Trong ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 4, Quốc hội (QH) khóa XV, nội dung về đề xuất điều chỉnh mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động từ ngày 1-7-2023 đã được đề cập tại một số báo cáo của Chính phủ gửi QH.
Đa số ý kiến nhất trí
Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, năm 2023, Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; nâng cao tỉ lệ tham gia BHXH, bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, Chính phủ tập trung hoàn thiện và triển khai hiệu quả chính sách về lao động, tiền lương, trong đó thực hiện điều chỉnh tăng lương cơ sở từ ngày 1-7-2023.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc phát biểu tại ngày làm việc đầu tiên của kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV Ảnh : PHẠM THẮNG
Tại các báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2023 và Kế hoạch tài chính 3 năm 2023 -2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết Chính phủ sẽ thực hiện điều chỉnh lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng (tăng 20,8%) từ ngày 1-7-2023. Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Nguyễn Phú Cường thông tin đa số ý kiến nhất trí với mức tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng và tăng chi trả cho một số đối tượng như phương án Chính phủ trình. Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, do tác động của dịch bệnh tới tình hình thực hiện thu NSNN, lương cơ sở chưa được điều chỉnh từ năm 2020 trở lại đây. Vì vậy, nếu tiếp tục giữ mức 1,49 triệu đồng/tháng sẽ ảnh hưởng tới đời sống của một bộ phận người lao động trong khu vực nhà nước. Bên cạnh đó, một số đối tượng nghỉ hưu trước năm 1995, người có công, phụ cấp nghề đối với các bộ y tế cơ sở và y tế dự phòng vẫn có mức hưởng thấp, nhất là trong bối cảnh hiện nay nên việc điều chỉnh tăng lương cho các đối tượng này là phù hợp.
Về tình hình thực hiện NSNN năm 2022, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết trong 9 tháng đầu năm 2022, thu ngân sách bằng 94% dự toán, trong đó thu nội địa đạt 88,9% dự toán, thu dầu thô đạt 113% dự toán, thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 108,8% dự toán. Đánh giá cả năm thu ngân sách ước tăng 14,3% so với dự toán. Về chi ngân sách, ước thực hiện hết tháng 9 đạt 60,9% dự toán, trong đó chi đầu tư, phát triển đạt 48,1% dự toán. Theo báo cáo của Chính phủ, bội chi tăng thêm cho nhiệm vụ thuộc chương trình phục hồi và dự án cần đẩy nhanh tiến độ của Nghị quyết 43 là 0,41% GDP. Theo đó, bội chi ngân sách năm 2022 ước thực hiện bằng 4,5% GDP, trong phạm vi QH cho phép.
Trình bày báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH, cho rằng việc xây dựng dự toán thu NSNN không sát thực tế, còn quá thận trọng có thể đã làm giảm không gian của chính sách tài khóa. Chất lượng thu NSNN còn chứa đựng yếu tố chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất, dầu thô (đạt 213% dự toán do giá bình quân tăng 47,05 USD/thùng so với dự toán), xổ số kiến thiết, trong khi thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng chậm. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích, báo cáo làm rõ việc thu NSNN tăng cao trong bối cảnh số doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ giải thể tăng cao và nhà nước đang thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để hỗ trợ DN.
Bổ sung quy định bảo mật trong phòng chống rửa tiền
Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trình bày Tờ trình dự án Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi). Theo Thống đốc, dự thảo luật xây dựng theo hướng khắc phục các vướng mắc, bất cập của các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền hiện hành để đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay.
Về đối tượng báo cáo phòng chống rửa tiền, dự thảo luật kế thừa quy định về đối tượng báo cáo phòng, chống rửa tiền tại Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012, bao gồm tổ chức tài chính và tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành nghề phi tài chính, bổ sung đối tượng báo cáo là các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.
Bên cạnh đó, xem xét bổ sung quy định về bảo mật và công bố thông tin trong quá trình thực hiện phòng chống rửa tiền phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế về phòng chống rửa tiền.
Giao dịch qua ngân hàng khi mua bán bất động sản
Để nâng cao hiệu quả của việc phòng chống rửa tiền, góp phần phòng chống tham nhũng, tiêu cực; cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo quan tâm, nghiên cứu việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuẩn hóa các dữ liệu để phát hiện các giao dịch đáng ngờ và có dấu hiệu tội phạm. Nghiên cứu việc bổ sung quy định bắt buộc giao dịch qua ngân hàng đối với các hoạt động như: mua, bán, cho thuê bất động sản; mua, bán sáp nhập DN...
Bình luận (0)