Quốc hội (QH) thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023.
Đại biểu (ĐB) Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, đánh giá thời gian qua Chính phủ đã thực hiện kịp thời, đồng bộ và quyết tâm cao với nhiều giải pháp hiệu quả ổn định tình hình phát triển đất nước; KT-XH có sự phát triển tích cực, nhiều dấu ấn nổi bật; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân lao động từng bước được cải thiện.
ĐB Thái Thu Xương (đoàn Hậu Giang), Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam
Tuy nhiên, do biến động tình hình kinh tế, chính trị khu vực và trên thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó lường, chuỗi cung ứng hàng hóa ở các thị trường xuất nhập khẩu của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro do giá cả không ổn định, đã tác động mạnh đến đời sống, việc làm và thu nhập của người lao động, đặc biệt là các nhóm yếu thế, lao động nghèo, lao động nhập cư tại các đô thị lớn.
Về việc nhiều cán bộ công chức, viên chức bỏ việc, ĐB Thái Thu Xương cho biết đối với ngành y tế, nguyên nhân là do tác động ảnh hưởng của dịch COVID-19, áp lực công việc quá cao, cường độ làm việc quá lớn, nhiều cán bộ phải làm việc hơn 10 giờ/ngày trong môi trường làm việc nguy hiểm, nguy cơ mắc bệnh cao, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đối với viên chức ngành giáo dục, việc thay đổi phương thức, cách thức làm việc từ trực tiếp sang trực tuyến dẫn đến áp lực công việc quá lớn.
Tuy nhiên, sự quan tâm đến hai lực lượng này (y tế, giáo dục) chưa nhiều, chưa có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ tương xứng đối với công sức họ bỏ ra.
Theo thông tin của Bộ Nội vụ tại phiên thảo luận tổ về KT-XH ngày 22-10, từ đầu năm 2020 đến nay, đã có hơn 39.552 công chức, viên chức nghỉ việc, chủ yếu ở hai lực lượng y tế và giáo dục.
Đối với lực lượng công nhân - lao động nhập cư còn nhiều khó khăn trong việc tìm chỗ ở, chỗ học cho con do nhà ở xã hội chưa nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của công nhân - lao động. Vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo, các cơ sở giáo dục phổ thông tại các khu, cụm công nghiệp chưa phát triển nhiều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu, nhất là điểm giữ trẻ từ 6-18 tháng tuổi.
Vị ĐB là Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết thời gian gần đây, nhất là khi lương tối thiểu vùng được Chính phủ quyết định tăng, thì giá cả các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị bệnh, xăng dầu, sách giáo khoa, học phí, viện phí... tăng liên tục.
Trong khi tiền lương thực tế của cán bộ công chức, viên chức từ năm 2019 chưa tăng, lương tối thiểu vùng của người lao động tăng không cao, chỉ 6%, thấp hơn nhiều so với chỉ số lạm phát và tốc độ tăng trưởng GDP. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất của cán bộ công chức, viên chức, đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến đối tượng yếu thế, người làm công ăn lương, gây tâm lý lo âu cho nhóm đối tượng này.
Từ thực trạng nêu trên, ĐB Thái Thu Xương kiến nghị phải nhanh chóng có giải pháp căn cơ đối với bài toán thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực y tế, giáo dục để đủ sức phục vụ nhân dân.
Theo ĐB, cử tri, cán bộ công chức, viên chức rất vui mừng khi Chính phủ quyết định trình QH tăng lương cơ sở. Tuy nhiên, đề xuất QH và Chính phủ cần nghiên cứu về thời gian tăng lương càng sớm càng tốt. Đại đa số ý kiến cán bộ công chức, viên chức đề nghị tăng lương từ ngày 1-1-2023. Bên cạnh đó cần kiềm chế lạm phát, tránh tình trạng "lương chưa tăng thì giá đã tăng, lương tăng 1 đồng, giá tăng 2 đồng. Nếu như thế thì đời sống người dân nói chung và đối tượng yếu thế càng khó khăn hơn".
Bên cạnh đó, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 năm 2011 về quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập. Trong đó nâng mức phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với viên chức làm chuyên môn y tế dự phòng và y tế cơ sở từ mức 40% đến 70% tăng lên tất cả đều hưởng mức 100%. Xem xét nâng lương khởi điểm đối với đối tượng bác sĩ mới ra trường nhằm thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế công tác trong lĩnh vực y tế dự phòng, y tế cơ sở.
Bình luận (0)